Tại Met Gala 2022, Kim Kardashian chia sẻ chi tiết về chế độ siết cân khắc nghiệt, 7 kg trong vòng 3 tuần, để cô có thể mặc chiếc váy biểu tượng của Marilyn Monroe. Phản ứng của khán giả không được như cô mong đợi, theo Washington Post.
Ngôi sao truyền hình thực tế bị chỉ trích trên mạng xã hội không những vì công khai chế độ ăn kiêng có hại cho sức khỏe, mà còn bởi ủng hộ những phương pháp giảm béo không lành mạnh trước đây, bao gồm quảng cáo cho sản phẩm “huấn luyện vòng eo” (waist trainer).
Để mặc vừa chiếc váy triệu USD của Marilyn Monroe, Kim thừa nhận phải giảm 7 kg trong vòng 3 tuần. Ảnh: Glamour. |
Đai nịt bụng là một loại áo lót tạo dáng đồng hồ cát cho người dùng bằng cách ép chặt phần eo.
Sản phẩm này trở nên nổi tiếng trong suốt những năm 2010 nhờ vô vàn lời khen ngợi từ những ngôi sao và người nổi tiếng, bao gồm gia đình Kardashian, dù bị các chuyên gia sức khỏe chỉ trích.
“Về cơ bản, chúng là corset. Tôi thấy lấy làm tiếc khi thấy chúng ta đang quay ngược về thời những năm 1800”, Stephanie Faubion, giám đốc mảng Sức khỏe Phụ nữ tại trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Mayo Clinic ở Jacksonville (bang Florida, Mỹ), nói.
Nhiều rủi ro hơn lợi ích
Những người ủng hộ đai nịt bụng trên mạng xã hội khẳng định rằng khi mặc sản phẩm này thường xuyên trong vòng vài tháng, nó sẽ siết eo của người dùng thành hình đồng hồ cát, đồng thời thúc đẩy giảm cân vì khiến họ ăn ít hơn. Một số người thậm chí khuyến khích đeo trong lúc ngủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết những “lợi ích” trên đều phóng đại.
Bà Faubion, người đồng thời là giám đốc y tế của Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ, nói rằng bản chất cái tên “huấn luyện vòng eo” (waist trainer) đã sai.
“Nó không có tác dụng huấn luyện gì cho vòng eo. Nó sẽ không giúp bạn thay đổi vóc dáng. Đây là vòng eo, chứ không phải con vật để ‘huấn luyện’”, bà khẳng định.
Đai siết eo chỉ mang tác dụng tạm thời, không giúp người dùng giảm cân hay thay đổi vóc dáng mãi mãi. Ảnh: What Waist. |
Theo Daisy Ayim, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và sản phụ khoa ở Houston (bang Texas, Mỹ), đeo đai nịt bụng vài tiếng/đêm có thể chấp nhận được.
“Nó giúp bạn có thân hình đồng hồ cát tạm thời nếu bạn muốn diện bộ trang phục thật đẹp vào hôm sau”, bà nói.
Một số người có thể giảm cân sau khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết số kg giảm được đều là do mất nước.
Cụ thể, đai nịt bụng thường chặt khiến người dùng thở khó hơn. Do đó, họ có khả năng đổ nhiều mồ hôi hơn, dẫn đến mất nước chứ không làm tiêu tan mỡ bụng. Giảm cân bằng cách này cũng dễ tăng trở lại, theo bà Ayim.
Ngoài ra, đai nịt bụng không có khả năng kìm hãm cơn thèm ăn của người dùng.
Trong một bài viết được xuất bản trên Tạp chí Scandinavian về Chăm sóc Sức khỏe Cơ bản, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu việc mặc áo lót định hình vòng eo có giúp người dùng duy trì giảm cân theo phương pháp hạn chế lượng calo hấp thụ không.
Tuy nhiên, các tác giả không thu được bất kỳ kết luận nào vì chiếc đai nịt bụng quá khó chịu, khiến những tình nguyện viên tham gia không thể duy trì mặc chúng.
Đai nịt bụng ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe. Ảnh: Fuze. |
Dù chưa có nhiều nghiên cứu, các chuyên gia đồng ý rằng thường xuyên mặc áo lót định hình vòng eo tạo ra nhiều rủi ro.
“Mặc chúng không tốt lành gì”, Jennifer Wider, một bác sĩ chuyên về sức khỏe phụ nữ tại New York (Mỹ), cho biết.
Một số rủi ro tiềm ẩn có thể kể đến như hạn chế nhịp thở, ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan nội tạng, gây ra các vấn đề tiêu hóa và làm suy yếu hệ thống cơ xương của người sử dụng.
Bác sĩ Faubion nói rằng giảm mỡ bụng là một mục tiêu xứng đáng bởi lượng mỡ thừa có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
“Tuy nhiên, đai nịt bụng sẽ không giúp thay đổi điều đó”, bà nói.
Lời khuyên của bác sĩ là ưu tiên chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt cắt giảm lượng carbohydrate đơn giản có trong đồ uống có đường và đồ nướng, đồng thời tập thể dục thường xuyên.
“Chỉ nên coi áo lót định hình vòng eo như biện pháp khắc phục tạm thời. Nó không giúp bạn giảm cân, không đem lại kết quả gì mãi mãi và vô nghĩa”, bà khẳng định.