1. Lễ diễu hành tiễn học sinh đi thi: Hàng năm, trước kỳ thi tuyển sinh đại học (Gaokao), phụ huynh sẽ tổ chức lễ tiễn học sinh lên đường đi thi. Thông thường, giáo viên dẫn đoàn và người lái xe mang họ Mã hoặc tuổi ngựa, tương ứng với lời chúc "mã đáo thành công". Xe buýt chở học sinh đến trường thi cũng kết thúc bằng số 8, con số may mắn trong quan niệm của người Trung Quốc. Ngoài ra, trước ngày thi, hiệu trưởng nhà trường sẽ đưa giáo viên đến các đền, chùa để thắp hương, cầu nguyện cho học sinh đạt kết quả cao. Ảnh: Insider. |
2. Phần lớn học sinh từng trượt đại học: Theo một báo cáo năm 2015, Mao Thản Xưởng có khoảng 24.000 học sinh, 2/3 trong số đó đều từng thi trượt đại học. Một số khác không hài lòng với trình độ hiện tại, quyết định ôn thi lại để cải thiện kết quả thi. Nhiều học sinh đến từ Vân Nam, Tứ Xuyên và nhiều địa phương xa, họ sẵn sàng làm lại từ đầu, sẵn sàng bị "tra tấn" trong công xưởng thi đại học để đạt được kết quả như ý muốn. Theo Insider, mỗi lớp có khoảng 140-160 học sinh, giáo viên phải dùng loa phóng thanh để giảng bài. "Bảy năm sau khi tốt nghiệp, tôi vẫn ám ảnh về những lớp học đó, giáo viên la hét, đốc thúc học sinh, chúng tôi ngồi học trong những ngày hè nắng nóng, ướt đẫm mồ hôi", một người kể lại. Ảnh: Sixth Tone. |
3. Xếp hạng liên tục: Để chuẩn bị cho kỳ thi Gaokao, học sinh sẽ phải làm bài thi hàng tháng. Mỗi lớp lập một danh sách để đánh giá xếp hạng mỗi tháng của học sinh. Không chỉ nêu xếp hạng, học sinh sẽ biết được bản thân tụt hạng hay tăng hạng so với tháng trước. Ví dụ: "Wang Xiaohong, cộng 10", nghĩa là Wang Xiaohong vừa tăng 10 hạng so với tháng trước. Ảnh: The New York Times. |
4. Học sinh chỉ có 15 phút để ăn cơm: Khi lên lớp 12, học sinh ở Mao Thản Xưởng gần như "chạy đua" với thời gian, tận dụng từng phút để học bài. Thông thường, một ngày học bắt đầu từ 6h10 và kết thúc vào 22h50, các em chỉ dành 10-15 phút để ăn uống và 1 tiếng nghỉ giải lao. Thậm chí, giáo viên lên lịch tắm rửa, vệ sinh cho cả lớp để tránh lãng phí thời gian học, theo Insider. Mỗi cuối tuần, các em chỉ có 90 phút nghỉ ngơi. The New York Times từng miêu tả khung cảnh trong giờ nghỉ trưa tại Mao Thản Xưởng: "Hàng nghìn thiếu niên ùa ra khỏi cổng trường Trung học Mao Thản Xưởng. Nhiều em mặc chiếc áo gió màu trắng in khẩu hiệu tiếng Anh: “I believe it, I can do it”, trang này viết. Ảnh: The New York Times. |
5. Nghiêm khắc, kỷ luật như môi trường quân đội: Trước khi vào trường, học sinh phải lên tinh thần vì nơi này không có các hoạt động vui chơi, giải trí, học sinh không được phép yêu đương. Một ngày trôi qua chỉ xoay quanh 3 việc là học tập, ăn uống, nghỉ ngơi. Khuôn viên trường và các khu vực lân cận trong thị trấn Mao Thản Xưởng đều có camera an ninh để theo dõi hoạt động của học sinh. Nếu đi học muộn, vi phạm nội quy, các em có thể bị phạt. Giáo viên trường có nhiều cách xử phạt khác nhau, một số trách mắng, dùng đòn roi, một số khác lại phạt học sinh theo cách hài hước để cổ vũ tinh thần học tập. Ảnh: Reuters. |
6. Những "cuộc chiến" của giáo viên: Bên cạnh cuộc chiến vượt vũ môn của học sinh, Mao Thản Xưởng còn là nơi tạo ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt cho giáo viên. Cái giá phải trả cho mức lương cao gấp 3 lần bình thường là những cuộc xếp hạng không ngừng nghỉ. Giáo viên sẽ được xếp hạng dựa trên điểm tích lũy hàng tuần của học sinh. Nếu xếp cuối bảng, giáo viên đó có thể bị sa thải. Giáo viên chủ nhiệm phải làm việc hơn 17 giờ mỗi ngày để giám sát tình hình học tập của học sinh. Nếu học sinh đỗ thủ khoa, giáo viên chủ nhiệm và 5 giáo viên bộ môn sẽ được thưởng 500 USD. Ảnh: The New York Times. |
7. Cha mẹ chuyển đến ở cùng con cái: Mao Thản Xưởng là nơi tập trung học sinh đến từ nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều cha mẹ nghỉ việc, thuê trọ gần trường để tiện chăm sóc con. Quận Mao Thản Xưởng có hơn 8.000 "hộ gia đình Gaokao", gần gấp đôi cư dân địa phương. Các gia đình chi 2.000-3.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 460 USD) để thuê nhà trọ. Sau khi kỳ thi đại học kết thúc, Mao Thản Xưởng trở nên yên tĩnh, vắng vẻ như một thị trấn bỏ hoang. Ảnh: Reuters. |