Từ năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam có 2 quyết định chi tiền thù lao hàng tháng cho Ban chỉ đạo soạn thảo sách giáo khoa (SGK) miền Nam gồm giám đốc, các phó giám đốc, chánh văn phòng, phó chánh văn phòng, các trưởng, phó phòng chuyên môn và các chuyên viên phòng chuyên môn.
Các chuyên viên phòng chuyên môn nhận 2,5 triệu đồng/người/tháng từ đầu năm 2018. Giám đốc sở là 6 triệu đồng/tháng, phó giám đốc 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1/5/2015, từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam.
NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị biên soạn SGK, trong khi Sở GD&ĐT.TPHCM có tiếng nói quan trọng trong việc lựa chọn SGK cho địa phương. Câu hỏi đặt ra là khi đã nhận tiền của một nhà xuất bản, việc lựa chọn SGK cho các trường trên địa bàn còn bảo đảm tính khách quan?
Giáo viên tham khảo các bộ SGK lớp 1 của TP.HCM. Ảnh: Báo GD&TĐ. |
Sáng 5/12, trao đổi với phóng viên Zing.vn, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, nói sở không trả lời về vấn đề này.
"Đây là vấn đề của nhà xuất bản. Chi phí sản xuất của nhà xuất bản làm sao sở biết được", ông Trung nói.
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc sở giáo dục nhận tiền thù lao hàng tháng từ phía nhà xuất bản là xung đột lợi ích rất rõ ràng.
"Một đơn vị cầm trịch, hướng dẫn các trường phổ thông chọn sách giáo khoa, một đơn vị xuất bản, cung cấp sách giáo khoa. Xin nhấn mạnh NXB Giáo dục Việt Nam là một doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước không có bất cứ lý do gì để nhận tiền từ một doanh nghiệp", thạc sĩ Quang nêu quan điểm.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, lý giải đơn vị này phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam - "Chân trời sáng tạo".
Bộ SGK này được biên soạn bởi hầu hết tác giả tại khu vực phía Nam. Nhiệm vụ của ban chỉ đạo là định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo. Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu, bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên.
Trên cơ sở đó, NXB Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình. Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.