Sáng 19/12, học sinh khối 12 trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, làm bài kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn. Đề thi nhắc đến thành tích vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam.
Cụ thể, câu 1 trong phần làm văn yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ bày tỏ suy nghĩ về sự cống hiến của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, những cầu thủ yêu quê hương, đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, khao khát khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân...
Hình ảnh các cầu thủ thi đấu hết mình để vô địch AFF Cup 2018 vào đề Ngữ văn. |
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh - Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM - người ra đề, cho biết sau đêm chung kết AFF Cup 2018 tại Mỹ Đình, cô quyết định sửa đề đã soạn trước đó, đưa hình ảnh cầu thủ vào đề kiểm tra.
"Học sinh lớp 12 đang được học về tình yêu, tinh thần trách nhiệm của người trẻ đối với đất nước, nên không gì phù hợp hơn để truyền cảm hứng cho các em bằng hình ảnh các cầu thủ tuyển Việt Nam đã cống hiến hết mình vì tình yêu quê hương, dân tộc. Quan trọng hơn, tôi muốn hướng các em suy nghĩ về sự khổ luyện của các cầu thủ, tương tự trong cuộc sống cũng phải tôi luyện, cố gắng không ngừng", cô Oanh chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, có lẽ vì đề thi nắm bắt được tâm lý và cảm xúc của học sinh nên sau khi chấm thử một số bài thi, cô thấy đa số học sinh đều viết cảm xúc.
Trước đó, hình ảnh cầu thủ Phan Văn Đức và Phạm Đức Huy ăn mừng sau pha làm bàn vào lưới Malaysia, nâng tỷ số lên 2-0 cho Việt Nam trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 diễn ra tại Malaysia ngày 11/12 cũng xuất hiện trong đề kiểm tra học kỳ I môn Lịch sử của khối 12, trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).
Câu 2 trong phần tự luận của đề nêu hình ảnh Đức Huy ăn mừng bàn thắng trong trận chung kết lượt đi đăng trên Zing.vn, hỏi việc gia nhập ASEAN sẽ mang lại cho các cổ động viên bóng đá các nước những thuận lợi và thách thức gì?
"Tôi muốn đề thi nói riêng và môn Lịch sử nói chung phải mang hơi thở của cuộc sống hiện tại. Trận chung kết AFF Cup 2018 rõ ràng là sự kiện cả nước chú ý, không dùng nó để mang lại sự hứng thú cho học trò khi làm bài thi thì thật phí. Tuy nhiên, điều quan trọng là lồng ghép sự kiện đó với kiến thức đã học phải thật khéo léo, nếu không sẽ làm cho đề thi rỗng và chỉ là chạy theo trend", thầy Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng Tổ Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn - người soạn đề thi - nói.