Chị Đỗ Ngọc Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) gửi câu hỏi cho Zing: "Do tính chất công việc, tôi thường phải đi làm về muộn. Tôi muốn trang bị bình xịt hơi cay để phòng vệ cho bản thân khi tình huống xấu xảy ra. Cho hỏi liệu như vậy có đúng với quy định pháp luật hay không? Và nếu muốn phòng vệ, luật sư có thể cho tôi xin ví dụ về những vật dụng tôi được phép mang theo người hay không?”
Trả lời câu hỏi của chị Hà, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư Kết nối) cho biết phương tiện xịt hơi cay thuộc nhóm công cụ hỗ trợ được sử dụng để thi hành công vụ và chỉ có những đối tượng nhất định theo quy định của pháp luật được phép sử dụng loại công cụ này.
Căn cứ quy định tại điểm a, b, khoản 11, điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, hơi cay hay phương tiện xịt hơi cay thuộc nhóm công cụ hỗ trợ và được sử dụng để "thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp".
Bên cạnh đó, điều 55 của luật này cũng quy định các nhóm đối tượng được phép sử dụng các loại công cụ hỗ trợ này. Đó là những nhóm đối tượng mang tính đặc thù như quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ hay cảnh sát biển.
Pháp luật Việt Nam cấm người dân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Ảnh: G.H. |
Do đó, nếu chị Hà không thuộc nhóm đối tượng quy định tại điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và không thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 11, điều 3 của luật này thì việc sử dụng hơi cay để phòng vụ là trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, điều 5, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, hành vi sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc nhóm hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Như vậy, cá nhân được phép sở hữu vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, đao, mã tấu, côn, quả đấm... nhưng chỉ được phép sử dụng với mục đích làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Do đó, việc sử dụng vũ khí, dù là bất cứ loại vũ khí nào để tự vệ đều trái với quy định của pháp luật.