Sinh viên Việt kiều Mỹ khám bệnh miễn phí cho người nghèo Huế
Anthony, trưởng nhóm tình nguyện viên người Mỹ gốc Việt cho biết với anh và các bạn bè tại trường đại học Washington, 2 chữ Việt Nam luôn gợi lên những tình cảm thiêng liêng.
“Mình đã về VN để khám chữa bệnh cho bà con được 3 lần rồi. Thời tiết ở nước mình nóng bức khiến nhiều thành viên trong đoàn có cảm giác mệt mỏi, nhưng khi bắt tay vào công việc, thấy niềm vui được khám bệnh và nhận thuốc của các cụ già, các cô, chú, bác…, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Đa số các thành viên trong đoàn đều cảm thấy rất hạnh phúc vì đã làm được những việc tốt cho đồng bào mình”, Anthony tâm sự trong chuyến về VIệt Nam khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại Thừa Thiên-Huế diễn ra từ ngày 28/8 đến 6/9 vừa qua.
Anthony là người Mỹ gốc Việt, đang học năm cuối của ĐH Washington. Anthony có cha mẹ là người Việt nhưng trông anh không khác gì người Mỹ. Lý giải cho ngoại hình rất giống Mỹ của mình, Anthony cười nói: “Có lẽ là do uống sữa Mỹ”.
Khi chúng tôi hỏi Anthony về tình trạng các thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt sinh ra ở nước ngoài rất thành đạt, nhưng hầu như biết rất ít về quê hương và ít có tình cảm với Tổ quốc, bạn nói ngay: “Điều đó có thể đúng với ai thì chúng tôi không rõ, nhưng riêng bản thân tôi và các bạn của tôi ở ĐH Washington thì hai chữ Việt Nam luôn gợi lên một tình cảm thiêng liêng. Ở nhà, cha mẹ chúng tôi vẫn thường kể những câu chuyện về Việt Nam và luôn nhắc nhở con cái không quên nguồn cội. Còn ở trường, chúng tôi cũng có Hội Sinh viên Việt Nam. Hội thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa và ĐH Washington rất khuyến khích phát triển về sự đa dạng văn hóa".
“Ở Mỹ, chúng tôi vẫn thường nghe ba mẹ giới thiệu đất nước mình vô cùng xinh đẹp, người Việt mình vui vẻ, cởi mở, thân thiện và đặc biệt là các món ăn rất ngon. Khi về đây, chúng tôi càng cảm nhận được tình cảm gần gũi hơn khi được trò chuyện, giúp đỡ các cô bác”, Trương Ngọc Hải Quân - sinh viên năm thứ 4 của ĐH Washington, thành viên của đoàn tâm sự.
Trong suốt cuộc trò chuyện, Rosalynn - một tình nguyện viên xinh đẹp cũng là thành viên phụ trách của nhóm chỉ ngồi lặng lẽ ghi chép. Chúng tôi cứ ngỡ cô không biết tiếng Việt, nhưng khi chúng tôi chia tay, bỗng Rosalynn nói: “Dạ chào các anh ạ!”. Hóa ra, từ nãy đến giờ, khi chúng tôi trò chuyện với Anthony về tình cảm đối với quê hương, đất nước, Rosalynn đều nghe cả. Câu nói tiếng Việt của Rosalynn dường như cũng hàm ý rằng dù được sinh ra ở Mỹ nhưng các bạn không bao giờ quên nguồn cội.
Theo Thanh Niên