Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm nhẹ trong tuần qua. Ảnh: EPI. |
Sau thời gian dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp cùng số ca mắc tăng cao, đồ thị biểu hiện số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu đi xuống.
Sốt xuất huyết giảm nhẹ nhưng có thể tăng lại
Theo báo cáo mới nhất của CDC Hà Nội trong tuần 39 (đến hết ngày 30/9), tuần qua, thành phố ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 9,3% so với tuần trước đó (890 ca).
7 ngày qua, Hà Nội cũng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết. Con số này trong tuần trước đó là một.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội trong năm 2022 so với 2021. Ảnh: CDC Hà Nội. |
Các bệnh nhân sốt xuất huyết được ghi nhận tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại Đống Đa (80), Thanh Oai (70), Hà Đông (67), Thanh Trì (56), Phúc Thọ (55).
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.720 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021 (1.234). Thành phố cũng đã có 5 ca tử vong do sốt xuất huyết (so với 0 ca trong năm 2021).
Cũng trong tuần qua, Hà Nội xác định thêm 56 ổ dịch mới tại Hà Đông (12), Thanh Oai (7), Đống Đa (6), Hoàng Mai (5), Bắc Từ Liêm (4), Tây Hồ (4), Phúc Thọ (3), Chương Mỹ (2), Hai Bà Trưng (2), Hoài Đức (2), Thạch Thất (2), Thanh Trì (2), Đông Anh (1), Gia Lâm (1), Long Biên (1), Mê Linh (1), Sơn Tây (1).
Cộng dồn trong năm 2022. thành phố đã ghi nhận tổng cộng 508 ổ dịch tại 29 quận, huyện. Hiện còn 171 ổ dịch hoạt động tại 24 quận, huyện.
Tuần qua, CDC Hà Nội cũng đã giám sát, điều tra và xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại Xuy Xá (Mỹ Đức) và Hoàng Liệt (Hoàng Mai).
Với cả nước, số liệu của Cục Y tế Dự phòng cho thấy trong tuần qua, cả nước ghi nhận 11.472 ca mắc sốt xuất huyết. 3 ca trong đó tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang và Đắk Lắk.
So với tuần trước đó, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước cũng giảm 2,3% (11.740 ca, 4 trường hợp tử vong). Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện trên cả nước cũng giảm 4,8%.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 ca tử vong, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng người tử vong cũng tăng 72 trường hợp.
CDC Hà Nội nhận định tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận giảm nhẹ so với tuần trước. Tuy nhiên số lượng này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thành phố đang trong cao điểm của mùa dịch.
Trong bối cảnh đó, các đơn vị liên quan được yêu cầu tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, nguy cơ cao và ổ dịch cũ.
Chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi. Các địa phương cần huy động ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
SARS-CoV-2 và adenovirus vẫn phức tạp
Liên quan dịch Covid-19, tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.649 ca mắc mới, giảm 32,2% so với tuần trước đó (2.432). Trung bình, Hà Nội có thêm 235 ca/ngày. Các bệnh nhân được ghi nhận tại 29/30 quận, huyện, thị xã (trừ quận Ba Đình).
Một số địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao trong tuần qua là Đông Anh (157), Thạch Thất (123), Ba Vì (117), Sóc Sơn (97), Hoài Đức (97).
Theo CDC Hà Nội, Omicron vẫn là biến chủng phổ biến tại 30/30 quận, huyện với 422/444 mẫu (95%). Trong đó, BA.5 và các dòng phụ của nó đang có xu hướng gia tăng.
Số ca nhiễm adenovirus tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh: Quốc Toàn. |
Cụ thể, tỷ lệ các mẫu nhiễm BA.5 trong tháng 8 là 58,1%. Con số này trong tháng 9 đã tăng lên 75%.
Trong khi đó, liên quan bệnh adenovirus gây ra, số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy từ đầu năm đến ngày 29/9 cho thấy Hà Nội đã có tổng cộng 1.940 trường hợp dương tính. Các ca bệnh xuất hiện trên toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã.
3 trường hợp nhiễm adenovirus trên địa bàn thành phố đã tử vong tại Mỹ Đức (1), Phú Xuyên (1) và Tây Hồ (1).
Về Covid-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện trên địa bàn, CDC Hà Nội đánh giá dịch bệnh vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình dịch trên thế giới để kịp thời có biện pháp phòng dịch phù hợp.
Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, phát hiện ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế, từ đó xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng.