Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên trường tư Singapore bị coi thường, mức lương rẻ mạt

Theo thống kê, hơn 50% sinh viên trường tư tại Singapore thất nghiệp sau 6 tháng ra trường. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và tương lai của giới trẻ nước này.

Zing.vn trích dịch bài viết của Today OnlineThe Straitstimes về thực trạng sinh viên các trường tư nhân tại Singapore bị phân biệt đối xử, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Thất nghiệp suốt 7 tháng sau khi tốt nghiệp SIM Global Education (SIM GE -tập đoàn giáo dục tư nhân lớn tại Singapore), Francis, 28 tuổi, vật lộn với nỗi hoang mang mình đã chọn sai trường.

Tuần nào chàng cựu sinh viên ngành Kinh doanh và Quản lý cũng gửi hồ sơ đến các công ty, nhưng chỉ nhận được một lời chấp nhận làm nhân viên hợp đồng tạm thời.

Tình thế bế tắc, anh đành chấp nhận công việc hành chính dù không hài lòng. Cùng làm ở vị trí với anh là những sinh viên tốt nghiệp trường tư khác. 

Với mức lương 10 đô la Singapore mỗi giờ, tương đương 1.800 đô la Singapore mỗi tháng - ít hơn cả một người chỉ có chứng chỉ - Francis cảm thấy công việc thật nhàm chán và khiến anh càng thêm u uất.

Những người tốt nghiệp đại học tư như Francis đang phải đấu tranh với định kiến, phân biệt đối xử của xã hội, đặc biệt là các nhà tuyển dụng khi bằng cấp của họ bị cho không có uy tín, giá trị. 

Theo khảo sát việc làm sau đại học mới nhất của Viện Giáo dục Tư nhân (PEI) cho thấy có đến 54% sinh viên các trường đại học tư không thể tìm được việc làm sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp.

Sinh vien truong tu Singapore that nghiep anh 1
Sinh viên tốt nghiệp trường tư nhân ở Singapore đối mặt khủng hoảng thất nghiệp. Ảnh: The Straitstimes.

Bị chối bỏ nỗ lực

Esther, 23 tuổi, thư ký pháp lý của một công ty luật từng gặp cú sốc lớn khi phỏng vấn xin việc tại công ty liên kết với chính phủ (GLC) vì bị từ chối phũ phàng.

"Nếu biết bạn tốt nghiệp SIM University (trường ngoài công lập thuộc Học viện quản lý Singapore) chứ không phải một trường ở New York, chúng tôi đã không gọi bạn tới đây", người phỏng vấn nói thẳng. 

Họ thậm chí không nhìn đến bảng điểm đại học của cô.

James, 31 tuổi, tốt nghiệp ngành Kế toán và Tài chính tại SIM GE, cũng thất bại khi ứng tuyển vào công ty nhà nước. Từng có kinh nghiệm 3 năm làm nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, anh bất ngờ khi nộp 30 đơn đăng ký nhưng chỉ nhận lại sự im lặng từ nhà tuyển dụng.

Sinh vien truong tu Singapore that nghiep anh 2
Nhà tuyển dụng không mặn mà với những sinh viên trường tư dù họ có kinh nghiệm làm việc. Ảnh: Getty.

Sự bất công còn thể hiện ở mức lương khởi điểm. Trong khi những sinh viên tốt nghiệp tại các trường công lập lớn như Đại học Quốc gia Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang hay ĐH Quản lý Singapore có mức lương 3.400 đô la Singapore, những sinh viên của trường tư nhân chỉ có mức lương khoảng 2.600 đô la Singapore. 

Chính phủ nước này ra quy định bắt các công ty đóng góp Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) cho thực tập sinh từ các tổ chức giáo dục tư nhân (PEI). Trong khi đó, các ông chủ không phải làm như vậy đối với thực tập sinh từ các trường đại học công lập.

Quy tắc bất công trên khiến các công ty ái ngại, hạn chế thuê nhân viên thực tập PEI. Chính điều đó gián tiếp tạo nên rào cản cho sự nghiệp của những sinh viên trường tư.

Định kiến nặng nề

Từ nhỏ, nhiều người Singapore được dạy rằng nếu nỗ lực làm việc, họ sẽ thành công. Tuy nhiên nhiều người lầm tưởng về điều ngược lại và cho rằng một người không đủ giỏi, phải theo học trường tư thì chắc chắn do người đó đã không học hành chăm chỉ ở trường phổ thông.

Định kiến này dẫn đến việc nhiều người nhận thức sai lầm rằng tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học tư đều không chăm chỉ và kém năng lực.

Người ta nghĩ sinh viên đại học ngoài công lập không cần mẫn. Những thanh niên được vào đại học đơn giản vì cha mẹ họ giàu, có thể chi trả các khoản học phí đắt đỏ. 

Thực tế, nhiều sinh viên trường tư nhân có xuất phát điểm về kinh tế không nổi trội hơn người khác. Thậm chí do học phí cao, họ còn phải vật lộn, phải vay tiền từ các khoản nợ sinh viên, người thân hay làm việc bán thời gian để lấy bằng.

Sinh vien truong tu Singapore that nghiep anh 3
Sinh viên trường tư đối mặt với nhiều định kiến từ xã hội. Ảnh: The Straitstimes.

Năm 2016, Ủy ban Giáo dục Tư nhân đã nỗ lực tìm biện pháp để bảo vệ sinh viên tốt hơn và làm cho thông tin minh bạch hơn.

Một gợi ý được The Straitstimes đưa ra là cho sinh viên đại học tư nhân có thể theo học một hoặc 2 năm tại các trường đại học công lập. Nếu họ vượt qua các khóa học đó, họ nên được công nhận là ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học công lập.

Tuy nhiên, thực trạng này chưa có giải pháp triệt để và những sinh viên thuộc hệ thống giáo dục tư nhân Singapore vẫn phải chịu những bất công không đáng có.

Người già ở Singapore phải chăm cả con lẫn bố mẹ

Khi tuổi thọ Singapore ngày càng tăng, nhiều người về hưu cảm thấy áp lực khi phải chăm sóc bố mẹ đã ngoài 80.


Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm