Trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, tờ Vogue thu thập những xu hướng đã chìm vào quên lãng dần được ưa chuộng trở lại. Trong đó có phong cách ăn mặc theo văn hóa đại chúng vào những năm 2000 - Y2K.
Thời đại của áo nịt ngực ren, trang sức ngọc trai, những chiếc áo crop top nhỏ xíu hay quần denim dần thịnh hành. Bên cạnh đó, các món trang sức bằng nhựa như nhẫn, vòng tay, vòng cổ in hình mặt cười, bông hoa với kết cấu bóng hoặc mờ đục đang được những người có tầm ảnh hưởng về thời trang như Bella Hadid và Dua Lipa lăng xê.
Hai ngôi sao có tầm ảnh hưởng đang tích cực lăng xê mẫu phụ kiện này. Ảnh: Bella Hadid, Dua Lipa. |
Sự hồi sinh
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất thủ công và lựa chọn nguyên liệu bền vững. Nhựa là chất rắn, thường được sử dụng trong trang trí hoặc thủ công để tạo ra vật liệu dẻo. Trong khi một số loại nhựa không thân thiện với môi trường hoặc không thể phân hủy sinh học, những loại khác có thể tái chế dễ dàng.
Hiện nay, trang sức làm từ nhựa được các thương hiệu lựa chọn vật liệu có thể tái chế hoặc đánh sơn vecni thân thiện với môi trường. Theo Vogue, khi những món phụ kiện được chăm sóc cẩn thận, chúng có thể tồn tại suốt đời.
Các món đồ trang sức làm từ nhựa có nhiều kiểu dáng, phù hợp cho mọi phong cách. Ảnh: CJ Artistry, Touchy Style. |
Biến nhựa thành sản phẩm mới
Sử dụng nhựa tái chế có nhiều thách thức cho thương hiệu. Người đồng sáng lập Roth Martin nói: "Không phải loại nhựa nào cũng phù hợp để sản xuất trang sức. Do đó, công nghệ cải tiến để đảm bảo nhựa tái chế có nguồn gốc rõ ràng".
Khí thải carbon liên quan đến quá trình tái chế là yếu tố môi trường khác cần xem xét. Người sáng lập Cyrill Gutsch nói với Vogue: "Không một ai muốn tạo ra nhiều khí thải hơn nhưng nhựa bị thải ra bãi rác rất có hại cho môi trường". Vì vậy, các nhà suất đang đề cao quá trình tái chế để tạo nên những sản phẩm bền vững.
Tái chế nhựa
Mối quan tâm lớn đối với việc sử dụng nhựa tái chế để tạo ra các sản phẩm mới là những gì sẽ xảy ra khi sử dụng nó trong thời gian dài.
Thực tế, chỉ có 9% lượng nhựa từng sản xuất được sử dụng để tái chế, theo nghiên cứu năm 2017. Giám đốc sáng tạo của Mother of Pearl, Amy Powney - người hoài nghi về xu hướng sử dụng polyester tái chế trong thời trang đang gia tăng - cho biết: "Nếu chúng ta không có cơ sở hạ tầng để tái chế nó theo đúng cách, nhựa nguyên chất hay tái chế cũng sẽ bị chôn vùi trong bãi rác".
Thị trường thời trang bền vững đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Cosmopolitan. |
Đối với một số thương hiệu, sử dụng polyester tái chế với giá rẻ là cách dễ dàng để nâng cao chứng chỉ xanh của họ vào thời điểm mối quan tâm của người tiêu dùng về tính bền vững đang gia tăng. Amy Powney lo lắng sự phổ biến của polyester tái chế tạo cho các thương hiệu cái cớ để bán được nhiều sản phẩm hơn. "Một số thương hiệu đang sử dụng polyester tái chế và dùng nó như công cụ tiếp thị cho sản phẩm".
Việc sử dụng nhựa tái chế trong toàn ngành không giải quyết được các mối nguy hại từ nhựa ra môi trường. Ngay cả với quần áo làm từ polyester tái chế, vi hạt bị bong ra khi giặt vẫn là vấn đề lớn. Powney nói: "Dù là loại nguyên chất hay tái chế, sản phẩm vẫn có những hạt nhựa nhỏ li ti thoát ra từ máy giặt và thải ra môi trường".