Bạn N.D., sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên, cho biết năm nay trường tổ chức học sinh hoạt công dân. Sau khi học xong, giảng viên cho bốn câu hỏi để sinh viên về làm và yêu cầu phải viết bằng tay.
Hầu hết phần trả lời các câu hỏi nói trên đều có ở trên mạng và bán ở các quầy photocopy nên sinh viên chỉ việc mua về chép là được. Giá mua tài liệu 7.000 đồng cả giấy và đáp án. Còn thuê người chép thì khoảng 100.000 - 300.000 đồng.
“Mình thấy viết lại bài có sẵn mất rất nhiều thời gian. Đã thế, nghe các anh chị khóa trước nói phải chép tay được 30 tờ mới đạt. Phần trả lời thì dài, chỉ mong chép cho xong mà nộp chứ bọn mình cũng chẳng biết mình đang viết cái gì nữa. Thời gian đâu mà đọc, mình chép bốn ngày rồi mà vẫn chưa xong!” - D. nói.
Trong khi đó bạn N.A.K., sinh viên khóa trước, chia sẻ bí quyết với các em khóa dưới qua Facebook: “Hồi khóa bọn anh học có người phát tờ rơi là bản chép tay, còn cho cả giá luôn. Chỉ việc mua về rồi nộp là được. Chép tay thì bằng giỏi, không thì trung bình và khá. Thuê người chép cũng được, nhưng phải làm hai ba kiểu chữ để tránh bị phát hiện”!
Lướt qua nhóm Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) trên Facebook thời điểm này, một số bạn đăng công khai: “Cần tìm người chép thuê bài sinh hoạt công dân giá 300.000 đồng. Yêu cầu chữ to, đẹp”.
Bạn khác lại rao: “Nhận viết thuê bài sinh hoạt công dân, ai có nhu cầu liên hệ mình, giá cả thỏa thuận. Bảo đảm đóng bìa đẹp như ngoài tiệm photocopy”.
Thạc sĩ Phạm Trọng Lượng - trưởng phòng công tác chính trị học sinh, sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên - cho biết tuần sinh hoạt công dân được tổ chức hằng năm, chia thành ba đợt đầu khóa, giữa khóa và cuối khóa.
Mỗi khóa sẽ có các chủ đề khác nhau, với mục đích để sinh viên nhận thức và nắm vững các chủ trương và quy chế của trường. Sau khi học xong, mỗi sinh viên phải trả lời bốn câu hỏi, và bắt buộc phải viết tay, hoàn thành trong vòng 15 ngày.
Cũng theo ông Lượng, việc nhà trường bắt buộc viết tay để tránh trường hợp sinh viên copy, sao chép, cắt dán tài liệu từ trên mạng. Tất cả nhằm để sinh viên nhớ được nội dung các chủ trương, đường lối pháp luật và các quy chế của nhà trường, đồng thời nâng cao trách nhiệm bản thân.
“Trường không yêu cầu sinh viên phải viết bao nhiêu trang, chỉ cần các em hoàn thành đúng nội dung câu trả lời là được. Về vấn đề sinh viên thuê người chép, khi tiến hành chấm bài chúng tôi sẽ có biện pháp kiểm tra, bằng cách đối chiếu nét chữ của bài sinh hoạt công dân với bài kiểm tra, hoặc hồ sơ của các em trước đó.
Nếu phát hiện trường hợp nào nhờ người khác chép, chúng tôi sẽ đánh rớt và sinh viên phải học lại sinh hoạt công dân trong năm sau. Việc hoàn thành bài sinh hoạt công dân cũng là một trong các điều kiện để xét tốt nghiệp cho sinh viên” - ông Lượng nói.