Sự cố ngày Tết của cô dâu mới
Đối mặt với tôi là con gà đang chờ thực hiện các công đoạn để có mặt ở mâm cúng gia tiên. Tôi thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng.
Thực hiện đúng lời hứa "ra giêng anh cưới em", chú rể của tôi đón dâu vào tháng một dương lịch, nghĩa cái ngay sau cưới tôi đã phải trải qua cái Tết của cô dâu mới về nhà chồng. Mà Tết đối với người Việt Nam lại không đơn giản, dù ai đó có cố gắng đơn giản hóa hết mức đi nữa. Thế là thay vì đi hưởng trăng mặt thì chúng tôi, mà chủ yếu là tôi, cùng mẹ chồng lo chuẩn bị mọi thứ cho Tết.
Đầu tiên là vụ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Vì là dâu mới nên tôi được... ưu tiên thể hiện hết khả năng quán xuyến nhà cửa, trong khi mẹ chồng phụ giúp. Còn em chồng có nhiệm vụ... quan sát, nhận xét, đánh giá công việc và cả óc thẩm mỹ của tôi thông qua việc mua sắm, chọn lựa những vật dụng và đồ trang trí trong nhà.
Gu thẩm mỹ thì đúng là mỗi người mỗi vẻ nên các ý tưởng cứ đụng nhau chan chát, chẳng thể dung hòa. Cuối cùng thì mọi việc cũng xong xuôi và mọi thành viên trong nhà chồng đều cho là năm nay họ mang một cái áo mới, khác hẳn mọi năm vì cái áo ấy là do tôi chọn. Còn họ có thực sự tâm đắc với tấm áo không thì tôi tuyệt nhiên không nghe nói đến.
Chưa cần đụng tay vào việc tề gia nội trợ thì ngay đêm đầu tiên về làm dâu, tôi đã gây được ấn tượng sâu sắc với các thành viên gia đình chồng rồi. Chuyện là ngay trước đám cưới, ông xã tôi bị cảm, viêm họng. Vì thế, dù rất náo nức, chúng tôi đã thỏa thuận ngầm rằng "trăng mật" của chúng tôi sẽ được tạm lui để ông xã khỏe hẳn trở lại. Và tối hôm ấy, tôi vô tư nói với chồng: "Anh đừng có làm em đau kẻo mai em lại không đi làm được". Thế là mọi người đang ngồi ở phòng khách được dịp cười ré lên. Ôi, lúc này tôi mới nhận ra cái kiểu ăn nói vô tư của mình... vô duyên quá. Chẳng là đối với người miền Nam, "ốm, bệnh" còn được gọi là "đau". Ý của tôi là sợ bị lây bệnh cảm của ông xã, thế mà... Rồi ngay tối hôm ấy, tôi được mẹ chồng cấp tốc "luyện" cho một khóa về giữ gìn lời ăn tiếng nói, về việc ý tứ trong phát ngôn.
Phù, cũng may mẹ chồng biết là tôi chỉ... lỡ mồm nên cũng dễ thông cảm. Lại thêm chuyện xưng hô, tôi cứ quen gọi mẹ chồng, bố chồng là... bác. Riết rồi đến ba mẹ chồng tôi cũng nhầm lẫn, lúc thì xưng bác, lúc lại xưng ba mẹ với con dâu khiến mọi người cứ mắt tròn mắt dẹt.
Trước đám cưới, mọi người trong gia đình chồng chưa có dịp thử tài nấu ăn của tôi vì mấy lần đến chơi, tôi đều có cớ bận công việc, sát giờ mới đến nên mọi thứ đều đã sẵn sàng rồi. Chồng tôi thì nói với mẹ: "Cô ấy không có nhiều thời gian và tính cũng đơn giản nên những món tiệc thì có thể không đảm nhận được, chứ món ăn thường ngày thì sá gì, thỉnh thoảng cô ấy vẫn nấu cho con ăn, ngon lắm".
Chà, ông xã có lẽ đỡ lời cho tôi, hoặc cũng có thể anh tưởng đó là sự thật. Anh đâu có biết rằng mấy lần anh đến chỗ trọ ăn cơm cùng tôi, ba nhỏ bạn thân đã phải lăn vào giúp cả buổi chiều để cho ra một thực đơn với mấy món ăn đơn giản nhưng trình bày khéo léo và nêm nếm thật ngon. Rồi anh vừa thích thú thưởng thức những món do... bạn của vợ tương lai nấu vừa nhìn vợ tương lai (vẫn còn đeo chiếc tạp dề trước ngực như thể đảm đang lắm) với ánh mắt yêu thương.
Tôi đã âm mưu chinh phục anh theo một cách cũ mèm nhưng ít khi sai là... đánh vào cái dạ dày. Nhưng giờ đây, âm mưu ấy lại quay về hại chính tôi. Lúc này, đối mặt với tôi là con gà đang chờ tôi làm các công đoạn để có mặt ở mâm cúng gia tiên. Tôi thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu, cuối cùng chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng. Mẹ chồng bảo sẽ từ từ hướng dẫn cho tôi biết làm tất cả mọi thứ và đảm bảo đến Tết sang năm, tôi có thể tự tay làm thành thục những việc chuẩn bị cho ngày Tết.
Mặc dù không vui sướng trước viễn cảnh tương lai đảm đang này chút nào nhưng tôi cũng tự nhủ rằng một thách thức nữa đã qua đi và hóa ra, mẹ chồng tôi cũng thật... bao dung đó chứ, không trách mắng tôi nửa lời.
Rồi sau mấy ngày lu bù với việc cùng mẹ chồng chuẩn bị cho ba ngày Tết, vợ chồng tôi tiếp tục cuộc sống không có thời gian riêng tư đến hết Tết vì suốt ngày bận rộn với lịch tiếp đón, rồi đi thăm viếng bà con trong dòng họ nhà anh. Cũng may là đến thăm họ hàng thì tôi là khách rồi, đỡ phải xắn tay áo vào bếp nội trợ.
Hết Tết, khi thở phào, tôi rút ra kinh nghiệm là không nên cưới vào dịp trước Tết, thay vào đó hãy đợi qua Tết hãy về làm dâu. Nhưng chắc kinh nghiệm này rất ít ai dám xài, bởi có cô gái nào muốn mình lỡ chuyến đò cuộc đời chỉ vì không biết làm gà, không biết ăn nói ý tứ, không biết... đủ thứ như tôi.
Theo Gia Đình Trẻ