Sinh viên tuổi teen với dịch vụ đi học thuê
Thường thì những sinh viên năm 2, năm 3 mới có "nhu cầu" tìm người đi học thuê nhưng thật bất ngờ khi sinh viên năm 1 cũng chạy theo “mốt” này.
Vô vàn những lý do
Với những SV năm 2, 3 thì không thể nhờ bạn điểm danh hộ liên tục nên nghĩ ra việc thuê người đi học, chép bài hộ. Vì số lượng SV đông nên việc lẻn vào giảng đường là rất dễ. Đa số lý do đưa ra là vì hoàn cảnh bắt buộc, người thì phải đi làm thêm, người thì lười học, người thì ghét học môn đó…
C.Anh (SV năm 2 ĐH Bách Khoa) nói rằng: “Lớp học gần cả trăm người nên mình nhờ người đi điểm danh hộ rất dễ. Lúc trước thì nhờ đứa bạn ở lớp bên qua điểm danh dùm nhưng nhờ hoài thì cũng ngại nên mình quyết định thuê người, cứ có tiền là chuyện gì cũng xong tuốt”.
Còn với những SV năm 1, chỉ đa số những SV có ý định thi lại năm sau mới thường xuyên thuê người đi điểm danh. Thời gian ấy SV dùng để đi học thêm ba môn chính
H.Lan (SV năm 1 ĐH Ngoại ngữ) chia sẻ: “Mình có ý định thi lại nhưng gia đình sợ mình rớt, với lại nếu học cả 2 bên thì không có thời gian. Nghe nhỏ bạn mách trong trường có một nhóm bạn chuyên đi điểm danh thuê thế là mình liên hệ và giao kèo, thủ tục cũng khá đơn giản. Mình chỉ nhờ đi học vài môn thôi như Tiếng việt, Tin học với Mác Lê-Nin".
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Giá những lần "giao dịch"
Tùy theo mức độ mà có những mức giá khác nhau dao động từ 10 nghìn đến 50 nghìn. Đi điểm danh mà không chép bài thì khoảng 10 nghìn, có chép bài thì 20 nghìn còn đi kiểm tra hộ thì thường là 40 nghìn. Nếu là người thân thì có thể ít hơn hoặc miễn phí.
Trên các diễn đàn rao vặt hoặc forum của trường thường đăng loại dịch vụ này. Lúc trước số lượng còn ít nên giáo viên không phát hiện ra nhưng hiện nay, mức độ diễn ra dày đặc hơn nên thỉnh thoảng vẫn có vài trường hợp bị phát hiện.
T.Phương (một người chuyên đi điểm danh hộ) chia sẻ: “Biết làm việc này là không đúng nhưng mà cuộc sống thiếu thốn quá nên mình tranh thủ làm thêm công việc này để trang trải thêm tiền trọ. Mình học khá nên chủ yếu đi kiểm tra hộ, mấy môn làm bài trên giấy thôi chứ mình không dám thi kiểu đối thoại trực tiếp với giáo viên”.
Hậu quả tất yếu
Trước tiên là việc không hiểu bài và mất dần những kiến thức cơ bản, không phải lúc nào câu chữ trên vở cũng khiến ta hiểu bài. Việc nghe giảng trực tiếp luôn là phương pháp giúp SV mới nhớ bài lâu hơn.
“Đi đêm có ngày gặp ma”, một số SV lười học dùng chiêu này đối phó rồi cũng có lúc sẽ bị thầy cô phát hiện. Chắc chắn thầy cô sẽ nghi ngờ khi bài kiểm tra giữa kì thì cao điểm mà cuối kì thì thấp điểm.
Theo Pháp Luật Xã Hội