Trong tiếng nhạc "Happy New Year" và những bước chân sắm Tết rộn rã, ở một góc của quầy thanh toán chưa mở, Nguyễn Thị Lệ, sinh viên năm thứ hai Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), không giấu được vẻ xúc động. Vì dịch Covid-19 bùng phát, Lệ có thể sẽ không dùng được tấm vé máy bay giá 3 triệu đồng mà em tích góp khá lâu mới mua được.
Chấp nhận đón Tết xa gia đình
Khi thông tin về những ca lây nhiễm cộng đồng ở Hải Dương được đăng tải, Lệ không thể rời mắt khỏi điện thoại. Nhà của em gần tâm dịch ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Em liên tục lên mạng để đọc thông tin dịch tễ của những ca mắc Covid-19.
"Nếu không về quê được, em sẽ ở lại TP.HCM để làm thêm. Em cố gắng không buồn vì đã quen học tập và sống một mình", Lệ lạc quan chia sẻ.
Đặng Nhật Hoàng, sinh viên năm 1 ngành Thiết kế Đồ họa, Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vào 28/1, Hà Nội phát hiện một trường hợp dương tính ở đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, gần với ký túc xá em đang sinh sống.
Nhật Hoàng dự định sau khi hoàn thành môn học sẽ đặt vé xe về Hải Dương vào 7/2. Vì dịch bệnh bùng phát mạnh, từ 29/1 Hải Dương ngừng vận tải hành khách từ tỉnh thành khác đến nên Hoàng không thể đặt vé xe khách hay vé tàu hoả.
Quê của Nhật Hoàng ở thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nơi đang cách ly nhiều thôn do có các trường hợp nhiễm Covid-19. Những ngày bùng dịch, Nhật Hoàng liên lạc thường xuyên với gia đình vì lo lắng cho sức khoẻ của người thân.
"Bố mẹ dặn em hạn chế ra ngoài đường và luôn đeo khẩu trang nơi công cộng. Nếu dịch bùng phát mạnh thì em không được ra khỏi ký túc xá", Hoàng tâm sự.
Tất cả bạn cùng phòng của Nhật Hoàng là đồng hương với em. Trong trường hợp không thể về quê, Hoàng sẽ đón Tết Nguyên đán 2021 với bạn bè ở ký túc xá Mỹ Đình. Hoàng dự tính sẽ cùng bạn đi siêu thị mua thức ăn dự trữ và không đi ra ngoài vào những ngày nghỉ Tết.
Bùi Huy Thế Anh, sinh viên ngành IT, Đại học Greenwich, chia sẻ với Zing bạn chưa nhận được thông báo nghỉ học từ nhà trường. Với tình hình dịch bệnh hiện tại, nam sinh chọn ở lại Hà Nội đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì sức khoẻ cộng đồng, em chấp nhận đón Tết xa gia đình.
Ký túc xá Mỹ Đình hỗ trợ cho sinh viên đăng ký ở lại vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: N.H. |
Hy vọng về một mùa Tết trọn vẹn
Tỉnh Quảng Ninh là điểm nóng về số ca dương tính với Covid-19, ghi nhận tới sáng 30/1 có 18 ca lây nhiễm cộng đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tạm dừng tất cả phương tiện cơ giới chở người ra, vào tỉnh, trừ các trường hợp đặc biệt.
Từ 29/1 đến 29/2 xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị phong tỏa nhằm khoanh vùng, truy vết, khống chế dịch lan rộng trong cộng đồng.
Nguyễn Duy Hưng, sinh viên ngành Công nghệ Ô tô, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, tranh thủ chạy xe máy về Quảng Ninh trước khi lệnh phong toả có hiệu lực.
Hiện Duy Hưng cùng gia đình nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội từ 29/1 đến 29/2 theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh.
“Em mong chính quyền mau chóng dập được dịch Covid-19 để người dân được ăn Tết trong bình an”, Duy Hưng tâm sự.
Bùi Thế Anh, sinh viên năm thứ tư ngành Thiết kế Đồ hoạ, Cao đẳng FPT Polytechnic Hà Nội, dự tính sẽ về đi xe về nhà ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 6/2. Vì dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ, Anh phải tạm hoãn kế hoạch. Nếu ở lại Hà Nội vào dịp Tết, Thế Anh sẽ sang nhà bạn đón giao thừa cho vơi bớt nỗi nhớ gia đình.
Thế Anh tin tưởng với kinh nghiệm phòng dịch nghiêm ngặt ở những đợt dịch trước, tỉnh Quảng Ninh sẽ mau chóng khoanh vùng, dập dịch thành công để người dân có một mùa Tết trọn vẹn.
"Mình tin lần này tỉnh Quảng Ninh chắc chắn sẽ kiểm soát được dịch, kịp về quê đón Tết”, Thế Anh nói.