Ngày 4/8, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phối hợp với Sở Y tế TP.HCM, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM có buổi làm việc trực tiếp với các trung tâm y tế quận, huyện, tổng kết 6 tháng đầu năm chương trình Chống lao/HIV trong cộng đồng.
Theo đại diện Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Trong đó, TP.HCM là một trong những tỉnh, thành có gánh nặng bệnh lao cao nhất cả nước vì dân số đông.
Hiện nay, TP.HCM duy trì quản lý điều trị lao đã kháng thuốc tại 24 đơn vị. Thành phố tiếp tục triển khai phác đồ điều trị ngắn hạn hoàn toàn bằng đường uống với thuốc Bedaquiline (điều trị bệnh lao phổi).
Tuy nhiên, thành phố vẫn còn rất nhiều khó khăn do nhân sự thiếu nhiều tại các quận, huyện và phòng khám chống lao/HIV. Nhiều cán bộ mới chưa được tập huấn về công tác chuyên môn. Nguồn kinh phí của chương trình chống lao chưa nhận được kinh phí cho các hoạt động phòng chống lao/HIV năm 2021 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 từ nguồn ngân sách nhà nước.
Hoạt động truyền thông phòng chống bệnh lao tuy có duy trì thường xuyên nhưng chưa được đánh giá hiệu quả, chủ yếu tập trung vào sự kiện chiến dịch ngày phòng chống lao thế giới hàng năm.
Khả năng tiếp cận giữa chương trình chống lao và người dân trong cộng đồng còn thấp. Chương trình chống lao vẫn phải duy trì thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ phòng chống lao/HIV và phòng chống Covid-19.