Sinh viên ’ngồi nhầm lớp’ vẫn không biết
Vẫn không biết mình “ngồi nhầm lớp”, nhiều sinh viên khóa K2.1, ngành Điện công nghiệp tại cơ sở Bách Nghệ vẫn tưởng được ra trường sớm.
Nhiều sinh viên ngành Điện công nghiệp khóa K2.1 tại cơ sở Bách Nghệ đều cho rằng mình thuộc hệ CĐ liên thông, Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP HCM. Trong khi, phía trường lại khẳng định không hề liên thông hệ CĐ ở khóa này với cơ sở Bách Nghệ.
18 tháng thành 3 năm?
Khác với sinh viên ngành Thiết kế đồ họa máy tính khóa K2.7 tại cơ sở Bách Nghệ được “ra trường sớm”, thì nhiều sinh viên ngành Điện công nghiệp thuộc Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM đinh ninh ra trường sau 1 năm rưỡi thì bây giờ, thời gian học có thể kéo tới 3 năm.
Điều khoản giữa bên A (Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP HCM và bên B (Công ty Cổ phần Bách Nghệ) thời gian tháng 3/2008 không hề có chương trình nào liên kết nào là hệ liên thông. |
SV T., ngành Điện công nghiệp học tại cơ sở Bách Nghệ từ năm 2008, cho biết, trước khi vào trường đã nhận được tờ rơi tuyển sinh ngành này hệ CĐ nghề liên thông, Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, với thời gian đào tạo là 18 tháng.
Theo lời sinh viên này cùng những sinh viên khác của khoá K2.1 khi học được một thời gian ở đây, trường (Công ty Cổ phần Bách Nghệ) lại thông báo thời gian học sẽ kéo dài 23 tháng. Lý do được đưa ra là vì chương trình khung đào tạo của ngành này hệ CĐ nghề liên thông (đào tạo 1,5 năm) chưa được Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghệ TP.HCM cung cấp. Theo đó, sinh viên phải học chương trình của hệ CĐ nghề chính quy (đào tạo 3 năm) nên sinh viên sẽ được học lâu hơn với chương trình “nén” từ 3 năm còn 23 tháng.
Thời điểm những sinh viên này nhập học được tính từ tháng 4/2008. Tuy nhiên, sinh viên Th. cho rằng: “Em nghĩ là tháng 4/2010 vẫn chưa được ra trường đâu. Vì e rằng học không kịp chương trình”.
Khi nói về chương trình “nén” từ 3 năm còn 23 tháng, một sinh viên của lớp này cho rằng, nói là nén chương trình nhưng có môn, chỉ học một ngày là đã có thể thi.
Trên biên lai và giấy xác nhận sinh viên của những sinh viên này đều ghi rõ là sinh viên thuộc Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP HCM, và ghi hệ “Cao đẳng nghề”.
Xác minh lại thông tin từ phía Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ TP HCM, ông Trần Viết Phú, Trưởng phòng đào tạo của trường khẳng định thời gian năm 2008 - 2009 trường hoàn toàn không hề liên kết với cơ sở này chương trình liên thông nào.
Theo hợp đồng giữa hai bên ký kết thời gian tháng 3/2008, trường chỉ liên kết với cơ sở này một số ngành thuộc hệ CĐ nghề chính quy và TC nghề.
Phải chăng, ngoài ngành Thiết kế đồ họa máy tính, hệ CĐ liên thông khóa K.27 thì ngành Điện công nghiệp khóa K2.1 này cũng được cơ sở này không có phép vẫn tuyển sinh? Nếu nói là sinh viên “tự nguyện ngồi nhầm lớp” hay không biết mình học hệ nào thì một thực tế là hầu hết những sinh viên này đã có tấm bằng TC nghề cùng ngành trong tay.
Chương trình học bị cắt xén
Như đã thông tin, Trường CĐ nghề số 8 đã tiến hành kiểm tra cơ sở này trong những ngày qua. Ông Nguyễn Xuân Quế, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết đã phát hiện cơ sở này cắt xén giờ học của SV. Theo chương trình khung của trường đưa xuống, giờ học của nhiều môn học không được “nguyên vẹn”. Như có môn học 150 tiết thì bị cắt 8 tiết...
Việc ghép sinh viên trường này với trường kia, hệ này với hệ kia cũng được khẳng định là có thật. Điều này không chỉ diễn ra ở khoa Thiết kế đồ họa máy tính khóa K2.7 mà còn diễn ra ở nhiều ngành khác.
Được biết, có nhiều sinh viên đã học TCCN, thậm chí là học vượt chương trình nghề nhưng vẫn được xếp vào lớp CĐ nghề chính quy.
Những tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các khóa thuộc năm học 2009 - 2010.
SV tại cơ sở Bách Nghệ giờ tan học. |
Về phương án giải quyết quyền lợi cho sinh viên bị cắt giờ học, ông Quế nói rằng: “Trường đang có hướng yêu cầu chỉ đạo cơ sở này đào tạo bù số giờ học cắt xén cho sinh viên. Nhưng làm vậy, thời gian học sẽ kéo dài ra thêm. Vì thế, tôi đang xin ý kiến từ ban giám hiệu”.
Riêng 16 sinh viên ngành Thiết kế đồ họa máy tính được tuyển “chui” thời gian tháng 9 đến tháng 11/2009 sẽ được chuyển về cơ sở chính để học với sinh viên cùng ngành và cùng khóa.
Việc cơ sở đào tạo này chỉ trả lại 2.000.000 đồng thay vì 2.600.000 đồng theo ông Quế là không đúng. Vì thế, khi những sinh viên này về học ở cơ sở chính sẽ được miễn đóng tiền và học những môn đã học.
Được biết, cơ sở Bách Nghệ thuộc Công ty Cổ phần Bách Nghệ (1244 Quốc lộ 1A, P.Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM) đã được "bán cho người mới" từ ngày 31/12/2009.
Theo ông Quế, Giám đốc cũ là ông Nguyễn Doãn Tuấn hiện đã “tháo chạy” nên khó có thể gặp để trực tiếp trao đổi và giải quyết những việc xảy ra thời gian của năm 2009.
Ngày 7/1, nhà trường và ban giám đốc mới cũng đã có cuộc họp để làm rõ và đưa ra phương án giải quyết những vấn đề này. Để giúp sinh viên an tâm học tập, trước mắt, trường CĐ nghề số 8 đã có biện pháp tăng cường hợp tác và cam kết đảm bảo việc thực hiện kế hoạch theo chương trình của trường đối với ban giám đốc mới chứ không cắt chỉ tiêu liên kết với cơ sở này.
Theo Vietnamnet