Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên nghệ thuật kiếm 80 triệu đồng/tháng ở dịp cao điểm

Với những ngày thường, các bạn có thể kiếm 4-8 triệu đồng/tháng. Vào mùa Tết, một nam sinh trường Nhạc thu nhập tới 80 triệu đồng, đủ tiền để sắm chiếc xe Liberty, trong khi các nữ sinh trường Múa "bỏ túi" 30-40 triệu đồng.

Sinh viên nghệ thuật kiếm 80 triệu đồng/tháng ở dịp cao điểm

Với những ngày thường, các bạn có thể kiếm 4-8 triệu đồng/tháng. Vào mùa Tết, một nam sinh trường Nhạc thu nhập tới 80 triệu đồng, đủ tiền để sắm chiếc xe Liberty, trong khi các nữ sinh trường Múa "bỏ túi" 30-40 triệu đồng.

>> Khám phá thu nhập của các hot girl

Ưu thế làm thêm của dân khối nghệ thuật

Nếu so sánh nguồn thu nhập của sinh viên nghệ thuật so với những bạn trẻ tại các trường khác thì chắc chắn có thể khẳng định rằng số tiền họ kiếm được cao hơn rất nhiều. Việc đó không chỉ giúp các bạn tự trang trải học phí mà còn có thể mua sắm, tiêu pha vào những thứ mình thích.

Trong một tháng, có những bạn kiếm được gần chục triệu, 30-40 triệu hoặc có bạn chỉ kiếm được 4-5 triệu. Điều đó phụ thuộc vào việc thời gian đó mỗi người có nhận được nhiều show diễn cũng như có chăm chỉ chạy show hay không.

Lê Hải - hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Múa tỏ ra hơi ngại khi nói về mức thu nhập của mình: “Hiện tại thì mình hay đi diễn vào các buổi tối. Thường thì mình hay diễn phụ họa cho các ca sỹ, đôi khi cũng đi diễn theo nhóm. Mỗi lần như vậy thì mình phải diễn khoảng 2-3 bài, tùy theo yêu cầu của chương trình. Nếu đi diễn theo cả nhóm thì tiền lương bọn mình nhận được không cao lắm, chỉ khoảng 300.000 - 500.000 đồng/buổi. Còn nếu đi diễn một mình thì cao hơn chút xíu, trung bình khoảng 1triệu/buổi.

Một tuần thì mình chỉ nhận 2-3 show thôi, vì phải dành thời gian nghỉ ngơi vì nếu đi suốt thì rất mệt. Thời gian đầu, mới đi diễn thì cảm thấy hứng thú vì được đứng trên sân khấu, được trình diễn cho nhiều người xem. Nhưng càng về sau thì càng thấy oải vì cường độ công việc khá nhiều.

Có những tuần mình chạy show gần như là kín mít, không được nghỉ ngày nào. Nhiều khi đi diễn ở các tỉnh, 3h sáng mới về đến Hà Nội, về nhà thì cũng vào lúc gần sáng, chỉ được ngủ có 2-3 tiếng vì phải đi học”.

Nhiều chương trình giải trí, các hoạt động văn hóa nghệ thuật của các doanh nghiệp... đã giúp sinh viên các trường khối nghệ thuật dễ dàng kiếm tiền hơn. Hình ảnh chị em song Linh của trường Múa biểu diễn phụ họa cho một tiết mục tài năng của giới trẻ. Ảnh có tính chất minh họa - Thủy Nguyên.

Trường hợp của Mai Trang - sinh viên khoa Múa trường CĐNT Hà Nội thì khác. Do mới theo học nên các mối quan hệ của Trang cũng ít hơn so với các bạn trong lớp. Ban đầu cô chỉ đi diễn khi được các bạn nhường cho các show nhỏ để họ chạy những chương trình nhiều tiền hơn.

Trang cho biết, cứ mỗi show diễn như vậy, cô chỉ nhận được 200.000-300.000 đồng. Lịch diễn của cô cũng ngày càng dày lên so với trước bởi sau mỗi chương trình cô đều chủ động xin số liên lạc của người phụ trách.

Theo như lời một số bạn, thì việc đi diễn cho các chương trình, các đoàn hay ở đâu thì cũng đều có một giá chung nhất định. Thường thì đối với những anh chị khóa trên, có kĩ thuật cũng như chuyên môn tốt hơn thì việc họ nhận được các show diễn lớn hơn hay nhiều tiền hơn là chuyện bình thường. Còn đối với những bạn chập chững mới vào nghề thì thu nhập của họ cũng sẽ thấp hơn.

Hương Lan - là một ca sĩ còn non trẻ trong nghề. Sau khi hoàn thành khóa học tại trường, Lan cũng chăm chỉ chạy show, lúc thì đi diễn ở các tỉnh, lúc thì hát trong những buổi liên hoan, kỉ niệm của các công ty lớn. Đối với Lan, cô thích được đi diễn ở các tỉnh hơn, tuy rằng mệt mỏi, xa xôi nhưng đồng nghĩa với việc số tiền mà các cô nhận được cũng cao hơn gấp 2-3 lần so với việc hát tại các chương trình trong Hà Nội.

“Trước đây, với mỗi một bài hát mình nhận được 300.000 đồng/bài, có những tối mình hát đến 2-3 bài thì cũng được khoảng gần 1 triệu/tối. Nhưng đi diễn tại các tỉnh xung quanh Hà Nội thì tuy rằng mất cả ngày nhưng sẽ có mức xấp xỉ 2 triệu đồng/người. Đó là chưa kể nếu đi hát ở các buổi tiệc của công ty thì sẽ được họ mời xuống để dự cùng và đôi khi nhận được những khoản “bo” hậu hĩnh” - Lan cho biết.

Cô cũng cho rằng việc nhận được khoản tiền như vậy là hơi thấp, vì để trình diễn một bài cho khán giả, cô phải đầu tư về phần trang phục, thu âm, làm nhạc nền…

Nghề tay trái, nghề tay phải

Thông thường, khi đi diễn thì các nữ ca sĩ luôn nhận được sự yêu mến từ phía khách hàng hơn các nam. Họ cũng nhận được nhiều lời mời hơn, tiền công cao hơn và đặc biệt là sẽ được “thưởng” nhiều hơn nếu chịu khó xuống tiếp rượu cùng khách.

Chính vì vậy, nhiều nam sinh viên ngành nhạc quyết định thêm một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Hầu hết, các nam ca sỹ đều lựa chọn đó là làm người mẫu. Đó là đối với những bạn mang vóc dáng to cao, sở hữu thân hình cân đối, khuôn mặt dễ nhìn. Còn đối với những ai không đạt được những tiêu chuẩn đó thì chỉ còn cách là ở nhà chờ có ai gọi thì đi.

Minh Hưng - hiện đang là sinh viên năm cuối trường Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ngoài việc đi hát, Hưng còn kiêm làm người mẫu ảnh cho các cửa hàng thời trang. Số tiền mà Hưng kiếm được cũng không đáng là bao so với các bạn nữ. Việc làm người mẫu thì mỗi buổi Hưng chỉ nhận được khoảng 200.000-300.000 đồng, một tháng cũng được 3-4 buổi. Còn đi hát thì cũng chập chững như vậy, trung bình một tuần đi hát được khoảng 3 buổi, mỗi buổi cũng chỉ được 200.000-300.000 đồng. Tính ra cả tháng nếu làm tốt thì được 7-8 triệu đồng, còn nếu lười thì được khoảng 4-5 triệu đồng.

Với sinh viên học diễn viên cũng không khác nhiều. Đối với những bạn may mắn nhận được vai phụ trong bộ phim thì số tiền các bạn nhận được khoảng 400.000-500.000 đồng/phân cảnh. Còn những ai nhận được vai chính trong phim thì đương nhiên thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Nhưng phải là những người có chút tên tuổi trong nghề thì mới nhận được các vai chính. Khổ nhất vẫn là các bạn đóng vai quần chúng, xuất hiện được vài đoạn trên phim, tiền công thì may ra là được 200.000 đồng/phân cảnh.

Ưu thế hát hay, trình diễn tốt đã giúp cô nữ sinh trường Nhạc - Cao Thanh Thảo My trở thành Miss Teen 2011. Ảnh có tính chất minh họa - Thủy Nguyên.

 

Nếu chịu khó, sinh viên có thể kiếm một khoản tiền "khủng"

Nghề người mẫu hiện nay được rất nhiều các bạn trẻ lựa chọn bởi nó dễ kiếm tiền hơn các nghề khác. Chỉ cần có khuôn mặt xinh đẹp cộng với vóc dáng “chuẩn” thì trung bình mỗi tuần các bạn kiếm được 4-5 triệu đồng từ việc làm mẫu ảnh, một tháng cũng thu về từ 15-20 triệu từ việc chụp hình quảng cáo. Đó là chưa kể đến việc tham dự các buổi trình diễn thời trang nên có tháng thu nhập của các bạn lên đến gần 30 triệu đồng.

Tuy nhiên cũng phải tùy vào từng thời điểm, nếu như các bạn người mẫu kiếm được nhiều show vào mùa thu thì một số người theo học đàn organ lại rất kiếm vào dịp gần tết.

Nguyễn Xuân Thành - sinh viên năm cuối trường Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ngoài giờ đi học thì cậu bạn dành hầu hết thời gian để đi dạy học và biểu diễn. Tết năm ngoái, hầu như là Thành phải hoãn tất cả các buổi dạy vì lý do “chạy show”.

Thời điểm gần Tết, có rất nhiều các chương trình liên hoan, tất niên, tiệc tùng. Các công ty thường phải mời ca sĩ đến hát, nếu mời những người nổi tiếng thì không đủ tiền nên họ chỉ thuê những người bán chuyên hoặc hầu như không có tên tuổi. Và đã có ca sĩ thì phải có người chơi đàn organ để đệm hát.

Vậy là một ngày, Thành nhận được 3 show như vậy, liên tục trong vòng gần một tháng. Mỗi show, cậu bạn được trả 1.500.000 đồng. Nhận thấy đây là dịp tốt để kiếm tiền, Thành chịu khổ, sau đó ung dung nhét túi hơn 80 triệu. Cậu dành số tiền đó để mua cái xe Liberty mới cứng, còn lại thì để tiêu tết cho thoải mái.

Cũng chính vì thế mà hầu hết dân nghệ thuật nói chung như múa, ca sỹ, người mẫu, nhạc công… thì rất ít khi đi chơi những dịp lễ, Tết. Bởi đó là thời điểm nhiều show, một ngày chạy 3-4 nơi là chuyện bình thường. Hơn nữa tiền công và khả năng được khách “bo” cao hơn.

Thùy Linh - cô gái duyên dáng đến từ trường Múa tâm sự: “Em thích nhất là dịp sát Tết, vì nhiều show. Nhóm em có chạy hết sức cũng không thể hết được. Có những hôm phải chạy từ sáng đến tối muộn mới xong việc. Nhóm có 3 người, tất cả đều học trong trường. Theo quy định của nhóm thì tiền catse bọn em sẽ chia đều cho nhau, còn khi xuống giao lưu, mời rượu thì khách “bo” cho ai thì là của người ấy. Đợt Tết vừa rồi cả nhóm đi diễn cũng nhiều nên riêng tiền chạy show mỗi đứa cũng được khoảng 30-40 triệu đồng.

Đa số các bạn sinh viên của các trường nghệ thuật đều kiếm tiền rất sớm, thay vì đi làm những công việc làm thêm thông thường như chạy bàn, phục vụ các quán ăn, nhà hàng, cà phê thì họ lại chọn cho mình cách đó là đi biểu diễn. Bởi đấy là đặc thù nghề nghiệp của họ.

Tuy nhiên, việc làm thêm cũng ảnh hưởng không ít đến đời tư.

Với Mai Trang, chính vì quá ham mê công việc mà cô đã phải chấm dứt mối tình với bạn trai. Số là anh chàng kia thấy người yêu mình đi diễn nhiều quá, hơn nữa vốn cũng không thích cái nghề của Trang nên đã bắt cô phải nghỉ. Đối với cô, công việc mới là cái lâu dài sau này nên cô quyết định từ bỏ chuyện tình cảm để có thể gây dựng sự nghiệp của riêng mình.

Đây cũng là nỗi khổ riêng trong nghề của các bạn nữ, bởi đối với những ai có người yêu không phải trong nghề thì khó mà có thể thông cảm được nhiều chuyện. Khi các bạn đi diễn nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc không thể dành thời gian cho nhau, hơn nữa nếu biểu diễn cho bất kì hội nghị, tiệc tùng của các công ty thì chắc chắn họ sẽ mời diễn viên xuống sân khấu để giao lưu.

Không xuống thì đồng nghĩa là sẽ không có lần sau bạn được người ta mời đến biểu diễn. Mà xuống thì lại phải tiếp rượu hàng loạt, có muốn uống ít cũng không được bởi người ta luôn nhiệt tình mời. Nếu bạn nào có tửu lượng khá thì chuyện này có lẽ cũng không có gì là khó, còn đối với những bạn không biết uống thì phải dè chừng để có thể giữ cho đầu óc được tỉnh táo và từ chối những lời mời.

Nguyễn Phương Dung là sinh viên đã tốt nghiệp của một trường ĐH VHNT ở Hà Nội. Với dáng vẻ cao ráo cộng với khuôn mặt dễ nhìn, cô thường xuyên được gọi đi diễn lễ khai trương cho các nhà hàng. Trong một lần đi diễn, sau khi kết thúc phần trình diễn, Dung và 2 người bạn của mình được chủ nhà hàng mời xuống dự tiệc.

Dù rất ngại nhưng vì là chủ nhà hàng mời nên miễn cưỡng mới phải xuống. Rồi mỗi người được mời 1 ly rượu. Uống được 5-6 ly là Dung cảm thấy mặt đỏ ửng và hơi choáng vì men rượu, sau khi xin phép về vì biết rằng không thể uống được nữa thì cô nhận được rất nhiều lời mời đưa cô về nhà, thậm chí có cả những người rủ cô lên bar chỉ để “uống nước”. Có người thì nói rằng “để anh thuê tạm một khách sạn gần đây cho em, sáng mai về nhà cho an toàn”. Phải vất vả lắm cô mới từ chối được hết những lời mời đó và cuối cùng cô cũng về đến nhà an toàn.

Tùng Trần

Theo Infonet

Tùng Trần

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm