“Khi mình mới ra trường, một số công ty chi trả mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng, có nơi cao hơn, thậm chí 11 triệu đồng nhưng mình đều từ chối”, Quốc Đạt (24 tuổi) chia sẻ với Zing.
Hai năm trước, Quốc Đạt tốt nghiệp cử nhân ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh ứng tuyển vào một vài công ty. Đã đi phỏng vấn và được thông báo nhận việc nhưng cuối cùng, anh đã chối các công ty này do mức lương không như mong muốn.
Quốc Đạt cho rằng điều quan trọng là phải biết vị trí và năng lực của mình ở đâu. Ảnh: NVCC. |
Biết mình, biết ta
Ngay từ năm 3, Đạt đã lựa chọn theo ngành digital marketing. Ở thời điểm đó, mức lương phổ biến cho vị trí này từ thực tập sinh đến một năm kinh nghiệm dao động 6-8 triệu đồng/tháng.
Đạt cho biết con số đó không thấp đối với sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, đối với Đạt, thu nhập như vậy chưa phù hợp với năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm anh tích lũy trong 2 năm trước khi rời khỏi giảng đường đại học.
Bên cạnh đó, với công việc partime tại công ty cũ, anh nhận lương 10 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, Đạt tự tin và biết bản thân đang ở vị trí nào. Anh cầm CV đi ứng tuyển, một công ty đưa ra mức khởi điểm 6-8 triệu đồng, có nơi cao hơn 8-10 triệu đồng. Mặc dù Đạt thỏa thuận lại, một số công ty có quỹ lương giới hạn cho vị trí đó.
"Hơn nữa, mình thấy công việc chưa thực sự phù hợp với định hướng bản thân nên đã quyết định từ chối”, Đạt cho biết.
Chỉ một thời gian ngắn sau, Quốc Đạt được nhận vào một công ty công nghệ giáo dục với lương khởi điểm 12 triệu đồng chưa kể phụ cấp, chế độ phúc lợi và cơ hội phát triển, thăng tiến.
Đạt cho rằng nhiều ứng viên ngại mình là sinh viên mới ra trường nên khi được hỏi về mức lương mong muốn thường, họ không chia sẻ được con số mình kỳ vọng hoặc chấp nhận mức lương thấp do nhà tuyển dụng đưa ra.
“Mình không như thế bởi mình đã tìm hiểu vị trí đó trong thị trường lao động có mức lương phổ biến như thế nào để đưa ra đánh giá đúng. Quan trọng là phải biết vị trí và năng lực của mình ở đâu”, Đạt nhận định.
Vì sao nhà tuyển dụng chỉ đặt mức lương như vậy?
Bà Phạm Thị Hoài Linh - Giám đốc Nhân sự Navigos Group - cho biết hiện nay, không ít trường hợp sinh viên mới ra trường từ chối mức lương khởi điểm công ty đưa ra với lý do mức lương khởi điểm không như mong muốn cho dù mức lương đó với nhiều người được coi là khá ổn.
Bà Phạm Thị Hoài Linh – Giám đốc Nhân sự Navigos Group. Ảnh: NVCC. |
Đánh giá về năng lực của sinh viên mới ra trường, bà Linh nhận định đây là thế hệ Gen Z được tiếp xúc với nền công nghệ và xã hội mở, do vậy, ứng viên rất thông minh và có nhiều tài năng đa dạng.
Tuy nhiên, theo bà Linh, do tiếp xúc với máy tính nhiều cũng như cái tôi được coi trọng quá mức, một số người có khả năng kiểm soát cảm xúc, hiểu tình huống, hiểu người khác và suy nghĩ hợp lý chưa tốt.
Đương nhiên, bà đánh giá không phải ứng viên nào cũng đòi hỏi vô lý. Bà Linh cho biết nhiều ứng viên hiểu khả năng của mình để có cái nhìn đúng đắn về mức lương.
Theo bà Hoài Linh, nhà tuyển dụng chỉ đưa ra mức lương như vậy cho ứng viên bởi lý do với mỗi cơ hội công việc, thu nhập không chỉ tính bằng lương mà còn có các thu nhập bằng tiền khác như thưởng, các loại phụ cấp (nếu có).
Bên cạnh đó, công ty còn có các loại thu nhập không bằng tiền như các chế độ phúc lợi chăm sóc sức khỏe cho người lao động, cơ hội học hỏi, đào tạo, phát triển, thăng tiến… Chỉ khi nhìn tổng quan, ứng viên mới nắm được thu nhập thực tế của mình.
Ngoài ra, trước khi đề cập đến lương, nhà tuyển dụng cũng đã đánh giá khả năng của ứng viên so với ứng viên khác hoặc người lao động cùng cấp bậc của ứng viên để đưa ra mức phù hợp. Mức độ tiềm năng phát triển hay thái độ của ứng viên có thực sự xứng đáng để nhà tuyển dụng phải đưa ra một mức cao hơn hay không.
“Đôi khi, việc yêu cầu lương cao cũng như bong bóng trên thị trường và nhà tuyển dụng cần cân đối để đưa ra mức độ phù hợp chứ không phải theo yêu cầu của ứng viên”, bà Hoài Linh khẳng định.
Để có mức lương xứng đáng
Quốc Đạt cũng nhận định sinh viên mới ra trường thường sẽ không có hoặc ít kinh nghiệm làm việc thực tế. Do đó, họ khó được nhà tuyển dụng đưa ra mức lương cao.
Để có được mức lương cao hơn, sinh viên mới ra trường cần xem xét vị trí ứng tuyển phù hợp với bản thân. Họ chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng những kỹ năng và kiến thức được trau dồi ở giảng đường sẽ là lợi thế để ứng viên có mức thu nhập tốt.
Theo Quốc Đạt, ứng viên cần thẳng thắn trao đổi với nhà tuyển dụng khi đề cập đến mức lương. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, ứng viên cũng cần thẳng thắn trao đổi với nhà tuyển dụng.
“Đừng ngại khi mình là sinh viên mới ra trường, bạn nên tự chuẩn bị cho bản thân mình một con số phù hợp để tự tin hơn trước nhà tuyển dụng”, Quốc đạt đưa ra lời khuyên.
Và điều quan trọng nhất, mỗi ứng viên cần nêu được khả năng của bản thân ở hiện tại và khả năng phát triển đối với công ty. Hiện tại, họ có thể làm những gì và tương lai giúp công ty phát triển ra sao.
Ngoài ra, Quốc Đạt cho rằng rất nhiều nhà tuyển dụng và các doanh nghiệp chú trọng đến khả năng phát triển của nhân sự. Tuy mức lương ở thời điểm phỏng vấn có thể chưa như kỳ vọng, dựa vào khả năng mà nhân sự cố gắng, họ có thể đưa ra một lộ trình phù hợp cho công việc và thu nhập của nhân sự đó trong dài hạn.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hoài Linh nhận định nhà tuyển dụng sẵn sàng trả lương cao cho sinh viên mới ra trường nếu ứng viên đó có thái độ, khả năng làm việc nhóm hay làm việc cá nhân đều tốt. Bên cạnh đó, họ có khả năng ngoại ngữ, trải nghiệm thực tế trong các dự án từ khi còn là sinh viên.
“Và quan trọng nhất, ứng viên biết mình là ai, công ty cần gì từ họ và họ mang lại giá trị gì cho công ty. Nếu ứng viên có tư duy, khả năng vượt trội, không có lý do các công ty không tuyển dụng, giữ họ cho công ty của mình”, bà Hoài Linh khẳng định.