“Vy, vào thắp nhang cho bố đi con".
Mẹ tôi từ trong nhà gọi vọng ra. Sống mũi tôi bắt đầu cay. Chằng xong bao gạo và đồ đạc lên xe, tôi vào nhà, thắp nén hương chào bố.
Tôi tháo chiếc khăn tang trắng trên đầu; nhìn một lượt căn nhà còn ngổn ngang sau lũ, nhìn bàn thờ nghi ngút khói có đặt di ảnh bố, rồi cố nén những giọt nước mắt quay đi. Ánh mắt bố trong ảnh vẫn như ngày nào, nhưng bố không còn ở đây nữa.
Tôi là Nguyễn Khánh Vy, 19 tuổi, ở huyện Bảo Yên, Lào Cai. Hôm nay, tôi xuống Hà Nội, mang theo nỗi đau mất bố vào đại học.
Bố nói đi làm rồi không về nữa
Hai tháng trước, ngay trước ngày tôi biết mình đỗ đại học, giông tố ập đến. Tôi không thể quên chiều hôm ấy, khi đang tập dân quân tự vệ trên huyện, tôi nhận điện thoại từ chị gái.
Ở đầu dây bên kia, chị khóc nấc, lắp bắp báo tin bố đi làm gặp nạn, mưa lớn, nước chảy xiết khiến thuyền lật úp, bố mất tích trên sông. Tai tôi ù đi. Cú sốc đến quá đột ngột. Tôi hoảng loạn, òa khóc, chân tay run rẩy, vội vã xin về nhà. Quãng đường dài hơn 20 km, lòng tôi không yên, nhưng vẫn mong mỏi hy vọng bố đã kịp bơi vào bờ hoặc được ai cứu.
Vài ngày trôi qua, nước sông vẫn chảy xiết, còn gia đình vẫn bặt tin bố, hy vọng dần tắt. Người ta bảo tôi đi sắp xếp lại đồ đạc của bố dần, cái nào cần thì giữ, còn lại sẽ đem đi đốt. Đầu óc tôi trống rỗng, chỉ mấy ngày trước, bố còn nói sẽ đưa tôi xuống Hà Nội nhập học. Bố nói với mẹ là đi làm, nhưng bố không về nữa.
Buổi chiều hôm ấy, người ta đưa bố về, cơ thể bố không còn lành lặn vì ngâm nước quá lâu. Tôi ngã quỵ, mắt mờ đi, chị em tôi mồ côi bố, mẹ khóc ngất vì mất chồng.
Nỗi đau này chưa kịp nguôi ngoai, khó khăn khác lại tới. Chưa đầy một tháng sau ngày bố mất, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, lũ đổ về bản Già Hạ, xã Việt Tiến. Đất đá sạt xuống trong chớp mắt, một phần nhà tôi chìm trong đất cát, phần còn lại bị nước lũ nhấn chìm tới gần nóc. May mắn, trong cơn lũ dữ, mẹ kịp đưa mấy chị em sang nhà ông bà nội.
Bác tôi kịp bơi vào nhà “cứu" lấy tờ giấy báo nhập học ướt nhẹp. Nhưng cánh cửa vào đại học của tôi đã một lần nữa dần khép lại. Tôi nói một lần nữa bởi năm ngoái, tôi từng đỗ đại học. Với những đứa trẻ vùng cao như tôi, đó là niềm tự hào của cả nhà, của cả làng.
Thế nhưng, mùa thi năm đó, bà ngoại và mẹ cùng đau ốm, đồng lương ít ỏi từ nghề công nhân làm cát của bố phải gồng gánh cả nhà. Chị gái vì nghèo mà chọn đi lấy chồng.
Khát khao được đi học, được sải những bước dài vượt qua dốc núi để đến trường của tôi phải dừng lại. Tôi trúng tuyển vào Đại học Thăng Long, nhưng một mình mẹ tôi làm sao lo nổi số tiền học phí gần 40 triệu đồng mỗi năm học. Tôi không còn hy vọng vào việc mình sẽ tiếp tục được đến trường. Tôi chấp nhận số phận.
Tôi được vào đại học
Ở thời điểm đó, tôi không dám mơ đến việc có một ngày, buổi sáng, tôi thức dậy ở Hà Nội lúc 5h30 để chuẩn bị cho thời khắc trở thành sinh viên.
Hôm đó, tôi nhập học vào Đại học Thăng Long. Nằm trên giường, trong căn phòng trọ rộng chưa tới 20 m2, tôi bất giác nhớ căn nhà nhỏ ở quê, nhớ về những tháng ngày kinh hoàng vừa qua. Mọi thứ đến với tôi như một giấc mộng. Chỉ 2 tháng, tôi mất bố, căn nhà một phần bị lũ cuốn. Rồi tôi may mắn gặp được người tốt.
Sáng hôm ấy, khi tôi đang rửa đống bát đũa đầy bùn đất, đầu óc vẩn vơ nhớ bố, thương mẹ, tiếng chuông điện thoại vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ. Bác chủ tịch xã gọi điện, nói đã kết nối được với một đơn vị để giúp tôi tới trường. Tôi vui chứ, nhưng lo, tôi tới trường nhưng tiền đâu để học, để sinh hoạt. Chưa kể, tôi đã không nhập học vào trường đúng thời gian quy định.
Chỉ đến khi chú Long (trưởng nhóm thiện nguyện "Những bước chân xanh") liên lạc, tôi mới tin mình thực sự được đi học. Chú nói đã liên hệ được với trường, liên hệ được với các mạnh thường quân để giúp tôi đi học trong 4 năm. Tôi nghẹn lại, cuộc gọi ấy như một tia nắng chiếu rọi vào cuộc đời tôi, xua đi bóng tối của sự tuyệt vọng.
Bác cả thay bố đưa tôi vào đại học. |
Trước ngày đi học, mẹ tôi gom góp tiền, dẫn tôi ra chợ để mua vài bộ quần áo, vật dụng - những thứ đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ - chuẩn bị cho tôi xuống Hà Nội. Mỗi món đồ đều là sự chắt chiu của bố, của mẹ.
Ngồi trên xe khách từ Lào Cai xuống Thủ đô, ngoái nhìn ngôi làng nhỏ dần khuất tầm mắt, tôi khóc mãi không ngừng. Tôi thương mẹ, thương em và nhớ bố. Tôi khóc vì sợ hãi trước những điều mới lạ ở thành phố, nhưng cũng tràn đầy hy vọng vào tương lai. Tôi được đi học.
Cánh cổng trường đại học mở ra trước mắt tôi, cao lớn và đồ sộ. Tim tôi đập thình thịch khi bước vào làm thủ tục nhập học. Mọi thứ xung quanh tôi đều lạ lẫm. Mất gần một buổi sáng, nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, tôi hoàn thành thủ tục. Những cuốn giáo trình tiếng Nhật mới tinh nằm gọn trong tay tôi, thơm lừng mùi giấy, tôi đã thực sự trở thành sinh viên.
Cô Phượng, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ Nhật - nơi tôi theo học, nói tôi là trường hợp đặc biệt, duy nhất bởi được nhà trường tạo điều kiện cho nhập học muộn một tháng so với thời gian quy định. Điều này đồng nghĩa với việc tôi học chậm hơn các bạn cùng khóa 3 tuần. Tôi phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để đuổi kịp các bạn.
Tuần đầu tiên, tôi sẽ được lên văn phòng khoa, được các thầy cô trực tiếp “cầm tay chỉ việc". “Em nhận thức tốt, sáng dạ, cứ thế này, em sẽ theo kịp các bạn". Đó là những gì cô Phượng nói với tôi sau buổi đầu tôi được cô kèm cặp. Dù trong lòng còn nhiều ngổn ngang, tôi đã vững tin hơn về hành trình sắp tới của mình.
Chặng đường phía trước còn rất dài và gian nan, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc, vì tôi không đơn độc. Tôi có gia đình, có bố luôn dõi theo, có thầy cô và các mạnh thường quân bên cạnh. Mong rằng những đứa trẻ vùng cao như tôi sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội học tập, sẽ được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.