Không ai được báo trước khi đại dịch hay biến cố xảy ra, bởi vậy mỗi người cần chuẩn bị sức khoẻ và tinh thần từ sớm để đương đầu với những thử thách trong tương lai.
Ngoài Covid-19, nhiều nguy cơ sức khoẻ vẫn tiềm ẩn như khói bụi trong không khí, thực phẩm bẩn... và có thể tấn công cơ thể bất cứ lúc nào chúng ta lơ là. Vậy nên, không bao giờ là quá trẻ để chúng ta rèn luyện sức đề kháng cho cơ thể.
Nhiều thói quen như hút thuốc lá, xem TV, sử dụng máy tính, ăn uống không đúng giờ, ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ… có thể huỷ hoại sức đề kháng con người nếu lặp lại quá nhiều lần, hoặc duy trì trong thời gian dài. Ví dụ như chơi game không có hại nếu điều độ, nhưng sẽ rất ảnh hưởng tới sức khoẻ nếu bạn chơi quá lâu. Tương tự, việc xem TV, ăn đồ ăn nhanh… cũng sẽ gây ra tác động xấu cho cơ thể khi lạm dụng.
Những thói quen xấu sẽ bào mòn sức khoẻ. Đến một lúc nào đó, hàng rào đề kháng sẽ “thất thủ”, không còn đủ sức bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi khuẩn gây bệnh.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là lời khuyên được chuyên gia sức khoẻ và các kênh truyền thông gửi tới người dân. Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, tập luyện thể thao và sinh hoạt lành mạnh đều được khuyến khích, bởi sức đề kháng mạnh giúp cơ thể chiến thắng rất nhiều loại bệnh tật.
Tập thể dục, uống nhiều nước cam, rửa tay thường xuyên, ngủ sớm dậy sớm… là những cách đơn giản để tăng cường sức đề kháng. Thế nhưng, cũng như những thói quen gây hại, hoạt động lành mạnh cần được duy trì lâu dài và thường xuyên mới có thể nuôi dưỡng sức đề kháng dẻo dai. Một cốc nước cam chưa đủ để bạn có sức khỏe chống lại bệnh tật, một giấc ngủ sâu không thể xóa mọi lo toan hay giảm cơn nhức mỏi vai gáy vì ngồi lâu, và một lần rửa tay sạch sẽ không thể giúp chúng ta tránh được vi khuẩn lâu dài.
Hơn hết, việc vận động hay sống lành mạnh cần được rèn luyện thành thói quen. Lấy ví dụ, khi bạn ngồi 8 tiếng đồng hồ tại công ty, các cơ khớp sẽ không được hoạt động, lâu dần dẫn đến thoái hoá. Chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu những hiểm hoạ này chỉ bằng cách đứng lên, ngồi xuống, leo cầu thang, hay chăm đi lại để cơ thể được thường xuyên “co giãn”.
Bên cạnh tập luyện thường xuyên, chúng ta phải khắt khe hơn với bản thân để cải thiện sức đề kháng. Nếu ban đầu bạn đặt mục tiêu chạy bộ 3 lần một tuần, sau đó cần tăng lên 4-5 lần. Nếu bạn thường dành đến 5 tiếng mỗi ngày chỉ để xem điện thoại thì cần giảm dần xuống tới khi chỉ còn một tiếng.
Tuy vậy, có một thực tế là bạn rất dễ bị xao nhãng hoặc nản lòng trước nhiều hoạt động hấp dẫn khác như lời hẹn của bạn bè hay bộ phim vừa ra rạp… Mỗi khi chuẩn bị bỏ cuộc, bạn hãy nhớ lại những lần đau ốm, mệt mỏi trước đó làm động lực. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ khích lệ bản thân như chuẩn bị list nhạc yêu thích giúp việc tập luyện bớt nhàm chán, thay đổi thực đơn ăn uống liên tục để chuyện kiểm soát dinh dưỡng không còn là cực hình.
Những vận động viên bơi lội sở hữu lá phổi dẻo dai, sải tay chắc chắn và thân hình thoăn thoắt lướt đi trong nước nhờ trải qua hàng trăm khóa huấn luyện khắc nghiệt. Trước khi thực hiện nhiệm vụ ngoài vũ trụ, Neil Armstrong đã bay thử suốt 4 năm và được đào tạo kỹ càng. Hay ví dụ gần gũi hơn là nữ vận động viên đã giảm được 1,5-3,5 kg nhờ một tháng luyện tập nghiêm ngặt trong chương trình 30 ngày thử thách - I got this. Bạn không cần là vận động viên chuyên nghiệp, nhà du hành vũ trụ hay người phải giảm cân cấp tốc… vẫn có thể duy trì việc tập luyện nghiêm túc, đơn giản và mang lại kết quả tương xứng với mồ hôi, công sức đã bỏ ra.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, tập luyện tại nhà với sự hướng dẫn từ các kênh online được xem là lựa chọn hợp lý và an toàn.
Một số bài tập có thể thực hiện ở mọi nơi mọi lúc là leo cầu thang, co duỗi chân tay, nhảy dây, luyện cơ bắp và giữ thăng bằng… Ngoài ra, những bài tập cần vận dụng kỹ thuật nhiều hơn như hít đất, đu xà, gập bụng… đều có hướng dẫn cụ thể trên Internet, việc bạn cần làm chỉ là chịu khó tìm tòi và lựa chọn bài tập phù hợp với bản thân.
Tập thể dục, thể thao giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, nâng cao thể lực, từ đó phòng được nhiều bệnh. Người không thường xuyên vận động, chơi thể thao dễ bị mệt mỏi, sức đề kháng yếu, khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập thì khả năng chống chọi cũng kém hơn.
Ngoài ra, dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng để tăng sức đề kháng, đặc biệt khi bạn tập luyện thể thao, cơ thể sẽ cần bổ sung nhiều dưỡng chất khác nhau. Chúng ta cần cung cấp đủ 4 nhóm chất cơ bản, đặc biệt là chất đạm - giúp tạo kháng thể, chất dẫn truyền thần kinh, chất kháng viêm... Ngoài ra, chất béo vừa cung cấp năng lượng vừa có vai trò trong hoạt động của hệ miễn dịch, nhất là chất béo không no trong mỡ cá, các loại hạt hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt hướng dương, đậu phộng và nhiều loại đậu...
Cá và các loại hạt này cũng giàu vitamin E chống oxy hóa, magie giúp giảm stress, selen có tác dụng tăng đề kháng cho cơ thể. Trong nhóm vitamin và khoáng chất, vi lượng, vitamin A tăng tác động của tế bào bạch cầu; vitamin C hỗ trợ sản xuất interferon cho tế bào bạch cầu hoạt động; kẽm, selen... cũng cần thiết cho hệ miễn dịch.
Để hệ miễn dịch khỏe mạnh, sức đề kháng được tăng cường, chúng ta nên chú trọng chăm sóc đường ruột, bởi đây là nơi tập trung phần lớn tế bào miễn dịch của cơ thể. Đường ruột chỉ khỏe mạnh khi có đủ lợi khuẩn.
Bác sĩ Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) - cho biết bổ sung lợi khuẩn là cách hiệu quả để chăm chút hệ đề kháng đường ruột. Tuy nhiên, không phải lợi khuẩn nào cũng có khả năng sống sót khi đi qua môi trường axit khắc nghiệt của dạ dày.
Một trong những chủng lợi khuẩn được nghiên cứu và kiểm chứng trên thế giới về khả năng sống sót cao sau khi đi qua dạ dày là lợi khuẩn L. Casei 431 (thuộc nhóm Lactobacillus) của Tập đoàn men sống hiện đại châu Âu - CHR Hansen. Tại Việt Nam, Vinamilk đã hợp tác cùng CHR Hansen, cho ra đời sữa chua uống men sống Vinamilk Probi, chứa đến 20 tỷ lợi khuẩn L. Casei 431 trong 100 ml sữa, giúp tăng đề kháng hiệu quả.
Bác sĩ Thu Hậu cũng khuyến cáo người dân giữ tinh thần lạc quan, vui tươi, bởi stress khiến cơ thể mệt mỏi, làm sức đề kháng giảm sút, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus. Ngược lại, tinh thần thư thái giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, tế bào miễn dịch phản ứng hiệu quả hơn với các tác nhân gây bệnh.
Muốn giảm stress, bên cạnh tập thể dục để cơ thể tiết ra một số hormone giúp thư thái hơn, bạn nên thay đổi chế độ dinh dưỡng, hạn chế trà, cà phê, chocolate và nước tăng lực để giảm lượng caffeine.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ như nhai kẹo cao su (sóng não của người nhai kẹo cao su và người đang thư giãn khá giống nhau), thực hành cười (giúp tiết chất tăng đề kháng) và chơi với thú cưng cũng là gợi ý để bạn tham khảo và thực hành. Bạn có thể tìm thêm nhiều phương pháp thư giãn trên mạng, đơn cử như trang Healthline từng chỉ ra 16 cách để thư giãn như tập yoga, ôm nhau để kích thích tiết oxytocin và giảm cortisol, nghe nhạc nhẹ, hít thở sâu...
Bác sĩ Thu Hậu khuyên người dân nên đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc, nhất là giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Ngủ đủ giấc, ngủ sâu cũng giống như “sạc pin”, giúp cơ thể phục hồi, tái tạo năng lượng để khi tỉnh dậy thấy khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái.
Giấc ngủ sâu còn tạo cơ hội cho tế bào bạch cầu hoạt động tốt và “bắt” các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh giấc ngủ về đêm, giấc ngủ trưa ngắn cũng giúp cơ thể nghỉ ngơi sau thời gian làm việc, vui chơi, vận động... Để có chất lượng giấc ngủ tốt nhất, bạn cần ở trong môi trường yên tĩnh và thoáng khí.
Dù trải qua thời kỳ dịch bệnh hay không, một hệ đề kháng vững chắc là điều ai cũng nên xây dựng ngay từ bây giờ. Những hoạt động đơn giản trong cuộc sống thường ngày như luyện tập thể thao, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hay đầu tư cho giấc ngủ sâu và luôn giữ tinh thần lạc quan chính là nền tảng cho một sức đề kháng “vàng” - giúp bạn chống chọi lại vi khuẩn, virus có hại, bao gồm Covid-19.
Bình luận