![]() |
Các triệu chứng của bệnh thận thường bị bỏ qua vì chúng không đặc hiệu - có nghĩa là chúng giống với nhiều tình trạng khác. Ảnh minh họa: Onlymyhealth. |
Chẩn đoán này là cú sốc lớn đối với Justin Pham, 32 tuổi, đến từ Los Angeles, California (Mỹ), người đã bỏ qua các triệu chứng của mình trong hầu hết độ tuổi 20. Trong cuộc phỏng vấn với Newsweek, Justin, người bị suy thận và suy tim, đã chia sẻ về các triệu chứng mà anh bỏ qua.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận
Chia sẻ với Newsweek, Blake Shusterman, bác sĩ chuyên khoa thận làm việc tại Greenville, Nam Carolina, cho biết các triệu chứng của bệnh thận thường bị bỏ qua vì chúng không đặc hiệu - có nghĩa là chúng thường giống với các triệu chứng của nhiều tình trạng khác.
Trở lại trường hợp của Justin, người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này, lần đầu tiên mắc bệnh thận khi mới 9 tuổi. Điều này khiến anh phải phẫu thuật cắt bỏ một nửa mỗi quả thận.
Vào độ tuổi 20, anh bắt đầu gặp phải các triệu chứng như:
- Da ngứa hoặc phát ban
- Chuột rút ở chân vào buổi sáng
- Đau bụng và nôn mửa
- Đi tiểu nhiều vào ban đêm
- Nước tiểu có bọt
- Khó thở.
Justin cho biết: "Tôi luôn nghĩ rằng các triệu chứng chỉ là thứ gì đó nhỏ nhặt, chẳng hạn da khô khiến tôi ngứa. Hoặc tôi đổ lỗi cho các vấn đề về dạ dày do thứ gì đó tôi đã ăn".
Theo bác sĩ Shusterman, ngứa có thể là do các chất thải tích tụ trong cơ thể khi thận không lọc đúng cách. Các chất thải này sau đó dẫn đến những thay đổi sinh lý ở da gây ra ngứa. "Ngứa cũng có thể liên quan đến tình trạng viêm toàn thân có thể xảy ra ở một số người mắc bệnh thận", bác sĩ này cho hay.
Theo Justin, anh nghĩ mình vẫn còn trẻ tuổi nên không cho rằng đó là điều gì nghiêm trọng. "Và theo thời gian, tôi nghĩ rằng cảm giác của mình chỉ là bình thường. Cuối cùng, tôi bắt đầu quen với việc nhìn thấy bọt khí trong nước tiểu của mình và không nghĩ nhiều về điều đó nữa", Justin nói.
Thận khỏe mạnh lọc chất thải trong khi vẫn giữ các chất thiết yếu như protein trong máu. Khi bị tổn thương, thận có thể rò rỉ protein dư thừa vào nước tiểu, tình trạng gọi là protein niệu, khiến nước tiểu có bọt. Mặc dù không phải là bệnh, protein niệu có thể báo hiệu các vấn đề về thận, theo Dịch vụ y tế Fresenius Kidney Care.
Chẩn đoán
Sau khi tiếp tục cuộc sống thường ngày, Justin bắt đầu lo lắng khi bị thở gấp. "Tôi đã phải vật lộn để thở khi băng qua đường. Điều này khiến tôi nhận ra có điều gì đó không ổn", anh chia sẻ với Newsweek.
Tuy nhiên, anh không nghĩ rằng nó liên quan đến thận của mình. Thay vào đó, anh nghi ngờ Covid-19, vì điều này xảy ra vào năm 2022. Sau khi xét nghiệm máu và kiểm tra, Justin được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (CKD), còn được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD) - nghĩa là thận của anh đã bị suy và không còn hoạt động bình thường được nữa.
Justin không biết rằng bệnh huyết áp cao, căn bệnh di truyền trong gia đình anh, là nguyên nhân gây suy thận đứng thứ hai, sau bệnh tiểu đường. Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ giải thích suy thận giai đoạn 5 là khi thận hoạt động ở mức dưới 15% chức năng bình thường của chúng so với hai quả thận khỏe mạnh ở một người trẻ tuổi.
Do sự suy giảm nghiêm trọng này, người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để sống sót. ESKD cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
![]() |
Hình ảnh Justin Pham một năm trước khi chẩn đoán mắc bệnh thận và hình ảnh trên giường bệnh. Ảnh: JustinPham. |
Biến chứng suy tim
Hai năm sau, Justin bắt đầu gặp phải các triệu chứng của bệnh tim mạch, bao gồm:
- Tay và chân bị sưng
- Đau ngực
- Mệt mỏi
- Chán ăn
"Ban đầu, tôi nghĩ mọi chuyện đều liên quan đến thận chứ không phải tim. Khi tôi bắt đầu đến trung tâm cấy ghép để thử nghiệm thêm, bác sĩ phát hiện ra bệnh suy tim; khi một cơ quan bắt đầu suy, các cơ quan khác cũng sẽ suy theo", Justin nói.
Bác sĩ Shusterman, người có hơn 15 năm kinh nghiệm, đã giải thích "hiệu ứng domino" này thường xảy ra ở những người mắc bệnh CKD. Suy tim và suy thận thường đi đôi với nhau. Thận kiểm soát cách cơ thể xử lý muối và nước. Nếu thận không loại bỏ hiệu quả các chất này, chúng có thể tích tụ bên trong cơ thể và gây thêm áp lực lên tim.
Điều này kết hợp với tình trạng kéo căng cơ tim thường xảy ra khi người bị bệnh thận giữ quá nhiều nước, có thể dẫn đến suy tim. "Mức điện giải bất thường, chẳng hạn mức kali cao, cũng dẫn đến các vấn đề về tim ở những người bị bệnh thận. Kali có thể tích tụ trong máu khi thận không lọc đúng cách", ông nói thêm.
Justin hiện phải trải qua 10 giờ thẩm phân phúc mạc (PD) mỗi ngày - một phương pháp điều trị suy thận bằng cách sử dụng niêm mạc bụng để lọc máu. Anh đang trong danh sách chờ ghép thận và được lên lịch phẫu thuật tim vào tháng tới.
Khi còn trẻ, chúng ta thường nghĩ mình khỏe mạnh, không gì có thể xảy ra, nhất là với đàn ông - chúng tôi ít khi chủ động kiểm tra sức khỏe như phụ nữ", Justin chia sẻ. "Lời khuyên của tôi dành cho người trẻ là hãy quan tâm đến sức khỏe ngay từ bây giờ. Đừng chủ quan - việc còn trẻ không có nghĩa là bệnh tật không thể tìm đến bạn".
Với những ai đang đối mặt với suy thận, bệnh nhân 32 tuổi động viên họ không nên từ bỏ, bởi cơ thể con người có khả năng thích nghi và chịu đựng hơn ta nghĩ. "Suy thận không phải là dấu chấm hết", anh nói.
Bệnh Alzheimer không chỉ gây nên chứng sa sút trí tuệ, mất trí nhớ. Khi bước vào giai đoạn nặng hơn, trong tâm trí của người bệnh sẽ xuất hiện ảo giác, gây nên chứng hoang tưởng. Những lời khuyên của tác giả - bác sĩ Lee Kang Joon trong cuốn sách Cẩm nang chăm sóc người bị đãng trí sẽ giúp bạn đọc chăm sóc người thân bị chứng đãng trí một cách hiệu quả hơn.