Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân L.T.K.A. (58 tuổi, ngụ TP Biên Hòa), được đưa vào khoa Nội của Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai trong tình trạng mệt, chóng mặt, nôn ói liên tục.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bà A. bị nhiễm toan máu nặng. Đây là tình trạng rối loạn thăng bằng toan kiềm nặng, có thể có nguy cơ bị tử vong.
Bệnh nhân A. cho biết do bị đái tháo đường và tăng huyết áp đã lâu nhưng uống thuốc theo toa không thuyên giảm. Gần đây, bà được người quen giới thiệu loại “thần dược” giúp nhanh chóng thoát khỏi bệnh tiểu đường.
Thuốc gồm 2 loại viên thuốc có màu vàng và xanh, uống mỗi loại 8 viên/ngày. Bệnh nhân uống trong 4 ngày thì thấy mệt nhiều, càng uống càng mệt nên nhập viện.
Loại thuốc "xanh nâu" được giới thiệu như loại "thần dược" chữa tiểu đường. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ nhận định có thể bệnh nhân đã uống loại thuốc có pha trộn hoạt chất Phenformin. Đây là loại thuốc điều trị đái tháo đường trước đây, nhưng đã bị cấm lưu hành từ rất lâu vì có thể gây nhiễm toan máu, suy thận và gây tử vong với tỷ lệ rất cao.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân T.T.D. (61 tuổi, ngụ tại Đồng Nai), cũng tự ý mua thuốc uống điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân vào viện vì mệt nhiều, rối loạn tiêu hóa và đặc biệt là suy thận cấp, nhiễm toan máu.
May mắn, bệnh nhân chỉ uống thuốc một ngày và nhập viện ngay khi có bất thường, và được chuyển Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai lọc máu kịp thời nên được cứu sống.
Bác sĩ cảnh báo, loại thuốc tự chế này có thể chứa chất độc dược đã bị cấm sử dụng. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Trần Viết Hợi, Trưởng khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, cho biết không phải ai cũng được may mắn như được phát hiện kịp thời như hai bệnh nhân trên.
Ở Việt Nam, nhiều trường hợp bệnh nhân bị tử vong sau khi mua thuốc Đông y trị tiểu đường về uống để tự chữa bệnh.
Nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng về vấn đề này nhưng nhiều người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của việc “tự chữa bệnh” mà không theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Hợi cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý đi mua các loại thuốc, đặc biệt là thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh mà nên đến các cơ sở y tế để được khám bệnh và điều trị theo toa của các bác sĩ chuyên khoa.