Nằm trên giường bệnh, dù vẫn còn mệt, bệnh nhân 19 có thể trả lời rành rọt từng câu hỏi của phóng viên. Với một người từng ngừng tim, đây là một sự hồi sinh kỳ diệu.
0h45 ngày 8/4, bà Lê Tuyết Hằng (64 tuổi, bệnh nhân Covid-19) bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn rồi cứ thế rơi vào mê man, bất tỉnh. Trước đó, bà vẫn tỉnh táo, xem tivi trong phòng bệnh. Giờ đây, những thời khắc khó khăn đã qua, bà đang háo hức chờ ngày được công bố khỏi bệnh và trở về nhà.
Bà Lê Tuyết Hằng là bệnh nhân thứ 19, bác của bệnh nhân 17. Người phụ nữ này là một trong 2 trường hợp lây nhiễm trực tiếp từ bệnh nhân số 17 - ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội.
Thời điểm đó, tình hình dịch bắt đầu căng thẳng. Là người nội trợ, ấn tượng của bà Hằng với dịch bệnh rất đáng sợ. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi không nghĩ mình lại trở thành bệnh nhân, thậm chí rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh.
“Lúc tỉnh dậy, tôi chỉ thấy xung quanh toàn máy móc, chẳng biết mình làm sao. Tôi chưa hiểu và cũng chưa nói được. Mãi sau khi hỏi thăm các y tá, tôi mới biết về tình hình sức khỏe của mình. Chỉ biết cảm ơn các y bác sĩ đã chăm sóc kỹ càng cho tôi”, bà kể về thời điểm tỉnh lại sau lần ngừng tuần hoàn.
Hiện tại, nữ bệnh nhân có thể ăn cơm trở lại, biết đói và ngon miệng. Ngày 11/5, bà đã bước xuống giường đi những bước đi đầu tiên. Tóc bắt đầu mọc lại sau thời gian phải cạo trọc.
Trên giường bệnh, nữ bệnh nhân tỉnh táo, có thể tiếp xúc, nói chuyện với phóng viên. "Điều mà tôi thấy cảm động nhất là các y bác sĩ ân cần chăm sóc, mặc bỉm giúp tôi. Mong ước của tôi là được về nhà, lúc nào khỏe mạnh, tôi sẽ đến viện cảm ơn mọi người đã giúp đỡ mình. Nhờ sự cố gắng của mọi người mà tôi được sống tiếp. Tôi phải cố gắng để nhanh khỏe", bệnh nhân 19 chia sẻ.
Trên giường bệnh, bà đang đếm từng ngày để được xuất viện. Bà ra Hà Nội từ 28 Tết, chồng, con và 2 cháu nội đang đợi bà về nhà ở quận 9, TP.HCM.
Đối với bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hành trình điều trị và hồi phục của bệnh nhân 19 là điều anh và các đồng nghiệp không thể quên.
Bệnh nhân được chuyển vào viện ngày 7/3. 9 ngày sau khi nhập viện, nữ bệnh nhân bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa. Sau đó, bà nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, khó thở, sốt cao, diễn tiến bệnh nghiêm trọng. Ngay lập tức, các bác sĩ phải cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16/3.
Tình thế mỗi lúc một nguy cấp, bệnh diễn biến xấu hơn, bà Hằng bị suy thận và phải lọc máu. Đến 18/3, tình trạng bệnh nhân chuyển biến nặng, hô hấp rất khó khăn, tổn thương phổi lớn.
Thời điểm đó, các bác sĩ nhận định ECMO là cách duy nhất có thể giữ mạng sống cho bệnh nhân. Chỉ cần chậm trễ, bệnh nhân có thể ra đi mãi mãi.
“Chúng tôi huy động tới 4 bác sĩ vào trong thay vì chỉ một như trước, chưa kể điều dưỡng. Tình thế lúc đó rất khẩn trương, diễn biến nhanh. Chúng tôi sợ không kịp để làm nên run và căng thẳng dù kỹ thuật này là thường quy ở viện”, bác sĩ Khiêm kể.
May mắn, ê-kíp chỉ mất 30 phút để thiết lập được hệ thống ECMO cho bệnh nhân 19. Trong khi, thông thường, các bác sĩ phải mất hơn một tiếng chuẩn bị. Đúng như dự đoán, sau khi can thiệp ECMO, chỉ số sinh tồn nữ bệnh nhân ổn định hơn rõ rệt.
Bác sĩ Khiêm cho biết ECMO là kỹ thuật hồi sức đặc biệt, sử dụng máy để lấy máu người bệnh ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp oxy và thải carbonic, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim người bệnh. Đây là hệ thống hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể phức tạp. Nhờ phổi nhân tạo, phổi bệnh nhân được nghỉ ngơi nên giảm tràn khí và có tiến triển tốt lên.
Đến ngày 4/4, bệnh nhân đã tự thở, cai ECMO, tình trạng tốt dần lên. Các bác sĩ vui mừng vì đã đi được 70% chặng đường. Thế nhưng, một diễn biến bất ngờ lại xảy đến.
"Không biết từ lúc nào, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm tấn công vào tim và gây nên những tổn thương cơ tim nguy hiểm cho bệnh nhân 19 mà không ai có thể lường trước được. 0h45 đêm 8/4, bà Hằng bỗng xuất hiện rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn rồi cứ thế rơi vào mê man, bất tỉnh dù trước đó ít giây, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, xem tivi", bác sĩ Khiêm kể.
Rất may, tình trạng bệnh nhân chưa quá tải nên bệnh viện có đủ nguồn lực để theo dõi sát sao. Nhờ đó, tình huống ngừng tim của bà Hằng ngay lập tức được phát hiện. Theo bác sĩ Khiêm, bệnh nhân ngưng tuần hoàn nếu phát hiện muộn, kể cả được cứu sống được bệnh nhân cũng không nhiều ý nghĩa. Khi đó, họ sẽ mang nhiều di chứng ở não.
Bác sĩ Khiêm nhớ lại: "Lúc đó, tôi vừa kết thúc ca 12 tiếng. Đang nghiên cứu tài liệu, bỗng tôi nghe tiếng gọi thất thanh của đồng nghiệp trong đêm khuya". Ngay sau đó, gần như toàn bộ nhân lực của khoa Hồi sức tích cực đã được huy động để hỗ trợ ca cấp cứu tối khẩn.
“Bệnh nhân 19 chỉ ngừng tuần hoàn một lần nhưng kéo dài 40 phút. Cấp cứu ngưng tuần hoàn trong vòng hơn 40 phút như vậy thực sự rất khủng khiếp. Để thực hiện ép tim, bác sĩ dù khoẻ mấy thì tay cũng rã rời. Nếu lỏng tay, không đúng kỹ thuật thì không ý nghĩa, còn ép chuẩn theo kỹ thuật rất mệt. Trong một phút, chúng tôi phải ép cỡ chừng 120 lần. Kíp ép tim hôm đó 8 người thay nhau. Khi trở ra, ai nấy đều bơ phờ”, bác sĩ Khiêm kể lại.
Trong suốt 40 phút này, các bác sĩ từng nhận định "nguy cơ phải buông tay và xác định tâm lý cho người nhà". Bất ngờ, vào những phút cuối, tim nữ bệnh nhân đập trở lại sau nỗ lực "còn nước còn tát" của kíp cấp cứu.
Sau khi ngừng tuần hoàn, tổn thương tim của bệnh nhân nặng hơn, nhiễm trùng tăng lên, suy thận. Các bác sĩ phải tiến hành lọc máu, đề xuất can thiệp lại ECMO...
"Những ngày sau đó căng thẳng lắm. Chúng tôi lại tăng cường khẩn trương hơn, lo lắng hơn cả những ngày đầu chạy ECMO cho bệnh nhân. Vậy là lại làm lại từ đầu, bởi lúc này bệnh nhân nặng hơn”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.
May mắn, dù ngừng tuần hoàn, bệnh nhân 19 ổn định dần và không có di chứng. “Bệnh nhân ổn định và dự kiến sắp được ra viện là điều không có gì tuyệt vời hơn. Đến bây giờ chúng tôi mới dám vui chút, tạm yên tâm khoảng 98%”, bác sĩ Khiêm nói.
Đối mặt với đại dịch lớn nhất từ trước đến nay, bác sĩ Khiêm thừa nhận bản thân và đồng nghiệp chịu nhiều áp lực. Bởi đây là loại virus hoàn toàn mới, còn nhiều điều bí ẩn, sự bất tiện của quần áo bảo hộ hay diễn biến bất thường của bệnh nhân.
Song, các bác sĩ thừa nhận áp lực lớn hơn cả là sự kỳ vọng. “Bình thường hàng ngày chúng tôi vẫn nỗ lực điều trị cho bệnh nhân mà không phân biệt điều gì, chỉ biết làm tốt nhất những gì có thể. Nhưng với bệnh nhân Covid-19, có nhiều kỳ vọng vô tình tạo áp lực lớn hơn nhiều”, anh nói.
Hai đồng nghiệp bị nhiễm SARS-CoV-2 càng khiến bác sĩ Khiêm và y bác sĩ tại viện lo lắng hơn. Họ phải nghiêm túc rà soát lại các bước để tránh nguy cơ tương tự nhưng không vì thế mà lơ là với các bệnh nhân của mình.
“Hàng ngày, chúng tôi vẫn cập nhật thông tin các ca Covid-19 trong cộng đồng. Ngày đầu tiên không có ca chúng tôi rất vui, cứ thế đến hôm nay là hơn một tháng. Dịch bệnh được nhận định là đang khống chế tốt, chúng tôi mừng lắm. Áp lực anh em giảm bớt đi, mong sao được giảm tải để trở về nhà. Nhưng vui nhất là cộng đồng an toàn. Dù vậy, với nhiệm vụ là đơn vị điều trị bệnh nhân dương tính, chúng tôi xác định được nghỉ ngơi lúc nào hay lúc đó. Bất kể khi nào nhận lệnh, chúng tôi lại vào vị trí”, bác sĩ Khiêm nói.
Bản thân anh cũng mới được trở về nhà sau 2 tháng căng thẳng liên tục giành giật sự sống cho các bệnh nhân ở viện.