Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19", Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, cho biết 14 nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 2 người là sinh viên y khoa, 2 bác sĩ và 10 điều dưỡng.
Số lượng này chiếm 6% tổng số ca mắc mới trong 12 ngày qua (25/7-5/8). Theo thống kê của Hội Điều dưỡng Thế giới ở 77 nước, tỷ lệ này khoảng 7%.
Tuy nhiên, số lượng cán bộ y tế của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực. Ông Mục dẫn chứng để đạt được tỷ lệ cán bộ điều dưỡng trên 10.000 dân như Thái Lan, Việt Nam cần tăng gấp đôi con số hiện nay. Để bằng Malaysia, nước ta phải tăng gấp 3 và gấp 10 để bằng Nhật Bản.
"Với hơn 200 người mắc Covid-19, Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế. Bộ Y tế và nhiều tỉnh đã chi viện gấp cho Đà Nẵng. Nếu kịch bản có thêm những ca bệnh, Việt Nam sẽ đối mặt với tình huống thiếu hụt nguồn nhân lực y tế", ông Mục khẳng định.
Vì vậy, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh sức khỏe của các bác sĩ, điều dưỡng không phải của riêng họ mà chính là tài sản của hệ thống y tế.
Nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao. Ảnh: Hoàng Giám. |
Về tình hình dịch, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết chúng ta đang bước vào đợt dịch có nhiều thách thức và diễn biến khó lường. Dự báo, số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng.
Đa số bệnh nhân đều có mối liên hệ với Bệnh viện Đà Nẵng. Nguy cơ từ ổ dịch này cao hơn rất nhiều so với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Để phòng dịch, ông Khuê khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của cơ quan y tế.
Các cơ sở y tế cần phân luồng, cách ly bệnh nhân, đặc biệt là xét nghiệm người có triệu chứng ho, sốt, khó thở. Đó là biện pháp quan trọng để ngăn chặn virus lây lan. Những người cao tuổi, có bệnh nền cũng cần được quan tâm đặc biệt. Bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.