Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ứng tuyển thực tập sinh nhưng không khác gì chơi game sinh tồn

Để tranh được vị trí thực tập sinh ở các doanh nghiệp, sinh viên năm cuối phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn và làm cả bài kiểm tra để chứng minh năng lực.

Sinh viên ứng tuyển vị trí vị trí thực tập sinh cũng căng thẳng không kém nhân viên chính thức. Ảnh: Pexels.

“Mình nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí thực tập sinh thôi nhưng phải trải qua 3-4 vòng như ứng tuyển nhân viên chính thức. Một lần, mình đã khóc luôn trong buổi phỏng vấn vì bị nhà tuyển dụng gây khó dễ”, Phan Dương (ở TP.HCM) kể.

Nhớ lại khoảng thời gian tìm vị trí thực tập sinh, Phan Dương lại nổi da gà vì quá ám ảnh. Cô gái từng nghĩ rằng ứng tuyển làm thực tập sinh đơn giản, nhưng hóa ra, mọi chuyện lại rất khác và rất khó.

Áp lực đến bật khóc

Năm 4 đại học, Dương bắt đầu tìm các công ty tuyển dụng vị trí thực tập sinh để thử sức và có thêm kinh nghiệm trước khi ra trường tìm việc toàn thời gian. Thời gian đó, cô đã nộp hồ sơ vào khoảng 7-8 công ty nhưng phải rất chật vật mới tìm được nơi thực tập.

tuyen dung thuc tap sinh anh 1

Thực tập sinh cũng phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn. Ảnh: Pexels.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Dương cho biết cô ứng tuyển vào vị trí nhân sự ở các doanh nghiệp tư nhân ở TP.HCM, phần lớn doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên phải trải qua 3 vòng là xét hồ sơ, phỏng vấn qua điện thoại và phỏng vấn trực tiếp.

7-8 lần ứng tuyển, Phan Dương thấy điểm chung của những lần này là quy trình tuyển dụng rất lâu và phức tạp. Sau khi vượt qua vòng CV, Dương được công ty hẹn phỏng vấn qua điện thoại khoảng 30 phút. Ở vòng này, cô được hỏi về kinh nghiệm, trải nghiệm công việc và những suy nghĩ về vị trí công việc đang ứng tuyển.

Khi đến vòng phỏng vấn trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ hỏi nhiều vấn đề sâu hơn và đặc biệt là đưa ra những câu hỏi đánh đố hoặc cố tình thử thách tâm lý của ứng viên. Một lần, Dương bật khóc trong buổi phỏng vấn vì bị nhà tuyển dụng nhận xét khó nghe.

“Hôm đó HR công ty bảo mình kể về những điểm mạnh của bản thân, mình kể xong thì chị ấy bảo những thứ mình có cũng bình thường thôi, những ứng viên khác ai cũng có. Mình khóc tại chỗ luôn. Sau này mình mới nhận ra đó là một kiểu thử thách xem ứng viên có chịu được áp lực khi làm việc trong công ty đa quốc gia hay không”, Dương kể lại.

Không áp lực đến mức bật khóc như Nguyễn Dương, nhưng Bùi Phương (sống ở Hà Nội) cũng từng rất mệt mỏi khi ứng tuyển vị trí thực tập sinh. Hiện, Phương đã đi làm chính thức, cô vẫn không hiểu vì sao các công ty tuyển thực tập sinh còn gắt gao hơn tuyển người làm toàn thời gian.

Năm 2023, Phương nộp hồ sơ vào khoảng 5 công ty để ứng tuyển vị trí thực tập sinh marketing. Cũng giống như Phan Dương, Phương trải qua vòng duyệt CV, phỏng vấn nhanh qua điện thoại và sau đó là phỏng vấn trực tiếp. Vòng phỏng vấn trực tiếp lại chia thành 2 phần là phỏng vấn với HR công ty và phỏng vấn với quản lý.

Phương phỏng vấn với HR vẫn ổn, nhưng đến khi phỏng vấn với quản lý, cô bị sốc vì không nghĩ rằng vị trí thực tập sinh lại phải đáp ứng nhiều yêu cầu như vậy.

Lúc đọc thông báo tuyển dụng, Phương thấy mô tả công việc chỉ yêu cầu ứng viên có kiến thức chuyên môn về marketing, có kỹ năng viết và biết tiếng Anh. Nhưng khi phỏng vấn, quản lý lại nói với cô rằng thực tập sinh marketing phải biết quay dựng video, chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh.

“Mình hơi sốc nhưng cũng may là mình biết quay dựng video, còn chụp ảnh mình không biết thì mình cũng nói luôn là không biết, nhưng mình sẽ học. Không ngờ quản lý nói mình không đủ kỹ năng thì không nhận việc được, thậm chí nói là vị trí của mình có hơn 50 bạn ứng tuyển, nhiều bạn khác giỏi hơn nhiều nên mình không có hy vọng đâu. Đến giờ mình vẫn không biết con số 50 bạn ứng tuyển là thật hay quản lý chỉ đang dọa mình”, Phương chia sẻ.

tuyen dung thuc tap sinh anh 2

Phan Dương từng tham gia debate để tranh suất thực tập sinh. Ảnh minh họa: Pexels.

Thi tuyển cũng rất khó

Ngoài vòng phỏng vấn căng thẳng, những người ứng tuyển vị trí thực tập sinh như Phan Dương và Bùi Phương còn phải trải qua một số bài kiểm tra kỹ năng.

Bùi Phương ứng tuyển vị trí thực tập sinh marketing, ban đầu thông báo tuyển dụng không đề cập đến việc làm bài test nhưng hôm phỏng vấn cho một công ty thực phẩm, cô được yêu cầu làm bài ngay tại phòng và viết ra giấy.

Đề bài Phương nhận được là: Công ty sắp ra mắt một sản phẩm A, đối tượng hướng đến là gen Z, bạn hãy lên ý tưởng xây dựng chiến dịch marketing cho sản phẩm này.

Một lần khác, Phương cũng được yêu cầu làm kiểm tra nhưng không phải trên giấy mà kiểm tra miệng. Công ty này lại yêu cầu Phương lên ý tưởng để xây dựng kênh TikTok cho công ty sao cho video của kênh đạt được 1 triệu lượt xem trong tuần đầu tiên.

“Bị yêu cầu làm bài test mình không bất ngờ lắm vì vị trí của mình kiểu gì cũng gặp những thử thách như vậy. Nhưng điều làm mình bất ngờ hơn là mình phỏng vấn xong, làm bài test xong xuôi hết rồi, công ty lại im lặng, thậm chí còn không có email báo trượt”, Bùi Phương kể lại.

Phan Dương cũng làm bài kiểm tra rồi bị nhà tuyển dụng “bơ toàn tập” giống hệt Bùi Phương. Dương kể rằng một lần cô đã phỏng vấn xong với trưởng phòng nhân sự ở một công ty kiểm toán hàng đầu, 12 ngày sau phía công ty thông báo trưởng phòng mới nghỉ việc nên phải phỏng vấn lại từ đầu.

Dương đồng ý phỏng vấn và làm bài kiểm tra, thời gian thực hiện là 48 giờ. HR báo Dương chờ 10 ngày sau sẽ có kết quả. Cuối cùng, sau hơn 10 ngày, hòm thư của Dương vẫn im hơi lặng tiếng, hoàn toàn không có thông báo nào từ công ty.

Một lần khác, Dương được tham gia một trận debate (tranh luận) nảy lửa với hơn 30 ứng viên khác để tranh suất làm việc. Hôm đó, Dương được công ty thêm vào một phòng Zoom cùng các ứng viên.

Phía công ty đặt ra đề bài là “Giữa quyền lợi của công ty và quyền lợi của người lao động, các bạn sẽ chọn bảo vệ quyền lợi cho phía nào”.

Sau khi nhận đề bài, ứng viên có 10 phút suy nghĩ trước khi tranh luận. Nhớ lại hôm đó, Dương vẫn cảm thấy rùng mình vì chưa bao giờ cô tham gia một buổi tranh luận đông người và căng thẳng như vậy. Cô mô tả trận tranh luận hôm đó giống như một trò chơi sinh tồn, ai tranh được quyền chủ động và quyền nói thì sẽ chiến thắng.

“Ám ảnh lắm, cuối cùng mình cũng không đậu công ty đó vì mình chỉ nói được rất ít. Bây giờ đi làm chính thức rồi mình vẫn thấy sốc vì ngày xưa mình đã phải ‘chiến đấu’ rất căng thẳng để giành được vị trí thực tập sinh. Hóa ra tìm việc chính thức lại dễ hơn tìm việc thực tập sinh, thế mới ngược đời”, Dương nói.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Ra trường 3 tháng, rải 30 bộ hồ sơ vẫn chưa tìm được việc

"Trong hơn 30 doanh nghiệp mình ứng tuyển, mình chỉ nhận được 6 phản hồi và 2 nơi nhận phỏng vấn. Càng về cuối năm, cơ hội tìm việc lại càng khó khăn hơn", Lê Vy chia sẻ.

Thái An

Bạn có thể quan tâm