Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Số ca mắc cúm mùa tại Hà Nội tăng 60% sau một tháng

Trong số các bệnh nhân được ghi nhận mắc cúm mùa thời gian qua, nhiều trường hợp đã xuất hiện diễn biến nặng.

Trong khi dịch Covid-19 vẫn phức tạp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não cùng các bệnh lý phổ biến trong mùa hè liên tiếp được ghi nhận. Số ca mắc cúm mùa tăng lên sớm hơn mọi năm cũng gây ra không ít lo ngại.

Ca mắc cúm mùa tăng nhanh trong thời gian ngắn

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội ngày 20/7, thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội từ đầu năm đến hết ngày 17/7 cho thấy thành phố ghi nhận tổng cộng 2.605 trường hợp mắc cúm. May mắn, trong số này, thành phố chưa có bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc cúm mùa ở địa phương đang có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, trong tháng 6, Hà Nội phát hiện tới 887 ca mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho thấy xu hướng tăng lên rõ rệt của bệnh khi đang điều trị cho 252 trường hợp.

ca mac cum mua o ha noi tang cao anh 1

Một bệnh nhi mắc cúm mùa kết hợp viêm phổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Ảnh: T.L.

Các bệnh nhân cúm mùa được ghi nhận tại cơ sở y tế này chủ yếu trong nhóm trẻ dưới 5 tuổi với 44,1%. Xếp sau là nhóm người trưởng thành từ 18 đến 49 tuổi (39,7%).

Theo các bác sĩ, hầu hết bệnh nhân cúm mùa có triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ghi nhận 71 trường hợp có chỉ định nhập viện. Nhóm này chủ yếu gồm trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và đa phần khỏi bệnh sau khoảng 3-4 ngày điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng.

Thông tin thêm, tiến sĩ Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, tới 60% dương tính với cúm A.

Nhiều ca không có triệu chứng điển hình, khó nhận biết

Theo bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, khoa Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm, CDC Hà Nội, cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm và thường vào mùa đông, xuân.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Bốn chủng virus cúm mùa là A, B, C và D. Trong đó, virus cúm mùa A và B là 2 chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa cũng như trường hợp tản phát hay đợt bùng phát ngoài mùa cúm.

ca mac cum mua o ha noi tang cao anh 2

75% bệnh nhân nhiễm virus cúm mùa không có biểu hiện điển hình. Ảnh minh họa: kelly_sikkema.

Theo vị chuyên gia, thời gian ủ bệnh cúm mùa dao động từ một đến 4 ngày (trung bình 2 ngày). Bệnh đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, đau khớp, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi.

“Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm cũng có đầy đủ triệu chứng của bệnh. Ước tính, khoảng 75% ca nhiễm virus cúm không có triệu chứng điển hình”, bác sĩ Loan cho hay.

Thực tế, hầu hết trường hợp mắc bệnh hồi phục sau một tuần và không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, bệnh cúm mùa vẫn có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong, nhất là ở người có nguy cơ cao mắc bệnh như người cao tuổi, mắc các bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, gan, máu… phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người có tình trạng ức chế miễn dịch (HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc corticosteroid).

Liên quan vấn đề này, tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết biểu hiện cúm A thường thấy ở các trẻ nhỏ là sốt cao liên tục trên 38,5-39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, ăn uống kém, mệt mỏi, một số trường hợp còn có tình trạng co giật.

Tuy nhiên, vị chuyên gia thông tin diễn biến của bệnh cúm A ở thời điểm hiện tại cũng có nhiều điểm khác so với trước đây.

Ông nói: “Khoảng 10 năm trước, các bệnh nhân cúm A thường chỉ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên kèm sốt. Ngoài ra, họ không có các triệu chứng về thần kinh. Tuy nhiên, từ mùa cúm năm 2019-2020, chúng tôi ghi nhận có những triệu chứng nặng hơn rõ rệt về mặt thần kinh, rất nặng nề”.

TS Hải nêu ví dụ các trường hợp mắc cúm A tới khám trong khoảng thời gian trên có thêm biểu hiện co giật với tỷ lệ lên tới 45%. Đáng chú ý, khoảng 6% trẻ nhỏ sau khi nhiễm virus cúm A có thêm biểu hiện viêm não.

Từ đây, ông nhận định cúm thường diễn biến lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục sau khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, nhất là những trường hợp có bệnh nền, cúm A có thể diễn biến nặng nề hơn, dễ xuất hiện biến chứng.

Bác sĩ Loan khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp để phòng bệnh cúm mùa gồm:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
  • Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
  • Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
  • Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  • Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ.
  • Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Hàng chục trẻ được phát hiện mắc cúm A mỗi ngày một cách bất thường

Mùa hè thường không phải thời điểm dịch cúm A bùng phát. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhi phải nhập viện do căn bệnh này đang tăng lên đột biến.

Dịch tay chân miệng

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm