Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự vô lý đằng sau vụ cô gái Anh bị cảnh sát giết hại

Vụ án cô gái bị giết hại ở Anh đang tạo ra làn sóng phẫn nộ khi cảnh sát khuyên phụ nữ ở nhà, cấm tổ chức tưởng niệm thay vì tìm cách giảm tình trạng bạo lực ở nam giới.

Cái chết của Sarah Everard (33 tuổi, Anh) khiến phụ nữ nước này tức giận trước cách xử lý vấn đề bạo lực của cảnh sát. Họ tiến hành sự kiện Reclaim These Streets (tạm dịch: Đòi lại những con đường này) để yêu cầu thay đổi, theo New York Times.

Tối 3/3, Sarah được nhìn thấy lần cuối cùng khi rời khỏi nhà của một người bạn ở phía nam thành phố London. Một phần thi thể được tìm thấy cách nơi cô sống 90 km không lâu sau đó. Hiện, một sĩ quan thuộc Sở cảnh sát London liên quan đến vụ việc đang bị truy tố tội giết người.

Con đường đi bộ về nhà của Sarah có đèn đường chiếu sáng, thuộc khu vực đông dân cư. Trên đường về, cô nhắn tin với bạn trai, thông báo mình đang đi đến đâu.

Phu nu Anh tuc gian sau vu co gai bi canh sat giet hai anh 1

Sarah Everard là trường hợp mới nhất của sự gia tăng các vụ tấn công và quấy rối nhằm vào phụ nữ không chỉ tại Anh mà còn ở nhiều quốc gia khác. Ảnh: BBC.

Nhưng những điều đó vẫn không giúp người phụ nữ quay về nhà an toàn.

Vì vậy, khi cảnh sát ở khu vực phía nam London - nơi Sarah sinh sống - gõ cửa từng nhà và khuyến cáo những cô gái, phụ nữ tránh ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn, sự thất vọng và phẫn nộ đồng loạt nổi lên.

Phụ nữ cần hy sinh

Sau vụ việc của Sarah, một nhóm phụ nữ đã tập hợp, tổ chức buổi tưởng niệm cho nạn nhân ngoài công viên. Buổi lễ gồm 2 mục đích: thương tiếc cho người phụ nữ xấu số và phản đối việc cảnh sát khuyên nữ giới ở yên trong nhà.

Nhưng cảnh sát London một lần nữa lại yêu cầu phụ nữ ở nhà và đe dọa sẽ phạt tiền nếu không hủy bỏ buổi tưởng niệm.

Cả hai bên xung đột với nhau sau đó. "Này, sĩ quan, bỏ tay ra khỏi em gái tôi", đám đông hô vang khi cảnh sát định giải tán đám đông tập trung tại công viên.

"Hãy bắt giữ chính các người. Cảnh sát mới là đối tượng nên về nhà", hàng trăm người hét lên, ám chỉ viên cảnh sát đang bị buộc tội giết Sarah.

Phu nu Anh tuc gian sau vu co gai bi canh sat giet hai anh 2
Thay vì tìm cách giảm thiểu tình trạng bạo lực ở nam giới, cảnh sát London lại khuyên phụ nữ ở nhà vì sự an toàn của chính họ. Ảnh: NY Times.

Khi hình ảnh các sĩ quan giẫm nát những bông hoa được đem tới và vật những phụ nữ trẻ xuống đất, sự phẫn nộ càng tăng cao.

Mary Morgan, một trong những người tổ chức sự kiện, cảm thấy không thể tin được vào hành động của lực lượng chức năng. "Thông điệp được gửi tới phụ nữ trên khắp đất nước đã rõ ràng. Đó là cảnh sát đang tăng gấp đôi việc hạn chế quyền tự do của phụ nữ thay vì tìm cách giảm thói bạo lực ở nam giới", cô nói.

“Cảnh sát đang cố gắng bịt miệng và uy hiếp khi nói rằng chúng tôi không thể có một buổi tưởng nhớ Sarah Everard”, hàng trăm người đồng thanh lặp lại trước lực lượng cảnh sát.

“Đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát London là thủ phạm của bạo lực cá nhân lên phụ nữ", Nosisa Majuqwana (26 tuổi), nhà sản xuất quảng cáo sống ở phía đông London, nói.

"Vài năm trước, một kẻ đã nắm tay, dùng chai thủy tinh đập vào mặt tôi khi tôi từ chối lời đề nghị của anh ta. Nhưng khi cảnh sát đến, họ nói rằng không thể làm gì trừ khi tôi cũng muốn bị bắt, vì tôi thừa nhận đã đánh lại kẻ tấn công để tự vệ", cô kể lại.

Sisters Uncut, nhóm nữ quyền khuyến khích phụ nữ đến công viên ngay cả sau khi sự kiện Reclaim These Streets chính thức bị hủy bỏ, thông báo tổ chức một cuộc biểu tình khác vào cuối tuần này ở bên ngoài trụ sở Cảnh sát London.

Phu nu Anh tuc gian sau vu co gai bi canh sat giet hai anh 3

Phụ nữ tụ tập bên ngoài công viên ở London để tưởng niệm cho nạn nhân xấu số. Ảnh: NY Times.

Nam giới không bị ảnh hưởng

"Trở thành một người phụ nữ tức là luôn trong tình trạng mặc cả với chính mình và xã hội", tác giả Nesrine Malik từng viết trong cuốn sách của mình.

"Đó là để có được sự an toàn cho bản thân trước bạo lực của nam giới, phụ nữ phải đưa ra những lựa chọn 'đúng đắn', thể hiện ở món đồ họ mặc, nơi họ đến, đi về một mình hay đi với người đàn ông khác. Nếu không làm vậy, sẽ là lỗi của cô ấy khi chuyện xấu xảy ra", Malik viết.

"Tôi từng thấy may mắn khi mặc đồ tập, đi giày thể thao khi dễ chạy trốn khỏi kẻ lạ mặt cố tiếp cận tôi trên con đường vắng vẻ. Tôi tự nhủ mình đã đúng khi không đi giày cao gót", Majuqwana kể lại.

"Phụ nữ mặc gì, làm gì không quan trọng. Mọi phụ nữ đều có thể rơi vào nguy hiểm trong tình huống giống như nạn nhân. Tại sao gánh nặng về sự an toàn lại đổ lên vai phụ nữ, trong khi đàn ông là người gây ra hầu hết vụ bạo lực", Anna Birley, nhà nghiên cứu chính sách kiêm người tổ chức sự kiện Reclaim These Streets, đặt câu hỏi.

Phu nu Anh tuc gian sau vu co gai bi canh sat giet hai anh 4

Cảnh sát giam giữ một phụ nữ tham gia buổi tưởng niệm Sarah Everard. Ảnh: WSJ.

"Có một giả định khi những vụ việc như này xảy ra là cuộc sống của cánh nam giới sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Vì vậy, chính quyền không thể yêu cầu họ cần cảnh giác hay phải hy sinh một chút để tình hình tốt hơn", Kate Manne, giáo sư triết học tại Đại học Cornell (Mỹ), cho biết.

Phong trào #MeToo ở Hollywood cũng phơi bày sự thật rằng nhiều phụ nữ chọn rời bỏ công việc hoặc ngành công nghiệp điện ảnh để tránh những kẻ săn mồi như Harvey Weinstein.

Kết quả là những kẻ lạm dụng càng có cơ hội làm hại những nạn nhân khác trong hàng thập kỷ.

Phụ nữ bị bạo hành thường được khuyên mau rời bỏ kẻ đánh đập mình. Nhưng trên thực tế, họ lại chịu những màn bạo lực nặng tay nhất từ kẻ vũ phu khi cố gắng làm vậy.

Tuy nhiên, sự tức giận của phụ nữ Anh đang bắt đầu làm thay đổi các suy nghĩ về việc ai nên hy sinh vì sự an toàn.

Bà Jennifer Helen Jones, nữ nam tước Jones của xứ Moulsecoomb, đã đề xuất tại Thượng viện Anh vào tuần trước rằng nên có lệnh giới nghiêm vào 18h cho nam giới.

"Tôi cảm thấy điều này sẽ giúp phụ nữ được an toàn hơn rất nhiều, và sự phân biệt đối xử sẽ được giảm bớt", bà Jones, thành viên đảng Xanh của Anh, nói thêm.

Song, khi được hỏi về đề xuất này, Mark Drakeford, Bộ trưởng ở xứ Wales, cho biết trong cuộc phỏng vấn với BBC rằng lệnh giới nghiêm đối với nam giới sẽ không được cân nhắc thực hiện.

Cuộc sống làm bố ba bé trai của John Hùng Trần

“Không thể tin được” là điều John Hùng Trần vẫn nói khi biết tin vợ mang thai ba. Người cha gọi một năm vừa qua là cảm giác tuyệt vời chưa từng có.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm