Trẻ em có thể bị sốt do nhiễm trùng, tiêm chủng. Ảnh: Preferredmedicalgroup. |
Sốt là phản ứng bình thường và lành mạnh của cơ thể đối với nhiễm trùng và các bệnh khác, cả nhẹ và nghiêm trọng. Sốt giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Sốt là một triệu chứng, không phải là bệnh. Trong hầu hết trường hợp, sốt có nghĩa là con bạn bị bệnh nhẹ.
Thông thường, bạn phải xem xét các triệu chứng khác của trẻ để biết mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường sốt không có hại nhưng bạn cần chú ý nếu thân nhiệt của trẻ tăng lên.
Thế nào là nhiệt độ bình thường?
Theo PeaceHealth, nhiệt độ cơ thể bình thường trung bình khi đo bằng miệng (dưới lưỡi) là khoảng 37 độ C. Nó thường tăng trong ngày từ mức thấp 36,3 độ C vào buổi sáng, lên mức cao 37,6 độ C vào cuối buổi chiều. Mỗi đứa trẻ có một phạm vi nhiệt độ bình thường có thể khác nhau.
Trẻ có thể tăng nhẹ nhiệt độ tới 38 độ C do tập thể dục, mặc quá nhiều quần áo, tắm nước nóng hoặc ở ngoài trời nóng.
Sốt ở trẻ và người lớn
Theo tiến sĩ Neha Vyas, bác sĩ gia đình tại Cleveland Clinic, trẻ em bị sốt thường xuyên và có xu hướng sốt cao hơn người lớn. Mức độ sốt có thể không cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh của con bạn. Khi bị bệnh nhẹ, chẳng hạn cảm lạnh, trẻ có thể có nhiệt độ miệng là 40 độ C. Nhưng nhiễm trùng rất nghiêm trọng có thể không gây sốt hoặc chỉ gây sốt nhẹ.
Với nhiều bệnh, nhiệt độ sốt có thể lên xuống rất nhanh và thường xuyên. Vì vậy, hãy chắc chắn tìm kiếm các triệu chứng khác cùng với cơn sốt của trẻ. Trẻ sơ sinh bị sốt thường do nhiễm trùng do virus, chẳng hạn cảm lạnh hoặc cúm.
Nhiễm trùng do vi khuẩn, như nhiễm trùng tiết niệu hoặc viêm phổi do vi khuẩn, cũng có thể gây sốt. Cha mẹ nên cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi đi khám bất cứ khi nào bị sốt. Điều này là do trẻ có thể bị bệnh rất nhanh.
Tiến sĩ Vyas cho biết: "Sốt có những nguyên nhân giống nhau ở người lớn và trẻ em, chẳng hạn virus và nhiễm trùng. Nhưng chúng ta cẩn thận hơn về sốt ở trẻ sơ sinh. Em bé không thể nói cho bạn biết cảm giác của chúng, vì vậy sẽ khó biết nguyên nhân gây sốt hơn. Nếu bạn không biết con mình đang bị bệnh gì, hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa".
Sốt ở trẻ khỏe mạnh thường không nguy hiểm, đặc biệt nếu trẻ không có các triệu chứng khác và hết sốt sau 3-4 ngày. Hầu hết trẻ bị sốt sẽ quấy khóc, ít chơi đùa, không ăn nhiều như bình thường.
Sốt cao có thể khiến con bạn khó chịu, nhưng hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Không có bằng chứng y tế nào cho thấy sốt do nhiễm trùng gây tổn thương não. Chủng ngừa cho trẻ em có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sốt, chẳng hạn nhiễm Haemophilus influenzae type b (Hib).
Cha mẹ cần cẩn trọng khi trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt. Ảnh: Babycenteraustralia. |
Nguyên nhân gây sốt
Không có gì lạ khi một đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bị nhiễm virus từ 7 đến 10 lần trong một năm. Mỗi lần nhiễm virus mới có thể gây sốt. Nếu sốt kéo dài quá 48 giờ, cơn sốt mới rất có thể là do một bệnh mới.
Nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ bao gồm:
- Nhiễm virus, như cảm lạnh, cúm và thủy đậu.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, như nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Tiêm chủng.
Mọc răng có thể khiến thân nhiệt của trẻ tăng nhẹ. Nhưng nếu nhiệt độ miệng cao hơn 38 độ C, cha mẹ cần kiểm tra các triệu chứng có thể liên quan nhiễm trùng hoặc bệnh tật.
Sốt tăng nhanh có thể dẫn đến co giật do sốt ở một số trẻ. Dù có vẻ đáng sợ, sốt co giật thường không gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn tổn thương não, thiểu năng trí tuệ hoặc vấn đề về học tập.
Cha mẹ có thể làm gì?
Khi trẻ bị sốt và điều trị tại nhà, cha mẹ cần làm những việc dưới đây để giúp con nhanh khỏi và giảm khó chịu:
- Đảm bảo trẻ uống nhiều nước, có thể là nước lọc, nước canh, súp.
- Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi nhiều.
- Cho trẻ ở trong phòng thoải mái và không quá nóng.
- Cho con mặc quần áo nhẹ.
- Lau vùng cổ và nách của trẻ bằng nước ở nhiệt độ phòng.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nếu con:
- Dưới 3 tháng tuổi.
- Thân nhiệt hơn 40 độ C.
- Thiếu năng lượng.
- Bị sốt kéo dài hơn 3 ngày hoặc nếu trẻ có vẻ không khỏe hơn trước.
- Bị mất nước do nôn mửa, tiêu chảy hoặc không uống nước. Các triệu chứng mất nước bao gồm: Mắt trũng sâu, tã khô, độ đàn hồi kém (da trở lại vị trí bình thường rất chậm khi ấn vào).
- Có phát ban đỏ hoặc tím.
- Nhức đầu, cứng cổ hoặc tỏ ra khó chịu với ánh sáng chói.
- Khó thở, ngất xỉu hoặc không phản ứng.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.