Ngày 14/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh thông tin từ cuối tháng 2 đến nay, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh ghi nhận 2 bệnh nhân mắc sốt rét. Qua điều tra dịch tễ, cả 2 đều từ nước ngoài trở về.
Liên tiếp ghi nhận ca bệnh ngoại lai
Cụ thể, hai bệnh nhân này từng làm việc tại Anggola. Bệnh nhân đầu tiên là L.B.L. (ở xóm 3, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh) trở về Việt Nam cách đây một tuần, bị rét run kèm theo sốt cao, sau đó vã mồ hôi.
Qua 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, người bệnh cắt sốt, sức khỏe ổn định và được cho ra viện.
Tương tự, bệnh nhân N.T.A. (ở tổ dân phố Châu Phố, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) cũng bị sốt sau khi từ nước ngoài trở về. Khi trở về Việt Nam, anh A. bị sốt rét kèm thêm mắc bệnh khác nên cơ thể suy yếu.
Việt Nam ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt rét từ nước ngoài trở về. Ảnh: Edomexinforma. |
Trước đó, ngày 12/3, Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng tiếp nhận một bệnh nhân bị sốt rét từ Angola về. Nữ bệnh nhân 32 tuổi được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, sốt rét ác tính, suy gan cấp.
Sau gần 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã có tiến triển, tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng tình trạng còn nặng. Hiện, bệnh nhân được điều trị thuốc kháng sinh, kháng sốt rét, thuốc vận mạch, bù nước điện giải và bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế đang theo sát huyết động và tình trạng thai nhi (19 tuần) của người bệnh.
Phát hiện sốt rét sau 6 tháng ủ bệnh
Thông tin với Tri thức - Znews, bác sĩ TS.BS Đinh Tuấn Đức, Trưởng khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đơn vị vừa điều trị cho 2 bệnh nhân mắc sốt rét.
Trường hợp thứ nhất là nam, 58 tuổi, trở về từ Anggola sau 11 năm công tác. Trước khi nhập viện 3 ngày, người đàn ông sốt cao, rét run thành cơn và đau đầu. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt rét.
Trường hợp còn lại là bệnh nhi 10 tuổi, từng đi du lịch tại Mường Tè, Lai Châu từ tháng 9/2023. Tuy nhiên, 6 tháng sau, bệnh nhi này mới có triệu chứng của sốt rét.
Bệnh nhi mắc sốt rét tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Ảnh: T.L. |
Theo bác sĩ Tuấn Đức, sốt rét là bệnh lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc do bị muỗi đốt. Nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét.
Sốt rét được chia làm 2 loại: Sốt rét thông thường chưa có biến chứng và sốt rét ác tính.Bệnh nhân sốt rét ác tính rất nguy hiểm và có thể tử vong sau 12 giờ sau khi có triệu chứng của bệnh.
"Bệnh nhân sốt rét cần chẩn đoán chính xác và kịp thời, vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và đe doạ tính mạng", Trưởng khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhấn mạnh.
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết bệnh nhân từ những nước châu Phi trở về (Anggola, Cameroon...) hoặc các tỉnh Bình Phước, Lai Châu đến khám, bác sĩ nên chú ý yếu tố dịch tễ và lưu tâm bệnh sốt rét.
"Chúng tôi đã gặp những bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu bỏ qua yếu tố dịch tễ, không nghĩ đến bệnh sốt nên dẫn đến tử vong rất đáng tiếc", TS.BS Thọ nói.
Các chuyên gia khuyến cáo khi thấy triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.