Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên tí hon mồ côi mẹ, đến trường bằng gánh rau của bà

Bố mẹ ly hôn, mẹ mất, thân hình nhỏ bé so với bạn bè đồng trang lứa... tất cả thách thức đó không đủ đánh gục nam sinh “tí hon” Nguyễn Công Bách chinh phục ước mơ vào đại học.

Nam sinh quyết tâm học đại học để nạp kiến thức vững chắc, sau ra trường có việc làm tốt, chứ không "học đại". Ảnh: VietNamNet.

Tại lễ khai giảng năm học 2024-2025 của Học viện Hành chính Quốc gia, Nguyễn Công Bách (xã Châu Phong, thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) “lọt thỏm” trong hơn 3.300 tân sinh viên. Chàng sinh viên năm nhất ngành Kinh tế, Khoa Quản lý kinh tế này chỉ cao 1,34 m và nặng 27,5 kg.

Số phận nghiệt ngã

Bách kể hồi bé, mọi người chỉ nghĩ em bị còi xương. Lớn hơn chút, Bách đi khám và được kết luận suy tuyến yên, thiếu hoóc môn tăng trưởng.

Nhưng thiệt thòi về thể hình chưa phải là tất cả khó khăn với Bách. Tân sinh viên sinh năm 2006 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố mẹ ly hôn lúc em 3 tuổi. Sau đó, Bách sống cùng mẹ và ông bà ngoại tại Bắc Ninh, kinh tế cả gia đình chỉ trông vào làm nông và những bó rau, hoa quả mẹ bán ở chợ.

Thế nhưng, nghiệt ngã cuộc đời chưa dừng lại với Bách. Năm nam sinh học lớp 11, mẹ em bị tai nạn giao thông dẫn đến đuối nước và ra đi mãi mãi. Cũng từ đó, Bách chỉ còn biết nương tựa vào ông bà ngoại.

“Ông bà vẫn trồng rau mùa, cây ăn quả để lấy tiền nuôi em ăn học. Mẹ không còn, ông bà phải nhờ dì của em đi chợ”, Bách kể.

Tất cả điều đó không làm nam sinh nhỏ bé gục ngã.

“Em từng thấy rất buồn nhưng càng như vậy, em càng tự nhủ phải vươn lên, phải đi học mới có thể thay đổi tương lai. Em chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc”, Bách tâm sự.

Ở mùa tuyển sinh năm 2024, Bách thi được 24,5 điểm khối A07 (Toán, Lịch sử, Địa lý); trong đó Toán 8; Lịch sử 8 và Địa lý 8,5. Cộng thêm điểm ưu tiên, Bách có tổng 24,63 điểm và trúng tuyển ngành Kinh tế (điểm chuẩn 24,6) của Học viện Hành chính Quốc gia.

“Em chọn Học viện Hành chính Quốc gia vì qua tìm hiểu cảm thấy môi trường phù hợp với bản thân. Em suy nghĩ đơn giản rằng tốt nghiệp ngành Kinh tế sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”, Bách chia sẻ.

nam sinh ty hon anh 1

Tân sinh viên chỉ cao 1,34 m; nặng 27,5 kg. Song Bách cho hay em không cảm thấy tự ti. Ảnh: VietNamNet.

Đại học chứ không "học đại"

Nam sinh cho hay khi đến nhập trường và những ngày đầu đi học, nhiều người tỏ ra bất ngờ với ngoại hình bé tẹo của em.

“Nhiều thầy cô và các bạn còn nhầm tưởng em là học sinh tiểu học đi theo anh chị đến trường đại học chơi”, Bách kể.

Dù vậy, Bách không hề tự ti. “Em cảm thấy bình thường, có lẽ vì đã quen với việc này từ bé. Em chỉ nhỏ bé về ngoại hình thôi, còn hiểu biết và tri thức bình đẳng như mọi người. Mọi việc em vẫn có thể làm như những người bình thường”, Bách nói.

Điều nam sinh rất vui là ở môi trường đại học, em được thầy cô và các bạn nhiệt tình giúp đỡ trong mọi việc.

“Từ sinh hoạt cho đến lấy đồ ăn, việc gì em không làm được, các bạn đều hỗ trợ”, Bách cười.

Bách cho hay hồi THPT, em chỉ thuộc tốp trung bình khá của lớp. Nhưng ở bậc đại học, em sẽ quyết tâm học thật tốt, hy vọng có thể giành học bổng.

“Em tự nhủ phải học thật tốt để có kiến thức vững chắc và sau này có công việc tốt, lo được cho bản thân và gia đình”, Bách nói và xác định 4 năm tới đây là học “đại học” để ra đời đi làm, chứ không phải “học đại”.

“Với các môn văn hóa, các bạn làm được, em cũng làm được. Thân hình nhỏ bé nên có thể những môn giáo dục thể chất sẽ gặp khó khăn, nhưng em tin rằng nếu cố gắng, mình sẽ vượt qua”, Bách chia sẻ.

Bách nói ngoại hình không phải là vấn đề với bản thân, điều em lo ngại nhất là tiền để trang trải việc học và phí sinh hoạt. Em cũng cố gắng tiết giảm nhất có thể trong chi tiêu.

Hiện, Bách đã đăng ký ở ký túc xá của học viện với khoảng 250.000 đồng/tháng. Tiền ăn và sinh hoạt, Bách ước tính khoảng 1,8 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay, gia đình vẫn chu cấp đủ cho em, song Bách không biết có thể trụ được đường dài. Em cũng đã nghĩ đến việc đi làm thêm.

“Nếu xin được việc, em muốn đi làm thêm để chia sẻ gánh nặng với ông bà”, nam sinh bộc bạch.

Bách hy vọng với việc gia đình vào diện hộ nghèo, em sẽ được nhà trường miễn giảm học phí để yên tâm học tập.

Năm học này, Học viện Hành chính Quốc gia quyết định thành lập quỹ hỗ trợ đối với sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đại diện học viện cho biết Nguyễn Công Bách cũng như các sinh viên có hoàn cảnh tương tự có thể nhận hỗ trợ từ nhà trường.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Tôi vào đại học với cú sốc bố mất vì lũ dữ, nhà tan hoang sau bão Yagi

Ngay trước ngày tôi biết mình đỗ đại học, giông tố ập đến, dòng nước sông Chảy nhấn chìm bố tôi. Lũ quét, sạt lở cũng cuốn bay một phần căn nhà.

https://vietnamnet.vn/sinh-vien-bi-nham-la-hoc-sinh-tieu-hoc-mo-coi-me-di-hoc-bang-ganh-rau-cua-ba-2334531.html

Thanh Hùng / VietNamNet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm