Tính đến 18h ngày 18/8, theo Bộ Y tế, Hà Nội đã ghi nhận 2.591 bệnh nhân Covid-19, 33 người tử vong trong làn sóng thứ 4. Sau 25 ngày giãn cách xã hội, thành phố có những biến động về F0, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp.
Trung bình 60 ca mắc mới một ngày
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy tính từ ngày 29/4 đến nay, thành phố đã ghi nhận 2.359 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.234 ca. Số F0 được cách ly là 1.125 trường hợp.
Ngoài ra, 191 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.
Theo CDC Hà Nội, từ khi giãn cách xã hội (24/7) đến nay, trung bình mỗi ngày, thành phố phát hiện thêm trên dưới 60 F0. Đỉnh điểm như ngày 30/7, Hà Nội ghi nhận 119 bệnh nhân. Các ngày 6/8, 13/8, số F0 trong ngày vượt mốc 100 ca. Riêng chiều 15/8, thành phố không ghi nhận trường hợp dương tính.
Số F0 tại Hà Nội từ ngày giãn cách xã hội | |||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: CDC Hà Nội | |||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 24/7 | 25/7 | 26/7 | 27/7 | 28/7 | 29/7 | 30/7 | 31/7 | 1/8 | 2/8 | 3/8 | 4/8 | 5/8 | 6/8 | 7/8 | 8/8 | 9/8 | 10/8 | 11/8 | 12/8 | 13/8 | 14/8 | 15/8 | 16/8 | 17/8 | 18/8 | |
Ngày | Ca mắc | 23 | 41 | 64 | 76 | 65 | 46 | 119 | 74 | 73 | 98 | 66 | 57 | 71 | 107 | 82 | 56 | 70 | 62 | 40 | 70 | 101 | 41 | 35 | 46 | 60 | 51 |
Có thể thấy, lượng bệnh nhân mới trong ngày ở Hà Nội có nhiều biến động phức tạp. Tuy nhiên, gần một tháng giãn cách, số F0 trong vòng 24 giờ có xu hướng giảm, thấp hơn con số trung bình.
Về nguồn lây, tính riêng từ 1/8 đến tối 18/8, sau 10 ngày, thành phố đã phát hiện 1.113 ca mới.
Trong đó, 68 trường hợp có kết quả mắc Covid-19 sau khi sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng. 951 F0 là các ca ho, sốt tại cộng đồng thứ phát. 26 ca sàng lọc ở khu vực có nguy cơ cao, 3 trường hợp sàng lọc vì thuộc nhóm nguy cơ và 132 F0 phát hiện qua các nguồn lây khác.
Ở giai đoạn trước đó (24/7-31/7), thành phố ghi nhận 1.174 F0, gồm các ca ho, sốt tại cộng đồng (49), nguồn lây thứ phát (269), khác (856).
Có thể thấy, lượng F0 phát hiện qua nguồn lây thứ phát trong 10 ngày trở lại đây của Hà Nội tăng vọt. Số bệnh nhân có nguồn lây khác giảm mạnh, cho thấy mức độ kiểm soát ngày càng chặt của ngành y tế.
Huyện Đông Anh đang là địa phương có tổng F0 nhiều nhất thành phố (311 người). Thanh Trì xếp thứ 2 với 260. Các khu vực trên 200 F0 gồm Đống Đa (253), Hoàng Mai (215), Hai Bà Trưng (207). Ngoài ra, huyện Thường Tín, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, cũng đã vượt mốc 100 ca mắc. Ba Vì, Phú Xuyên là khu vực ghi nhận số F0 thấp nhất toàn thành phố với tổng cộng 8 trường hợp mắc Covid-19.
Phân bổ F0 theo khu vực tại Hà Nội | |||||||||||||||||||||||||||||||
Nguồn: CDC Hà Nội | |||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | Đông Anh | Thanh Trì | Đống Đa | Hoàng Mai | Hai Bà Trưng | Thường Tín | Hoàn Kiếm | Hà Đông | Thanh Xuân | Bắc Từ Liêm | Thạch Thất | Ba Đình | Hoài Đức | Long Biên | Quốc Oai | Cầu Giấy | Gia Lâm | Sóc Sơn | Tây Hồ | Mê Linh | Nam Từ Liêm | Đan Phượng | Mỹ Đức | Ứng Hòa | Phúc Thọ | Thanh Oai | Sơn Tây | Chương Mỹ | Ba Vì | Phú Xuyên | |
Khu vực | Ca mắc | 311 | 261 | 253 | 215 | 207 | 132 | 105 | 104 | 82 | 76 | 79 | 78 | 52 | 46 | 42 | 43 | 39 | 33 | 32 | 28 | 30 | 17 | 17 | 16 | 13 | 13 | 10 | 9 | 8 | 8 |
"Kiềng 3 chân" trong chiến lược dập dịch
Thành phố chỉ còn chưa đầy 5 ngày nữa sẽ kết thúc lần giãn cách xã hội thứ 2. Đây là thời gian vàng để Hà Nội nhanh chóng dập dịch, chuẩn bị kỹ lưỡng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra.
Lá chắn thép giúp thành phố hoàn thành mục tiêu này đó là xét nghiệm diện rộng, chuẩn bị cho các tầng điều trị và tăng tốc độ bao phủ vaccine.
Sáng 18/8, CDC Hà Nội thông tin từ ngày 18 đến 20/8, thành phố sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đợt 2 tại khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ. Số lượng mẫu được lấy dự kiến là 1 triệu.
Mục tiêu trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, việc lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều...
Hà Nội lập nhiều chốt kiểm tra, tăng tốc độ xét nghiệm sàng lọc để tách F0 khỏi cộng đồng. Ảnh: Việt Linh. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết TP đã giao đơn vị nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày; cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; công suất điều trị lên 40.000 giường và thành lập trung tâm hồi sức tích cực, phân luồng để có thể tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch...
Trong thời gian giãn cách xã hội, Bí thư Hà Nội sẽ giao ngành y tế và địa phương đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với mục tiêu vaccine về đến đâu, tiêm ngay đến đó, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, đánh giá chiến lược xét nghiệm diện rộng của Hà Nội rất phù hợp với giai đoạn hiện nay khi số ca mắc phát hiện qua sàng lọc tăng nhanh mỗi ngày. Tuy nhiên, vấn đề phải làm sao nâng cao năng lực xét nghiệm bằng việc nhanh chóng bổ sung máy móc, sinh phẩm, đào tạo nhân lực lấy mẫu để có kết quả trong thời gian ngắn.
Theo bà Thu Anh, xét nghiệm diện rộng không chỉ giúp thành phố sớm cách ly F0 mà còn là cơ sở quan trọng để đánh giá diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Phải dựa trên nhiều dữ liệu như số ca mắc, số bệnh nhân nặng, số trường hợp tử vong, tỷ lệ nhiễm trên số xét nghiệm đã làm, ngành y tế mới đánh giá nguy cơ bùng phát dịch.
Về vấn đề vaccine, thống kê từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, Hà Nội đã được phân bổ hơn 2,9 triệu liều so với dự kiến hơn 11,3 triệu liều. Tính đến sáng 18/8, 39,08% người dân từ 18 tuổi trở lên của thành phố đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Tổng số người được tiêm là 2.245.509.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ của Hà Nội hiện vẫn rất cao, kết quả sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng.
Do đó, việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp quan trọng để cắt đứt nguồn lây. Ngoài ra, những nguy cơ lây nhiễm từ ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị..., cũng cần được tập trung giải quyết, không để lây lan từ đây.
Theo ông Phu, nhìn chung, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn kiểm soát được. Nhưng trước nguy cơ tiềm ẩn và biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, dịch Covid-19 tại TP còn phức tạp.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục thực hiện giãn cách để bảo vệ thành quả vừa qua. Mục đích giãn cách là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới, từ đó, truy vết, phong tỏa, ngăn vùng đỏ không lây lan, bảo vệ vùng xanh để dịch không xâm nhập.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.