Sinh viên năm cuối căng thẳng khi nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí thực tập sinh. Ảnh: Pexels. |
“Tuyển thực tập sinh content marketing viết bài chuẩn SEO; biết thiết kế, chỉnh sửa hình ảnh minh họa cho bài viết; biên tập nội dung video trên các kênh truyền thông của công ty. Yêu cầu: Biết viết chuẩn SEO; biết sử dụng Photoshop, Canva, Capcut; có tư duy nhạy bén; có cái nhìn tinh tế với hình ảnh; thẩm mỹ tốt”.
“Tuyển thực tập sinh social media có đam mê trong lĩnh vực sáng tạo; có kiến thức cơ bản về thiết kế và copywriting; kỹ năng tiếng Anh tối thiểu IELTS 6.0; có kỹ năng làm việc độc lập và đa tác vụ; ưu tiên có kinh nghiệm biên tập video”.
Đây là hai trong số nhiều bài đăng mà Mai Linh (sống ở Hà Nội) tìm thấy khi đang tìm tin tuyển dụng cho em họ của mình. Cũng làm việc trong lĩnh vực marketing, Linh bất ngờ vì các công ty ngày nay đòi hỏi thực tập sinh phải có nhiều kỹ năng ngang ngửa nhân viên chính thức.
“Nhiều nơi bây giờ yêu cầu thực tập sinh phải kiêm luôn editor với designer, trong khi mình hồi xưa đi thực tập chỉ cần biết viết và có kỹ năng làm marketing là đủ. Đọc thông báo tuyển dụng thôi mà mình thấy áp lực thay các bạn trẻ bây giờ”, Mai Linh chia sẻ.
Nhà tuyển dụng đánh giá gen Z ngày càng giỏi nên họ phải nâng tiêu chuẩn để tuyển được người phù hợp nhất. Ảnh minh họa: Pexels. |
Vì sao tiêu chuẩn tuyển thực tập sinh ngày càng cao?
Trao đổi với Tri thức - Znews về việc các công ty đặt ra tiêu chuẩn cao cho lứa thực tập sinh trẻ, Huỳnh Thi, HR tại TP.HCM, cho rằng một phần lý do có thể bắt nguồn từ tình hình thực tế là thị trường việc làm có quá nhiều bạn trẻ giỏi, tỷ lệ cạnh tranh rất cao.
Ví dụ, theo quan sát của Thi, vào cuối năm 2023, khi cô đăng tin tuyển dụng thực tập sinh lên các nền tảng, số lượng bạn trẻ ứng tuyển rất đông, kéo theo tỷ lệ chọi hồ sơ lên đến 1/100 hoặc 1/200.
Ở những mảng mà gen Z quan tâm như sự kiện, marketing…, tỷ lệ chọi thậm chí còn cao hơn nên cũng vì thế nhà tuyển dụng muốn nâng cao tiêu chuẩn để tìm được người phù hợp nhất.
Một lý do khác để các công ty nâng tiêu chuẩn là sinh viên hiện nay rất năng động và rất giỏi. Là người thường xuyên đi tuyển dụng và trực tiếp làm việc với ứng viên, Huỳnh Thi nhận thấy sinh viên năm 3, năm 4 đã có sẵn kinh nghiệm làm việc vì các bạn nhận việc từ rất sớm, từ công việc part-time cho đến công việc tự do.
“Việc các công ty nâng tiêu chuẩn tuyển thực tập sinh vừa là áp lực, nhưng cũng là lợi thế cho các bạn sau này. Yêu cầu của nhà tuyển dụng càng cao, các bạn sẽ càng có động lực trau dồi kỹ năng để sau này dễ dàng gia nhập thị trường lao động”, Huỳnh Thi nói.
Chung quan điểm với Huỳnh Thi, Hồng Anh, HR tại Hà Nội, cũng cho rằng việc các công ty đặt ra loạt tiêu chuẩn khắt khe khi tuyển thực tập sinh là điều dễ hiểu.
Làm việc trong lĩnh vực nhân sự gần 5 năm qua, Hồng Anh nhận thấy cứ qua một “lứa” thực tập sinh mới, cô lại càng được mở mang vì các bạn ngày càng giỏi lên.
Trước đây, công ty chỉ yêu cầu nhân sự giỏi chuyên môn, nhưng yêu cầu ngày nay lại chuyển dần sang “đa nhiệm”, tức là có thể đảm nhận nhiều công việc cùng lúc.
Giống với con số Huỳnh Thi đưa ra, Hồng Anh cho biết dù chỉ là tuyển thực tập sinh cho công ty, cô cũng nhận về lượng hồ sơ ứng tuyển rất lớn. Mỗi năm, công ty Hồng Anh chỉ tuyển 3 thực tập sinh, nhưng số lượng hồ sơ nhận về lên đến 80-100 bộ.
“Sinh viên bây giờ giỏi lắm, cái gì cũng làm được. Mình thấy tuyển thực tập sinh giờ cũng như tuyển sinh đại học vậy, ứng viên càng giỏi thì tiêu chuẩn tuyển dụng càng cao, giống như thí sinh thi điểm cao thì các trường phải nâng điểm chuẩn mới lọc được người giỏi”, Hồng Anh chia sẻ.
Nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá thái độ của thực tập sinh thay vì chỉ chú trọng trình độ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Sinh viên nên làm gì để dễ tranh suất thực tập?
Là người trực tiếp tuyển dụng nhân sự cho công ty, Huỳnh Thi định nghĩa khái niệm tuyển dụng thực tập sinh chính là việc đi tìm những làn gió mới cho công ty và có thể những làn gió đó sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của công ty sau này.
Ở góc độ doanh nghiệp, mục đích tuyển dụng thực tập sinh sẽ có nhiều loại, ví dụ như phòng ban muốn trẻ hóa lực lượng hoặc tuyển thực tập sinh để hỗ trợ những công việc không mang tính chuyên môn cao trong giai đoạn ngắn.
Với mục đích trẻ hóa lực lượng, công ty có xu hướng tuyển thực tập sinh tiềm năng để tự đào tạo và sẽ có cơ hội lên chính thức nếu thể hiện tốt.
Với mục đích hỗ trợ trong giai đoạn ngắn, những bạn chuyên môn không tốt vẫn có thể ứng tuyển. Ngoài việc hỗ trợ phòng ban xử lý công việc, thực tập sinh đó cũng có cơ hội trải nghiệm công việc thực tế trong thời gian ngắn để xem mình có phù hợp hay không.
Dù tuyển thực tập sinh cho mục đích nào, những HR như Huỳnh Thi vẫn luôn ưu tiên 3 yếu tố, đầu tiên là thái độ tốt (chủ động, tích cực học hỏi), thứ hai là có kỹ năng phù hợp với vị trí tuyển dụng và thứ ba là có mục tiêu, định hướng công việc rõ ràng.
Nói thêm về lý do ưu tiên yếu tố thái độ, Thi cho biết thời gian làm việc với tư cách HR, cô gặp nhiều nhân sự chuyên môn tốt, nhưng thái độ lại không ổn. Sau một thời gian ngắn, những nhân sự như vậy sẽ bị đào thải vì không mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
Khi hỗ trợ các phòng, ban tuyển dụng, Thi cũng nhận được yêu cầu đầu tiên là tuyển thực tập sinh có thái độ tốt, tác phong tích cực và luôn cầu tiến.
Hồng Anh cũng đưa ra quan điểm tương tự. Theo nữ HR, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh cao, nhiều đối thủ tài năng như hiện nay, cách tốt nhất để các thực tập sinh gây ấn tượng với nhà tuyển dụng chính là thái độ nghiêm chỉnh và sẵn sàng học hỏi.
Một điều nữa các sinh viên cần lưu ý là làm CV thật chỉn chu khi ứng tuyển vị trí thực tập sinh. Hồng Anh nêu ra 3 nguyên tắc khi làm CV để tránh bị loại là sạch đẹp (nghĩa là trình bày CV gọn ràng), rõ ràng (nghĩa là các thông tin phải nêu cụ thể, tránh mơ hồ) và trung thực (nghĩa là không được khai gian kỹ năng, kinh nghiệm).
Cả Hồng Anh và Huỳnh Thi đều nêu rằng nếu sinh viên năm 3, năm 4 chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, các bạn có thể tìm hiểu kỹ về công việc trước khi ứng tuyển, sau đó lọc ra một số điểm mạnh của bản thân để đưa vào CV. Lưu ý là những điểm mạnh này phải phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
“Sinh viên năm cuối vẫn còn thời gian để trau dồi nên nếu rảnh, các bạn cứ tranh thủ thời gian để học mọi thứ. Học ngoại ngữ, thuyết trình, làm video, chỉnh sửa ảnh, tin học văn phòng… Những thứ đó bây giờ vị trí nào cũng cần đến nên các bạn cứ học đi, không thừa đâu”, Hồng Anh khuyên.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.