Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên tự tử, trường học không phải nơi thử thách sức chịu đựng

Bốn năm từ khi con gái tự tử ở trường, Robert và Margaret Abrahart vẫn cố gắng tìm lý do con phải vật lộn với các vấn đề một mình, cũng để giúp những đứa trẻ khác đang tổn thương.

Tháng 4/2018, Natasha tự tử tại ĐH Bristol (Anh). Một ngày sau cái chết của cô gái trẻ, bố mẹ cô, Robert và Margaret Abrahart được gọi đến nhận dạng thi thể con, dọn dẹp lại căn hộ nơi cô gái đoản mệnh từng sống.

Họ tìm thấy phong thư ghi tất cả mật khẩu tài khoản trực tuyến. Trở lại căn nhà ở Nottingham, 2 người đăng nhập vào tài khoản hòm thư do trường cấp cho Natasha và phát hiện con gái họ từng kể việc muốn chết với ít nhất một nhân viên trường.

con gai tu tu o tuoi 20 anh 1

Ông bà Robert và Margaret chia sẻ nhiều về yếu tố pháp lý quanh cái chết của con gái nhưng khó nói lên nỗi đau khi nữ sinh tự tử ở tuổi 20. Ảnh: The Guardian.

Cáo buộc trường thờ ơ khiến sinh viên tự tử

Bốn năm kể từ ngày đó, họ tìm kiếm câu trả lời, đỉnh điểm là kiện ĐH Bristol với vụ xét xử vào tháng 3/2022 để xem xét liệu trường có phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường vì cái chết của sinh viên.

Đây là hành trình kéo dài, tốn kém. Hai vợ chồng tích cóp cả tiền lương hưu để chi trả nhưng kể cả khi thắng kiện, Margaret tâm sự họ vẫn thua cuộc, trừ khi vụ kiện khiến mọi người hiểu hơn về vấn đề tự tử ở sinh viên, các trường đưa ra sự thay đổi tích cực.

Natasa là một trong 11 sinh viên tự tử khi học tại ĐH Bristol trong giai đoạn 2016-2018. Năm 2018, GS Hugh Brady, Phó hiệu trưởng trường này, thừa nhận dù nguyên nhân là gì, cái chết của sinh viên luôn là thảm kịch. Với hàng loạt vụ tự tử, trái tim họ đau đớn và trường hiểu chăm lo sức khỏe tinh thần là nhiệm vụ của mọi nhân viên.

Natasha dừng lại ở tuổi 20. Cô rất thông minh, thích Toán, Vật lý và đạt thành tích cao trong học tập. Cô thân thiết với em trai, có nhóm bạn lâu năm, bạn trai.

Tuy nhiên, từ nhỏ, Natasha đã mắc chứng rối loạn âu lo xã hội. Cô không nói chuyện trong lớp, cảnh giác với người mới và thường để bạn nói chuyện hộ mình, kể cả khi lên đại học.

Thế nhưng, bố mẹ cô lại không hề lo lắng khi con đi học xa vì nghi con gái vốn tự chủ và tự lập.

“Tôi không phát hiện điểm mạnh của con lại liên quan đến chứng rối loạn âu lo. Vì học Vật lý, con không phải nói chuyện với người khác”, bà Margaret tâm sự.

Natasha tự tử vào ngày cô phải thuyết trình. Cô nhận thấy mọi việc bất khả thi, kiệt sức vì một cuộc phỏng vấn rồi bỏ lỡ những cuộc khác, điều đó có nghĩa cô có nguy cơ không đạt yêu cầu ở học phần.

Cuộc điều tra năm 2019 kết luận thất bại của trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần nơi nhân viên y tế trường học giới thiệu Natasha đến điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô gái trẻ.

Người ta cho rằng Natasha khiếp sợ khi phải thuyết trình trước đám đông, trong giảng đường lớn. Nhưng vợ chồng Abrahart đánh giá cuộc điều tra không xem xét hết trách nhiệm của ĐH Bristol khi không đưa ra sự hỗ trợ cần thiết.

Ông Robert cho biết họ có điều kiện lý tưởng để giúp con - ông là giáo sư tại ĐH Nottingham còn bà Margaret làm mảng sức khỏe tâm thần trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Họ hiểu cả 2 thế giới và lại đã nghỉ hưu, có thể dành cả ngày cho vấn đề đó.

Họ kiện Bristol theo Đạo luật Bình đẳng, cáo buộc trường phân biệt đối xử với Natasha vì vấn đề tâm thần. Trường biết sinh viên gặp khó khăn nhưng không làm gì.

Cụ thể, biết Natasha gặp khó khăn ở phần thuyết trình, một giảng viên đã liên hệ với trung tâm hỗ trợ của trường để xem có thể điều chỉnh cách đánh giá với Natasha không nhưng không được phản hồi.

Natasha cũng liên hệ nhân viên hành chính của khoa, nói cô có ý định tự tử. Người này cùng nữ sinh đến gặp bác sĩ của trường song không nói với bác sĩ về nguy cơ Natasha tìm đến cái chết.

Robert, Margaret cáo buộc trường để con gái họ tự lo, từ gặp bác sĩ đến việc điền các biểu mẫu về tình trạng bản thân - điều bất khả thi với người mắc chứng âu lo xã hội, trầm cảm.

Trong khi đó, rõ ràng, trường có thể hỗ trợ bằng cách cho phép Natasha thi viết thay vì thuyết trình. Thế nhưng, trường để cô tự vật lộn 6 tháng trong tình trạng không dám đi học, bị điểm kém, ngày càng trầm cảm và cuối cùng tự tử.

Đại học không phải nơi thử khả năng chịu đựng của sinh viên

Tháng 3/2018, Robert nhận cuộc gọi từ bạn cùng phòng của Natasha, báo việc con gái ông muốn tự tử. Thế nhưng qua điện thoại, Natasha có vẻ vẫn khỏe, cho biết mình ổn.

con gai tu tu o tuoi 20 anh 2

Natasha tự vật lộn trong 6 tháng khi phải thuyết trình trước lớp dù cô mắc chứng rối loạn âu lo xã hội. Ảnh: GĐCC/PA.

“Chúng tôi muốn ngay lập tức đón con về nhưng con từ chối”, Margaret kể. Buổi sáng sau hôm đó, họ chắc chắn con có hẹn với bác sĩ. Những ngày tiếp theo, Natasha nghỉ lễ Phục sinh song không về nhà. Margaret lái xe đến gặp con.

“Chúng tôi không biết nên làm gì. Chúng tôi có thể xuống đó, kéo con về nhưng con lớn rồi”, Robert chia sẻ.

Trong dịp lễ ấy, Natasha có vẻ ổn nhưng từ chối trò chuyện với Margaret về ý định tự tử. Cô nói trường hiểu vấn đề song không kể gì về buổi thuyết trình. Chỉ 2 tuần sau khi Margaret đưa con trở lại trường, Natasha tự tử.

Điều 2 vợ chồng hy vọng nhận được từ phiên tòa là “nhận thức rõ ràng hơn về Đạo luật Bình đẳng và nghĩa vụ chăm sóc người khác”. Ông Robert cho rằng việc đầu tư vào tư vấn cho sinh viên rất tốt dù việc này có thể không hữu ích trong trường hợp của Natasha. Bạn trai nữ sinh kể cô từng được cho số hotline trợ giúp nhưng khi gọi, cô vẫn im lặng.

Gia đình Abrahart tức giận khi trường chuyển trường hợp Natasha sang NHS nhưng không nói rõ tình huống. Bà Margaret cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần của sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí, một số người cho rằng nếu không chịu nổi, người học không nên vào đại học.

“Đại học không phải bài kiểm tra sức bền, mọi người tới đó để học tập”, ông Robert nói thêm.

Trong khi đó, ĐH Bristol cho rằng nhân viên đã cố gắng tìm kiếm biện pháp kiểm tra thay thế đối với Natasha và cảm thấy việc bỏ bài thuyết trình cho cô không hợp lý, ảnh hưởng tới trình độ học vấn của cô.

Bảo vệ những người dễ tổn thương

Không chỉ vì Natasha, gia đình Abrahart còn khởi kiện với mong muốn bảo vệ những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương khi lần đầu sống xa nhà. Họ nỗ lực để con trẻ không bị đuổi học qua email.

Tháng 7/2020, Mared Foulkes, sinh viên ĐH Cardiff, tự tử sau khi nhận mail tự động thông báo cô thi trượt và không thể học tiếp lên năm 3 dù thực tế, cô không trượt kỳ thi đó. Trường vừa xin lỗi hồi tháng hai.

Chỉ vài ngày sau khi Natasha qua đời, một sinh viên khác tại Bristol, Ben Murray, cũng tự tử. Thay vì nhân viên gặp trực tiếp thông báo, cậu nhận thư, email về việc bị đuổi học do không lên lớp và không dự thi. Sau cái chết của Murray, gia đình cậu phát động chiến dịch phản đối, ĐH Bristol xem xét lại quy trình đuổi học sinh viên và đưa ra chính sách mới, theo đó, sinh viên cho phép trường liên hệ phụ huynh nếu có lo ngại.

Trong 12 tháng tính đến tháng 7/2017, 95 sinh viên ở Anh và Wales tự tử. Vợ chồng Abrahart đã kết nối với những gia đình liên qua. Bà Margaret cho biết mỗi năm, lẽ ra xã hội có thể ngăn cản 100 vụ tự tử. Nhiều sinh viên cảm thấy lạc lõng ở đại học. Nếu có sự can thiệp sớm, chuyện đau buồn đã không xảy ra.

Bà cho rằng nếu không có sự giám sát tập trung, các trường dễ dàng coi việc nhóm nhỏ sinh viên tự tử ở từng trường là bất thường bi thảm. Nhưng nếu các trường gộp lại, họ có thể học hỏi lẫn nhau để cứu một mạng người, đồng thời cứu cả gia đình trước nỗi mất mát khôn nguôi. Theo bà, mỗi vụ tự tử không chỉ khiến gia đình, bạn bè mà cả nhân viên trường học đau xót.

Và dù có thể chia sẻ nhiều về mặt pháp lý, Margaret và Robert rất khó để nói lên nỗi đau họ phải chịu sau cái chết của con gái.

“Mọi sự kiện lớn trong đời đều sẽ nhắc nhở sự thật Natasha không còn nữa. Chúng tôi đang tìm cách để thoát khỏi tình trạng đó. Về mặt tình cảm, chúng tôi tạm gác nỗi đau, chú trọng hơn vào những điều thiết thực vì nó dễ dàng hơn”, Margaret tâm sự.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài 4 năm trở thành “công việc mới” của họ, nhưng mỗi lần nhắc đến nó lại là một lần phải đối mặt với cái chết của con gái ở tuổi 20.

“Song nếu ngừng chiến đấu, chúng tôi lại đau buồn. Cảm xúc luôn lẫn lộn như vậy”, bà tâm sự.

TS Đàm Quang Minh: 'Chưa cho học sinh tới lớp là vô lý'

TS Đàm Quang Minh cho rằng đóng cửa trường học gây thiệt thòi cho trẻ em. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc Hà Nội cần mở cửa trường học luôn.

Bách Linh

Bạn có thể quan tâm