1. Tôi nhớ ngày xưa đi học, năm thứ hai, buổi đi đầu tiên ở BV Bạch Mai là tôi làm việc với đống hồ sơ bệnh án của các khoa: tìm số liệu phục vụ học toán thống kê. Năm thứ ba, đi ngoại khoa. Buổi phụ mổ đầu tiên, theo phân công, tôi đứng phụ cho một bác sĩ đang học chuyên khoa I mổ chỉnh hình bàn chân vẹo của một trẻ bảy tuổi. Cuộc mổ rất nhanh. Sau khi bộc lộ gân Achiles, người bác sĩ tách đôi gân, rồi cắt lệch nhau, nối hai đầu dài với nhau, sau vài động tác vặn chỉnh tư thế, bàn chân đã thẳng trở lại. Mất khoảng 15 phút, bệnh nhân đã được cho ra. Lẽ ra chỉ ca đó xong là nghỉ trưa. Nhưng vì nhanh quá nên kíp mổ được lệnh giữ nguyên vị trí làm tiếp ca thứ hai. Mổ lấy nẹp AO cho một cán bộ địa chất công tác vùng biên giới Tây Nam bị lính Polpot bắn gãy 1/3 cẳng chân dưới. Đội phẫu thuật tiền phương đã mổ cấp cứu, gắn nẹp AO. Sau hơn một năm, vết thương đau nhức, quyết định mổ lấy nẹp ra.
Tôi giữ, người bác sĩ đục. Mảnh vụn xương bắn cả vào mặt tôi. Hì hục đến hơn tiếng đồng hồ mới lấy được nẹp ra. Đến hai mũi khâu cuối cùng, người bác sĩ ngừng tay, trao kim bảo tôi khâu nốt. Ông uốn nắn tư thế cầm kim, khoảng cách đặt mũi kim, độ sâu luồn kim, cách buộc chỉ cho chặt. Khi chúng tôi cởi găng, áo, đồng hồ chỉ đúng 1 giờ chiều!
Tôi nhớ sinh viên khoa sản phải đi trực ở nhà hộ sinh. Tối trực nào cũng có khoảng 5-7 sản phụ đẻ. Chỉ buổi trực đầu đã làm quen tất cả các thực hành đo khung chậu, nghe tim thai, đếm cơn co, tiên lượng cuộc đẻ. Chỉ tiêu giao sinh viên qua học sản tối thiểu phải trực tiếp đỡ năm ca nhưng hầu hết sinh viên đạt gấp đôi trở lên cả.
2. Năm 2005, từ Úc trở về, tôi tìm gặp GS-TS Trương Việt Dũng, người thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp bác sĩ của tôi, lúc này vừa lãnh đạo khoa Y tế Công cộng - ĐH Y Hà nội, vừa kiêm lãnh đạo Vụ Đào tạo và Nghiên cứu khoa học - Bộ Y tế. Tôi bàn về một dự án nghiên cứu và hướng đào tạo nghiên cứu viên tương lai, bắt đầu để ý sớm đến các sinh viên đang học tại khoa. Ông bảo: “Bói đâu ra!”. Tôi ngỡ ngàng. Ông nói: “Đầu vào rất tốt đấy, Tuấn xem, điểm vào trường toàn 27, 28 điểm cả! Nói gì thì nói, thi đại học vẫn là lưới lọc sinh viên tốt nhất cho mình lúc này. Mà các em thông minh thực chứ. Ấy thế mà khi đến học khoa mình (trong chương trình đào tạo bác sĩ, sinh viên học y tế công cộng vào năm thứ năm), chẳng hiểu đào tạo thế nào mà biến chúng trở nên cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Hỏi gì cũng chẳng hiểu! Tiếng Anh thì một số tốt đấy nhưng động đến vấn đề gì cũng như mới cả. Làm gì có được một sinh viên như thời anh em mình mà cho tham gia!”.
3. Tháng trước, tôi vào công tác tại Thanh Hóa, gặp một người bạn ở Sở Y tế. Anh bảo tôi: Lãnh đạo Trường ĐH Y và cả Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) nữa vừa từ đây trở ra xong. Họ vào đây bàn với tỉnh lập cơ sở đào tạo vệ tinh của Trường ĐH Y Hà Nội, nhận đào tạo cả bác sĩ cử tuyển, chuyên tu!
ĐH Y Hà Nội, tinh hoa của nền y học Việt Nam, đã yên tâm với vấn đề chất lượng đào tạo bác sĩ hệ chính quy và còn đủ nhân lực, thời gian để mở rộng sang các hình thức đào tạo thực ra chỉ thích hợp vào giai đoạn đất nước còn trong chiến tranh và đất nước có nhu cầu đào tạo bác sĩ chuyên tu, cử tuyển lớn đến mức nào mà các trường đại học chuyên đào tạo hình thức này như Thái Bình, Hải Phòng… không đáp ứng nổi để đến nỗi ĐH Y Hà nội phải vào cuộc?
Đến nước này thì câu chuyện so sánh chất lượng đào tạo bác sĩ của Việt Nam ngày nay với thế giới đừng đặt ra nữa. Câu trả lời đã rõ như ban ngày!
(TS TRẦN TUẤN, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng - Hà Nội)