Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sửa cách khen thưởng để lôi cuốn người giỏi'

Từ tháng 2/2016, khen thưởng trong ngành giáo dục sẽ có điều chỉnh quan trọng theo hướng tạo điều kiện nhiều hơn cho người trực tiếp đứng lớp.

Ông Nguyễn Văn Vui, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ GD&ĐT) cho biết như vậy khi trao đổi về Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục.

Khen thưởng để khuyến khích người tâm huyết

- Xin ông có thể khái quát những điểm mới của Thông tư (TT) 35 về đánh giá thi đua khen thưởng?

- Những điểm được nêu thực ra không mới, chỉ là cụ thể hóa những quan điểm đã được nêu trong luật thi đua khen thưởng, với yêu cầu làm sao thi đua thiết thực, cụ thể, không được hình thức, khen đúng người , đúng việc, kịp thời, chính xác, lôi cuốn được người giỏi, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó….

Thi đua khen thưởng cần khuyến khích đội ngũ nhà giáo, nhất là những người giỏi, có tâm huyết tham gia vào.

Thông tư 35 và Nghị định 27 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú có những điểm tương đồng, tạo điều kiện nhiều hơn cho giáo viên - những người trực tiếp đứng lớp, thay vì chỉ tập trung vào những nhà quản lí như trước đây.

Cụ thể như Khoản 4, Điều 10: “Tỷ lệ Chiến sĩ thi đua cơ sở không quá 15% số cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến của đơn vị, trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên”. Như vậy, việc khen thưởng sẽ xem xét nhiều hơn đến giáo viên những người trực tiếp đứng lớp.

Việc khống chế tỷ lệ 15% và 1/3 không phải cán bộ quản lý cũng là thái độ kiên quyết của Bộ GD&ĐT. Lâu nay khen thưởng đã ít, phần lớn là cán bộ quản lý nên giảm động lực phấn đấu của giáo viên.

Các cô giáo ở Bắc Giang trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Ảnh: 

VietNamNet.

Có cán bộ quản lý nói: “Tôi làm nhiều việc hơn giáo viên” - nhưng thực ra phải thấy đó là chức trách, nhiệm vụ của mình. Nếu nhân viên làm tốt thì phải động viên, khen thưởng. Muốn như vậy, phải thể chế hóa bằng những tiêu chí cụ thể.

Trước đây, khen thưởng thường nặng về báo cáo, thành tích, phong trào, nay sẽ chú trọng khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất.

Việc khen thưởng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý có công trình nghiên cứu khoa học đem lại hiệu quả thực chất, phạm vi ảnh hưởng rộng thì có thể khen vượt cấp, vượt mức, không phải theo trình tự.

Ví dụ, vừa qua có nhà giáo Nguyễn Thị Kim Lan, ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên được phong Anh hùng lao động, bởi ngoài việc gắn bó trọn đời cho nghiên cứu khoa học, bà có nghiên cứu tạo ra loại vắc xin giúp giảm thiểu dịch bệnh trên gia súc, được 6 tỉnh miền Bắc công nhận.

Nhiều cách ghi nhận “sáng kiến kinh nghiệm”

TT35 và Nghị định 27 sẽ một mặt phát huy sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) mang tính thực chất; đồng thời điều chỉnh để phát huy được năng lực, tay nghề của giáo viên.

Cụ thể, về tiêu chuẩn Nhà giáo ưu tú, trước đây, yêu cầu nhà giáo phải đạt tiêu chí 7 lần chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có 3 năm liền kề năm đề nghị xét tặng. Thực tế là giáo viên rất khó đạt.

Trong khi đó, danh hiệu rất cao quý với nhà giáo - người trực tiếp đứng lớp là“giáo viên dạy giỏi” - được xã hội, nhân dân tín nhiệm lại không được nhắc đến.

Chúng tôi đề xuất và lập luận đã thuyết phục được cho công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp cũng tương đương danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Với giáo viên mầm non chẳng hạn (nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa), chỉ cần cải tiến giờ dạy, giáo dục học sinh cá biệt thành học sinh ngoan, việc hôm nay tốt hơn ngày mai là được. Gò vào mấy trang giấy SKKN sẽ buộc họ làm rối.

Giáo viên rèn được học sinh hư thành ngoan, được hội đồng trường công nhận; bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia thì cũng tương đương có SKKN.

Hoặc có bài báo đăng trên tạp chí khoa học, có tính ứng dụng- sao không thể là SKKN?

- Như vậy nghĩa là sẽ bỏ hoàn toàn việc đánh giá danh hiệu với giáo viên thông qua SKKN?

Không phải như vậy! Với danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, ngoài phần cứng, cần có SKKN. Tuy nhiên, cần có phần “mở ngoặc” để phù hợp đặc trưng nghề nghiệp, nhất là nghề dạy học.

Do vậy, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên (với giáo viên mầm non), giáo viên phổ thông, TTGDTX là giáo viên giỏi cấp trường trở lên; bồi dưỡng được học sinh giỏi giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh (với huyện nghèo, khó khăn là cấp huyện) cũng được tính là SKKN. Tức là giáo viên sẽ không bị gò bó bởi SKKN.

Nếu thầy cô đào tạo học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp quốc tế, khu vực thì được coi là SKKN cấp tỉnh bộ. Hoặc thầy cô tham gia biên soạn chương trình SGK phổ thông, kết thúc được hội đồng thẩm định thông qua thì cũng được coi là sáng kiến.

Giáo viên thi tay nghề cấp nào, sáng kiến được công nhận tương đương cấp đó. Đánh giá SKKN sẽ đi vào thực chất, năng lực của nhà giáo.

Một chữ “vàng” của cô giáo trẻ

- Theo ông, giảm bớt thủ tục, căn bệnh hình thức như “nạn” SKKN có tạo sức sáng tạo hơn cho nhà giáo?

- Mọi việc cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng tôi nghĩ quy định gì thì cũng phải hướng tới phát huy sức mạnh nghề, tâm huyết của thầy cô giáo. Cái chúng ta cần là làm sao thầy cô đứng lớp phát huy chuyên môn, đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học, có giờ dạy tốt, biết phối hợp đồng nghiệp, bồi dưỡng được những thế hệ học trò có ích cho đất nước. Đừng chỉ chăm chăm vào SKKN.

Tôi ví dụ tiếp, với SKKN cấp tỉnh, thực sự giáo viên mầm non rất ít khi có sáng kiến lên được cấp này. Mặt khác, sáng kiến rất đa dạng, phong phú, hội đồng đánh giá sáng kiến khó có thể đánh giá, xếp loại đúng, nhất là ở các lĩnh vực chuyên môn hẹp.

Vậy thì rất khó để họ có thể phấn đấu danh hiệu cao quý nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Khâu xét duyệt hồ sơ nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, SKKN, chúng tôi trình Chính phủ cho phép giảm từ 9 cuộc họp hội xuống chỉ còn 5 nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, chính xác.

Có bài học rút ra là khi một hồ sơ của người đăng ký danh hiệu nhà giáo ưu tú đưa ra hội đồng sơ duyệt thì 9/10 người ủng hộ. Đến lúc bỏ phiếu tán thành cũng chính các thành viên hội đồng đó thì 1/10 ủng hộ, trong khi các thành viên dự họp hội đồng lại không phát biểu, nhận xét gì. Điều đó khiến người phấn đấu thấy nản.

Chúng tôi nghiên cứu 1 năm cho TT 35, 18 tháng cho Nghị định 27.Chúng tôi đã có hàng loạt cuộc gặp, đề nghị được nói thẳng, nói thật với giáo viên.

Trong một cuộc thảo luận, có cô giáo mầm non ở Thái Nguyên, đọc dự thảo Nghị định đồng ý hết. Cô chỉ đề nghị chúng tôi sửa một từ trong cụm “nuôi dạy học sinh mầm non” thành “nuôi dạy “trẻ”. Tôi nghĩ cô giáo ấy đã rất tâm huyết và chữ sửa ấy làm tôi nhớ mãi. Chữ ấy bằng “vàng”.

Danh hiệu đa số là người quản lý

Hiện nay, trên 500 nhà giáo nhân dân, hơn 6.000 nhà giáo ưu tú, đa phần ở giáo dục đại học, chủ yếu làm quản lý. Đây là những thầy cô rất xứng đáng.

Tuy nhiên, điều trăn trở là cấp học giáo dục phổ thông rất ít. Ở bậc giáo dục mầm non, chỉ 0,004% đạt danh hiệu nhà giáo nhân dân. Phần lớn trong số ít đó cũng làm quản lý. Với những tiêu chí mới, tôi tin sẽ thay đổi tỷ lệ này.

Nỗi buồn khen thưởng cuối năm học

Người mẹ có con học lớp 5 một trường tiểu học ở quận Bình Tân, TP HCM chia sẻ về cuộc họp phụ huynh cuối năm.


http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/287184/sua-cach-khen-thuong-de-loi-cuon-nguoi-gioi.html

Theo Văn Chung/VietNamNet

Bạn có thể quan tâm