Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sợ máu nhưng bố mẹ bắt học ngành bác sĩ

Trong thời gian giảng dạy bộ môn Kỹ năng sống, Thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng từng tư vấn cho nhiều trường hợp học sinh gặp áp lực vì phải thực hiện hóa ước mơ của bố mẹ.

"Tôi thường gặp những em bị gia đình bắt học ngành nghề mà bản thân không muốn. Thực hiện theo nguyện vọng của bố mẹ, lâu dần, các em không còn niềm vui trong học tập, mất động lực. Việc học cũng vì vậy mà không còn hiệu quả, điểm số thấp dần nên càng ngày các em càng áp lực hơn", thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng - giáo viên dạy môn Kỹ năng sống, đồng thời là giáo viên của tổ tư vấn học đường, trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), nói.

Ap luc hoc tap cua con cai anh 1

Theo Thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng, chương trình học THPT với 11 môn đang khiến nhiều trẻ gặp áp lực. Ảnh: Chí Hùng.

Ngất vì sợ khi thực hành ở nhà xác

Thời gian giảng dạy ở trường, thầy Đăng từng lắng nghe nhiều câu chuyện khác nhau của học sinh gặp áp lực học tập. Trong đó, thầy đã tham vấn tâm lý cho một học sinh từ thời gian em này còn học cấp 3 cho đến khi em vào đại học.

Cụ thể, dựa trên thành tích học tập, bố mẹ của nữ sinh này đã bắt em theo học ngành bác sĩ. Nguyên nhân là gia đình đều làm việc ở ngành y. Tuy nhiên, đây lại không phải nghề yêu thích của em, và bản thân em cũng sợ máu.

Thầy Đăng cho biết học sinh này vẫn phải học để thi và đậu vào trường ĐH Y Dược TP.HCM. Nhưng ngay buổi học thực hành đầu tiên ở nhà xác, em đã ngất vì sợ. Cuối cùng, nữ sinh này không thể học tiếp mà phải chuyển sang ngành nghề khác.

Theo thầy Đăng, sự việc này xảy ra do gia đình quan niệm đứa con là "sự nối dài" nghề nghiệp của bố mẹ. Vì vậy, phụ huynh đã không hỏi con thích gì mà tự lựa chọn và ép con theo học ngành nghề mà bố mẹ mong muốn. Nữ sinh trên đã uổng phí khoảng thời gian 2 năm để "thực hiện hóa" ước mơ của bố mẹ, sau đó lại đi học ngành nghề khác.

"Phụ huynh không hiểu con cái thì không nên ép các em học và làm theo suy nghĩ của mình, gây lãng phí thời gian và tài năng của trẻ", thầy Đăng nói.

Thầy Đăng cũng cho biết nhiều phụ huynh hiện nay đang thể hiện sự quan tâm với con cái sai cách. Bố mẹ chưa hiểu được tâm lý của trẻ trong độ tuổi dậy thì nên đôi khi làm "phật ý" của con.

Bên cạnh đó, theo thầy Đăng, nguyên nhân khác khiến trẻ gặp áp lực lớn trong học tập là chương trình học THPT quá nặng. Một học sinh phải học 11 môn khác nhau. Điều này đã gây nên sức ép cho các em.

"Các em gặp áp lực học tập thường không lên tiếng, nói rõ với bố mẹ để nhận được sự thông cảm và giúp đỡ. Vì vậy, lâu dần, các em mâu thuẫn với phụ huynh và tự làm bản thân mệt mỏi vì áp lực nhiều hơn", thầy Đăng nói.

Gia đình nên quan tâm con cái đúng cách

Theo thầy Đăng, để giảm bớt áp lực học tập của con, gia đình phải thường xuyên nói chuyện với trẻ. Ngoài những buổi nói chuyện với gia đình, bố mẹ cũng cần những buổi nói chuyện riêng với con. Phụ huynh phải quan tâm thật sự đến con, không nên quan tâm "hời hợt" bằng những câu hỏi như "hôm nay con đi học có vui không?".

"Phụ huynh phải hiểu con đang quan tâm đến điều gì trong cuộc sống, đừng nghĩ đưa tiền là xong, bởi đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì cần thời gian bên cạnh bố mẹ nhiều hơn là cần tiền. Phụ huynh cũng phải thể hiện sự quan tâm một cách đúng đắn. Bố mẹ phải hiểu kiến thức về tâm lý của con ở độ tuổi này", thầy Đăng nhấn mạnh.

Khi con cái cần sự giúp đỡ, thầy Đăng khuyên phụ huynh nên nói chuyện và tập cho con chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình, bắt đầu trao bớt quyền cho trẻ. Phụ huynh có con đang học cấp 3 đừng quản lý con quá nhiều, nên cho trẻ không gian riêng, tạo điều kiện để con thực hiện mong muốn của bản thân.

Theo thầy Đăng, ngoài gia đình, nhà trường cũng cần hỗ trợ để giảm bớt áp lực học tập của học sinh. Bên cạnh các tiết học văn hóa, nhà trường cần bổ sung thêm một vài tiết học môn Kỹ năng sống. Ngoài ra, mỗi tháng, trường học cũng có thể mời chuyên gia về nói chuyện với học sinh hoặc tổ chức các hoạt động thể thao, giải trí để các em giải tỏa năng lượng.

"Trẻ em trong độ tuổi dậy thì có năng lượng rất nhiều. Chúng ta đừng vì sự thiếu năng lượng của người lớn mà hạn chế các em. Trường học phải là nơi giải tỏa hết cái năng lượng của học sinh, vì vậy hãy tạo điều kiện để các em được giải trí, ngoài những giờ học căng thẳng", thầy Đăng nói.

Thấy gì sau liên tiếp vụ học sinh đánh nhau đến nguy kịch?

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Hồng Ân cho rằng trẻ lên tiếng, chia sẻ về bạo lực học đường và mong muốn tìm giải pháp là sự dũng cảm đáng được ghi nhận.

Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm