Hạ Chi hướng tới việc đọc chất lượng hơn là số lượng. Theo cô, nhai kỹ thì mới no lâu, đọc sâu hơn là đọc hời hợt.
Nhiều người dành thời gian rảnh lúc giãn cách xã hội để đọc sách. Zing chia sẻ cách đọc sách chậm hơn, hướng đến chất lượng hơn từ Hạ Chi. Cô là tác giả sách, hiện công tác trong ngành truyền thông.
Hạ Chi
- Tác giả sách "Người viết kiếm sống" và "Trung tâm phục hồi cảm xúc hậu thất tình"
- Có hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực báo chí và truyền thông
- Hiện là Head of communication ở Zee Agency
Bạn có muốn biết bí quyết để đọc sách chậm lại? Ví dụ bình thường 1 năm đọc 20 quyển thì giờ chỉ còn lại 10 quyển không?
Chắc bạn nghĩ có gì nhầm lẫn ở đây. Người ta tiến tới mục tiêu đọc 2000 từ/phút, đọc mỗi ngày 1 quyển sách, đọc sách tóm tắt trong 10 phút. Vậy tại sao tôi lại khuyên bạn đọc sách chậm lại?
Vì sau tất cả, đọc sách không phải để thoả mãn nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Bạn cũng không cần đọc để chèn vào não càng nhiều thông tin càng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu được bận rộn, để khoe rằng năm nay tôi đã hoàn thành “KPI” số lượng.
Đọc sách chậm không mâu thuẫn với đọc sách nhanh. Bạn có thể đọc nhanh khi thu thập các ý tưởng mới, tìm kiếm thông tin, khi tiếp cận với một quyển sách “loãng”, hay khi đọc tiểu thuyết chương hồi.
Nhưng bạn sẽ cần đọc chậm để mang quyển sách vào đời mình, mượn nó làm công cụ, làm người thầy, làm giám thị cho sự thay đổi của bạn.
Đọc chậm không dễ
Tôi là một người mê đọc sách. Từ nhỏ, tôi đã được “gửi” vào thư viện sau giờ học ở trường. Tôi cứ đọc ngấu nghiến hết quyển này đến quyển khác.
Tôi cũng thích mua sách. Tôi thường sưu tập các quyển văn học kinh điển, sách về văn hoá xã hội hay kiến thức bách khoa. Tôi thấy thoải mái, an toàn khi ở trong căn phòng với bốn phía là sách. Bạn bè ai cũng biết tôi là “mọt sách”.
Nhưng có một điều mọi người không biết: tôi không đọc nhiều như họ vẫn tưởng.
Trước năm 20 tuổi, mỗi tuần tôi đọc 2, 3 quyển. Từ năm 20 đến 30 tuổi, mỗi tháng tôi đọc 2,3 quyển. Bây giờ, mỗi năm tôi chỉ đọc chừng 10 quyển.
Tôi đọc ít hơn không hẳn vì bận rộn. Tôi nhận ra đọc sách là để suy ngẫm, cải thiện tư duy và hành động, từ đó giải quyết những vấn đề đang gặp phải. Nhai kỹ thì mới no lâu. Đọc sâu hơn là đọc hời hợt.
Đọc chậm không dễ vì con người thường bị thu hút bởi cái mới. Nhiều người đang đọc quyển này lại tìm được vài ba quyển mới muốn đọc. Chúng ta cũng có xu hướng tiếp thu thụ động. Ví dụ như ngồi yên xem phim, ngồi yên nghe giảng, ngồi yên đọc sách.
Để tự mình làm việc với khối kiến thức nạp vào đó, ứng dụng, biến nó thành của mình thì thấy khó khăn, mệt mỏi. Nhưng, chúng ta phải chiến thắng sự dễ dàng để giữ những gì được học, không để kiến thức bị đào thải.
Quá trình đọc chậm chính là tự học lại, tìm hiểu thêm thông tin, suy ngẫm. Việc này tốn nhiều thời gian hơn, mệt não hơn. Vì vậy tôi không thể đọc nhanh được nữa.
Từ đầu năm đến nay, tôi chỉ đọc được dưới 10 quyển. Trong đó những quyển ấn tượng là Câu chuyện nghệ thuật (E.H.Gombrich), Sapiens: Lược Sử Loài Người Bằng Tranh (Yuval Noah Harari), Những quy luật của bản chất con người (Robert Greene) và Đọc vị người lạ (Malcolm Gladwell).
10 bước để đọc chậm
1. Chọn sách kỹ: Thay vì đọc 10 quyển sách cùng 1 chủ đề, chỉ cần đọc 1-2 quyển hay nhất của chủ đề đó. Chọn 1 cuốn nền tảng, 1 cuốn kinh điển, 1 cuốn cập nhật chủ đề với thông tin mới nhất.
2. Ưu tiên sách nền tảng - sách kinh điển - sách của các đại thi hào - sách bách khoa. Những quyển sách này đã tạo nên nền tảng văn hoá chung. Ngay cả những tác giả mới cũng “đứng trên vai người khổng lồ” để viết tiếp. Vậy nên, đọc sách cổ, sách nền tảng không chỉ là cách tiếp cận từ nguồn mà còn giúp chúng ta thấu hiểu những quyển sách đương đại một cách sâu sắc hơn.
3. Đọc sách theo chủ đề. Xác định 1-3 lĩnh vực muốn hiểu sâu trong 1 khoảng thời gian (3 tháng, 6 tháng hay 1 năm). Đây là cách phát huy “lĩnh vực quan tâm chủ chốt” (primery field of interest). Nó giúp ta đi sâu hơn vào con đường chuyên gia chứ không phải cái gì cũng biết bề nổi.
4. Chú ý tên tác giả khi mua sách. Xem tác giả có thực sự là chuyên gia được đánh giá cao trong lĩnh vực đó không.
5. Đọc sách cao hơn trình độ tiếp thu. Nghĩa là đọc ban đầu thấy hơi khó. Nhưng như vậy mới kích thích tư duy.
6. Mỗi ngày chỉ đọc 30-60 phút. Suy ngẫm kỹ các chi tiết trong sách. Đừng ráng đọc nhanh cho xong vì mục tiêu của đọc sách chưa bao giờ là “đọc cho xong”.
7. Ghi chép, tóm tắt, tìm hiểu thêm các chi tiết trong sách.
8. Nếu đọc sách kỹ năng hoặc cung cấp kiến thức thì đọc tới đâu thực hành tới đó.
9. Đọc một phần thấy sách không hay thì bỏ, đọc cuốn khác. Đừng ráng đọc hết.
10. Đọc lại sách cũ. Quyển hồi xưa đọc không hiểu lắm, giờ đọc sẽ hiểu hơn vì đã có trải nghiệm rồi. Hồi xưa đọc hiểu một kiểu, nay hiểu kiểu khác vì đã thay đổi tư duy rồi. Đọc sách là để hiểu chính mình. Vậy nên bạn sẽ thấy bản thân phát triển qua thời gian khi đọc lại sách cũ.