Hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết đã được báo cáo tại Đắk Lắk, trong đó nhiều ca tiên lượng nặng. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận hơn 1.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận hàng trăm ca sốt xuất huyết vào viện, trong đó nhiều ca vào viện trong tình trạng nặng.
Người lớn gặp biến chứng mới vào viện
Sốt cao 5 ngày, người đàn ông (50 tuổi, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) vào viện trong tình trạng suy gan nặng, xuất huyết tiêu hóa, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh dương tính với sốt xuất huyết Dengue.
Cũng sốt cao 3 ngày không đỡ dù đã uống thuốc, chị H.M.C. (35 tuổi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được gia đình đưa vào bệnh viện do chảy máu chân răng không cầm được. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chị C. có hiện tượng giảm tiểu cầu, chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Sau khi vào viện, cả 2 bệnh nhân đã được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế, đến nay sức khỏe đã dần ổn định.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
"Trong đó, nhóm bệnh nhân mắc bệnh nặng là gần 50 trường hợp. Hơn 130 người khác có các dấu hiệu cảnh báo", bác sĩ Lâm cho biết.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên, gồm 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gây sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng. Bệnh nhân nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời rất dễ không qua khỏi.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bắt đầu hạ sốt từ ngày thứ 3, dẫn tới tâm lý chủ quan. Thực tế, khi mắc sốt xuất huyết, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là khoảng thời gian nguy hiểm nhất.
Người dân cần theo dõi kỹ các biểu hiện trong những ngày này vì dễ dẫn đến tình trạng sốc do thoát huyết tương. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là nôn ói nhiều, đau bụng vùng gan, tiểu ít, có các biểu hiện thần kinh như bứt rứt, khó chịu, mệt mỏi…
Nhiều người bệnh sốt xuất huyết nặng cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi. |
Nhiều trẻ em vào viện trong tình trạng nặng
Tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, số lượng bệnh nhi vào viện điều trị vì mắc sốt xuất huyết cũng liên tục tăng.
Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 130 trường hợp mắc bệnh, trong đó, không ít bệnh nhi mắc sốt xuất huyết cảnh báo và bị sốc.
"Nhiều bé mắc sốt xuất huyết ở thể nặng, vào viện đã ở tình trạng sốc, nôn ra máu, thoát huyết tương… gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của trẻ", bác sĩ Minh cho biết.
Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khuyến cáo người dân khi thấy con xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần đưa bé đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, mọi người tuyệt đối không nên chủ quan, cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ cũng như mọi người dân.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Hầu hết bệnh nhi bị sốc và tái sốc.
Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh hiện nay nhiều dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến ngày một phức tạp như sởi, bạch hầu, sốt xuất huyết… Người dân cần chú ý phòng bệnh cho con, nhất là đối với các bé suy dinh dưỡng, có bệnh lý nền, có thể trạng thừa cân, béo phì… do những nhóm trẻ này rất dễ trở nặng khi mắc bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành.
Bệnh có 3 giai đoạn chính gồm sốt, nguy hiểm và phục hồi. Hiện, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo.
Bệnh nhân cần vào viện ngay khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít… để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non
Trong cơ thể người có một hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.