Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sợ thất nghiệp, sinh viên sư phạm bỏ trường về làm thợ

Với tâm lý sợ "sau tốt nghiệp về đi... cày", một số sinh viên quê Hà Tĩnh bỏ đại học về học nghề.

Nhiều em khác thừa điểm đậu đại học nhưng không nhập học cũng chọn học nghề. Đây là những lựa chọn đang được nhiều gia đình, thầy cô ủng hộ và là tín hiệu vui trong định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Rời bỏ giảng đường về học... làm thợ

Em Nguyễn Hoài Giang (SN 1996, trú xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ, năm 2014, em thi khối C, đậu Đại học Quy Nhơn chuyên ngành Quản lý giáo dục. Nhưng trong thời gian học năm thứ nhất, em tìm hiểu và được biết, rất nhiều anh chị tốt nghiệp ra trường mãi vẫn không xin được việc. Do đó, học xong năm thứ nhất, Giang quyết định bỏ về học nghề cắt gọt kim loại ở trường Cao đẳng Nghề Việt - Đức Hà Tĩnh.

"Sợ học xong ra trường không xin được việc nên em quyết định bỏ về học nghề đỡ tốn kém, thời gian học ngắn, lại dễ xin việc hơn", Giang chia sẻ.

Ban đầu, việc Giang bỏ đại học về học nghề bị bố mẹ và anh chị trong nhà phản ứng. Được em phân tích, sau đó, mọi người hiểu và ủng hộ.

Em Nguyễn Xuân Ngọc bỏ giữa chừng khi đang học Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM về học nghề tại Trường CĐ nghề Việt Đức. Ảnh: Trần Tuấn
Em Nguyễn Xuân Ngọc bỏ Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM về học nghề tại Cao đẳng nghề Việt Đức. Ảnh: Lao Động.

Cũng với tâm lý sợ ra trường thất nghiệp, em Nguyễn Xuân Ngọc (SN 1996, quê xã Khánh Lộc, Can Lộc) học xong năm thứ nhất Đại học Công nghệ thông tin TP HCM thì bỏ về học lớp chế tạo thiết bị cơ khí, trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Hà Tĩnh.

Nói về lý do chọn học nghề, Ngọc cho biết, học đại học được một năm nhưng quá tốn kém, mà ra trường lo sợ thất nghiệp nên em chán rồi quyết định bỏ về học nghề đỡ tốn kém, ra trường lại không lo thất nghiệp, trong khi Hà Tĩnh đang có Khu kinh tế Vũng Áng giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân.

"Mọi người giờ đều biết học đại học ra thất nghiệp rất nhiều, ngay như xóm em cũng 5 - 6 người tốt nghiệp đại học mà không có việc. Do vậy, việc em chọn học nghề bố mẹ cũng rất ủng hộ", Ngọc chia sẻ.

Điểm cao, học giỏi nhưng vẫn chọn học nghề

Cũng năm học này, Cao đẳng nghề Việt - Đức Hà Tĩnh tiếp nhận em Bùi Văn Quảng (SN 1997, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) học chuyên ngành Điện tử công nghiệp.

Ngay sau khi nộp hồ sơ, Quảng được hiệu trưởng nhà trường quyết định tặng 1 năm học bổng và miễn học phí vì "hồ sơ của em quá đẹp": Học bạ 3 năm học THPT luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi với tổng điểm 3 năm trên 8.0. Trong 12 năm học, nhiều lần em đạt giải học sinh giỏi huyện, tỉnh. Mới nhất, năm học 12, Quảng đoạt giải 3 toán toàn tỉnh và được kết nạp Đảng viên trong trường học.

Quảng chia sẻ: “Em từng ước mơ làm thầy giáo nhưng hiện nay học sư phạm rất khó xin việc nên em quyết định chọn học nghề để có việc làm. Học nghề vừa đỡ tốn kém vừa rút ngắn thời gian, sớm đi làm có tiền phụ giúp gia đình".

Một trường hợp đặc biệt khác là em Trần Ngọc Nam (học sinh lớp 12C, THPT Vũ Quang, Hà Tĩnh). Kỳ thi vừa qua, em đạt 23 điểm cho 3 môn thi khối C (Văn 7, Sử 7 và Địa lý 9), cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên khu vực miền núi nữa là đạt 24,5 điểm.

Với số điểm này, em có thể lựa chọn học rất nhiều trường đại học tốp đầu. Tuy nhiên, khá bất ngờ là em quyết định nộp hồ sơ nhập học ngành cơ khí của Cao đẳng Nghề Việt - Đức Hà Tĩnh.

Nam chia sẻ, việc lựa chọn học nghề đã được em và gia đình bàn bạc, thống nhất từ khi bắt đầu lớp 12 vì mọi người hiểu rõ học đại học bây giờ ra trường rất khó xin việc. Trong khi đó, học nghề dễ có việc làm, nếu không xin được thì cũng có thể tự mở xưởng để làm, không lo thất nghiệp.

Trường CĐ nghề Việt Đức Hà Tĩnh.
Trường CĐ nghề Việt Đức Hà Tĩnh. Ảnh: Lao Động.

Tín hiệu đáng mừng

PGS.TS Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Việt - Đức Hà Tĩnh - cho biết, theo bảng điểm trong học bạ của các em vào trường năm nay, khoảng 70% trong số này đủ điều kiện học đại học. Đặc biệt, có những em điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua nhưng vẫn chọn học nghề.

Theo thầy Ất, việc học sinh chủ động học nghề mà không học đại học là tín hiệu đáng mừng. Nó chứng tỏ định hướng nghề nghiệp trong học sinh đang tốt dần lên. Nhiều em đã nhận thức, đại học không phải con đường duy nhất để lập nghiệp.

Thậm chí, cố học cho được đại học mà không tính toán đến đầu ra, nhu cầu việc làm thì rất nguy hiểm, nó trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình, xã hội. Bởi, nước ta đang trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ, học đại học ra trường thất nghiệp với con số ngày càng lớn.

Cũng theo PGS.TS Đặng Minh Ất, gần 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm ngay với mức lương 4 - 7 triệu/tháng. Bởi nhà trường có mối quan hệ với các doanh nghiệp, đào tạo để cung cấp nhân lực cho họ, phổ biến là đào tạo để cung cấp lao động cho Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Ông Trần Huy Liệu - Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh - cho biết, toàn tỉnh đang thừa 653 giáo viên THCS, 188 giáo viên THPT. Nguyên nhân do giảm trường, giảm lớp, giảm học sinh. Mấy năm nay, Hà Tĩnh chỉ tuyển dụng giáo viên THPT là những người bằng giỏi, trình độ thạc sĩ, còn THCS và tiểu học hầu như không tuyển, trong khi đó bất cập là ở chỗ các trường đại học vẫn đào tạo chỉ tiêu sư phạm nhiều.

Biết thất nghiệp từ khi... còn đi học

Một bộ phận sinh viên lên giảng đường không chịu học, lấy điện thoại chụp, quay bài giảng của thầy, do đó ra trường thất nghiệp là tất yếu.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/so-that-nghiep-sinh-vien-dai-hoc-su-pham-bo-truong-ve-lam-tho-391590.bld

Theo Trần Tuấn/Lao Động

Bạn có thể quan tâm