Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sinh viên nuôi chó, mèo, trăn trong ký túc xá để cải thiện tinh thần

Số đơn xin nuôi động vật trong ký túc xá đại học Mỹ nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần đã tăng gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 4 lần trong thời gian gần đây, WTHR đưa tin.

Một sinh viên đại học nuôi trăn trong ký túc xá để cải thiện sức khỏe tinh thần. Ảnh: WTHR.

Theo thống kê của riêng bang Indiana, hiện có hàng trăm loài động vật sống trong khuôn viên nhiều trường đại học của bang. Số lượng động vật hỗ trợ tinh thần (emotional support animals - ESAs) tại mỗi trường tùy thuộc vào quy mô sinh viên.

Theo khảo sát trên 20 trường toàn bang, tổng số ESA có mặt trong 12 trường đại học của bang là 597. 7 trường nói rằng số lượng ESA đã tăng lên trong khuôn viên trường thời gian qua. Kể cả khi con số này giảm ở một số trường, sự quan tâm và yêu cầu có ESA vẫn gia tăng.

Từ chó mèo đến trăn

Eloise Richardson, sinh viên năm thứ hai tại ĐH Earlham, đã mang chú chó Jake của mình đến trường sống cùng vào năm 2. Giờ đây, Jake là một trong 35 động vật hỗ trợ tinh thần trong khuôn viên trường.

Jake không phải là con vật đầu tiên theo Eloise đến trường. Năm ngoái, nữ sinh này từng nuôi mèo. Cô đã yêu cầu nhà trường cho phép mình được nuôi chó mèo để cải thiện sức khỏe tâm lý.

"Khi bạn cưng nựng một chó mèo, cơ thể sẽ giải phóng oxytocin và đồng thời làm giảm cortisol, hormone gây căng thẳng", cô lý giải.

Không nuôi chó mèo, MacKenzie Shadrick từ ĐH Ball State lại nuôi một con trăn hoàng gia có tên Twilight.

nuoi dong vat trong truong anh 1

MacKenzie Shadrick cùng con trăn Twilight. Ảnh: WTHR.

"Tôi lớn lên xung quanh những con trăn nên đã luôn quen với chúng. Chúng mang lại cho tôi cảm giác thoải mái như hồi nhỏ", Shadrick nói.

Shadrick bắt đầu điều trị tâm lý từ khi mới lên 9. Chỉ trong vòng 4 tháng, cô phải lâm vào cảnh mồ côi khi mất 4 người thân - trong đó có một người tự tử, ngôi nhà của cô bị thiêu rụi và con chó của gia đình bị ô tô đâm chết

"Đối với một đứa trẻ 9 tuổi, đó là rất nhiều thứ phải trải qua," cô nói.

Nhiều năm sau, cô vẫn phải vật lộn với quá khứ. Và Twilight là một phần trong kế hoạch điều trị giúp cô đối phó với chứng trầm cảm, lo lắng và PTSD (căng thẳng hậu sang chấn).

"Tuần trước, tôi đã trải qua một giai đoạn thực sự tồi tệ... Twilight đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian đó," Shadrick nói.

Quy trình phê duyệt động vật hỗ trợ tinh thần

Động vật hỗ trợ nói chung được định nghĩa là động vật "làm việc, giúp đỡ hoặc thực hiện nhiệm vụ cho những người ốm yếu cũng như hỗ trợ, làm giảm tác động gây ra tình trạng ốm yếu của một người". Ngoài ra, động vật hỗ trợ không phải là thú cưng và luôn được luật pháp bảo vệ.

Vì điều này, nhiều cơ sở giáo dục tại bang Indiana đã đề ra chính sách hỗ trợ ESA.

Dù được liên bang bảo vệ, ESA không cần thiết phải trải qua huấn luyện nhưng không được phép xuất hiện ở nơi công cộng. Hầu hết trường cho phép chúng được ra ngoài để tập thể dục, nhưng phần lớn thời gian ESA phải ở trong phòng ký túc xá của chủ nhân và không được xuất hiện tại những không gian công cộng như lớp học hoặc thư viện.

nuoi dong vat trong truong anh 2

Eloise Richardson và chú chó Jake. Ảnh: WTHR.

Mỗi trường đại học đều có quy trình kiểm tra ESA riêng.

Dù không báo cáo chi tiết, ĐH Butler cho hay họ có quy trình riêng để xem xét mức độ cần thiết của ESA.

ĐH Ball State, ĐH Earlham và các trường khác cũng yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh. Nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm lý nhiều lần phải điền vào bảng câu hỏi xác nhận tình trạng của học sinh. Các bác sĩ hoặc nhà trị liệu cũng phải chứng minh được tác động tích cực của ESA trong quá trình trị bệnh.

Ngoài ra, các trường cũng yêu cầu hồ sơ thú y của ESA, đồng thời xem xét ý kiến của bạn cùng phòng, cùng tầng để sắp xếp, điều chỉnh chỗ ở cho sinh viên có ESA.

Theo các sinh viên, nếu hoàn thành các giấy tờ cần thiết, quá trình phê duyệt tương đối nhẹ nhàng, đến mức có ý kiến cho rằng sinh viên thậm chí có thể làm hồ sơ ốm đau giả để được nuôi thú cưng trong trường.

Ryan McCombs, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người có vấn đề sức khỏe ĐH Purdue Fort Wayne, đồng ý với ý kiến này. Vì thế, ông cho rằng các trường cần phải có một quy trình kiểm tra kỹ lưỡng.

Trường của McCombs không chấp nhận chứng nhận ESA. Thay vào đó, trường của ông yêu cầu chứng nhận bệnh tật từ các chuyên gia chăm sóc súc khỏe.

Không chỉ là chó, mèo, trăn

Theo WTHR, chó và mèo là ESA phổ biến nhất. Ngoài ra, có người còn nuôi cả chuột đồng, chồn sương, thỏ và chuột lang ở một số trường.

ĐH bang Indiana thậm chí còn báo cáo một sinh viên có một con sóc chuột chinchila trong khi ĐH Trine cho biết có một con rồng Úc trong khuôn viên trường trong năm học 2021-2022.

Tuy nhiên, không phải động vật nào cũng được thoải mái mang vào ký túc xá trường.

ĐH Earlham nói không với loài gặm nhấm vì lo ngại các bệnh trong cơ thể chúng có thể lây lan sang người.

ĐH Purdue Fort Wayne cũng cấm mang vào khuôn viên trường các loại gia súc, gia cầm, khỉ, một số loài chim và "động vật cực kỳ kỳ lạ". Tuy nhiên, họ vẫn cho phép các loài gặm nhấm và nhện tarantote.

ĐH Vincennes từng từ chối yêu cầu mang rái cá sông vào ký túc xá của một sinh viên do trường này có điều khoản cấm "động vật hoang dã, bất hợp pháp hoặc nguy hiểm vốn có".

Shadrick cho biết cô rất vui khi tuân theo các quy tắc để đảm bảo rằng Twilight vẫn có thể sống cùng và giúp đỡ cô, dù những người xung quanh khó có thể hiểu được.

Bạn cùng phòng của Shadrick không thích rắn nhưng vẫn đồng ý sống với Twilight. Mỗi khi Shadrick muốn đưa Twilight ra ngoài hoặc cho nó ăn, cô sẽ thông báo trước cho bạn.

"Tôi sẽ cố gắng khiến người khác thoải mái vì họ đã quá tạo điều kiện để tôi được nuôi Twilight", cô cho hay.

Mục Giáo dục gửi tới độc giả gợi ý những tác phẩm hay về tuổi trẻ, học đường. Đó có thể là lựa chọn phù hợp cho người yêu sách, thích khám phá cuộc sống học sinh, sinh viên xưa và nay.

Xem thêm: Trang viết thanh xuân

nuoi dong vat trong truong anh 3

Giáo viên căng thẳng hơn nhân viên y tế trong đại dịch

Không chỉ nhân viên y tế, giáo viên còn có nhiều nỗi lo hơn so với đa số người làm các ngành nghề khác, Forbes đưa tin.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm