Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' trở lại với 'Bé lợn, lớn bò'

Sau cuốn truyện gây tranh cãi, Thành Phong lại gây xôn xao giới trẻ với câu chuyện “Bé lợn, lớn bò". Thành Phong cho biết, anh không đánh giá cao những người thích mình một cách mù quáng đến mức lao vào "ném đá" người chê.

Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' trở lại với 'Bé lợn, lớn bò'

Sau cuốn truyện gây tranh cãi, Thành Phong lại gây xôn xao giới trẻ với câu chuyện “Bé lợn, lớn bò". Thành Phong cho biết, anh không đánh giá cao những người thích mình một cách mù quáng đến mức lao vào "ném đá" người chê.

>> 'Sát thủ đầu mưng mủ' xuất hiện trở lại
>> Thu hồi cuốn 'Sát thủ đầu mưng mủ'
>> Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' lên tiếng trước dư luận

Chân dung tự họa của họa sỹ Thành Phong

Không phải là một cuốn sách đình đám như Sát thủ đầu mưng mủ, Bé lợn, lớn bò nhỏ gọn nhưng tạo ra hiệu ứng nhanh trong giới trẻ. Dưới dạng những trang vẽ biếm họa, trên câu chuyện một bài làm văn của cậu bé học lớp 4 có nhà chăn nuôi lợn, tác phẩm mới của Thành Phong đã phản ánh thực trạng rất nan giải trong đời sống hiện nay: an toàn thực phẩm, mà cụ thể là việc dùng chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt.

Chính điều đó đã khiến Bé lợn, lớn bò được truyền đi rất nhanh chóng trong cộng đồng mạng, và lần này, Thành Phong không bị "ném đá" tới tấp như trước. Mới đây, anh đã có những chia sẻ xung quanh việc sáng tác câu chuyện và cả về những sở thích, quan điểm sống của mình.

Hình ảnh của Bé lợn, lớn bò.

 

- Từ đâu mà Thành Phong có ý tưởng vẽ truyện Bé lợn, lớn bò?

- Thật ra thì tôi nghĩ là từ nhỏ, ai cũng làm văn, cũng đôi lần bối rối. Ai cũng từng phải miêu tả về một điều gì đấy và chọn cách thể hiện qua một bài văn, mà khi trình bày qua con mắt trẻ thơ về một vấn đề rất nóng thì có lẽ mọi thứ sẽ nhẹ nhàng, hài hước hơn, không còn quá nặng nề nữa.

Hơn nữa lúc nào tôi cũng thích sự hài hước, bởi nó làm cho cuộc sống vui tươi, chỉ cần cười ra được thì mọi chuyện coi như thoải mái. Chính vì thế nên tôi vẽ bộ truyện này.

- Theo anh, sự hài hước có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống?

- Tôi nghĩ hài hước thật tuyệt vời. Ở đây có hai vấn đề: hài và hề. Nhiều người cứ tưởng hài là đơn giản, dễ dàng nhưng không, họ rất nhầm. Hài cực kỳ tinh tế, sâu sắc và đòi hỏi sự lao động miệt mài mới có thể làm cho người ta cười.

Nếu người ta không hiểu thì người ta không thể cười mà nếu như hời hợt đi cù nách thì lại là hề rồi. Nếu truyện của tôi làm người ta cười được theo kiểu hài hước thì tôi cho là mình đã thành công.

- Vậy còn với chủ đề vẽ này, anh tìm hiểu về nó như thế nào? Anh có đi thực tế không hay chỉ nghe qua báo chí?

- Tôi thường rất chịu khó tìm hiểu chủ đề mình vẽ nếu không thì mình không thể nào sáng tác hay và sâu sắc được. Thường khi làm gì, tôi không nghĩ đơn thuần chỉ mang tính chất giải trí, vui vui mà phải có thông điệp ẩn chứa trong đó.

- Nhiều người khi đọc truyện này xong thì rùng mình, không dám ăn thịt nữa hoặc ăn rất ít, anh thì sao? Có phải anh không ăn thịt?

- (Cười). Không. Tôi vẫn ăn thịt đấy chứ! Nhưng tôi hạn chế ăn thịt, ăn rất ít, tôi thích cá hơn. Đồ ăn mà tôi yêu thích vẫn là ẩm thực Nhật mặc dù mới thưởng thức gần đây thôi.

- Vậy anh có ăn tiết canh và thịt chó không?

- Chắc chắn là tôi không ăn tiết canh và thịt chó. Những món đó thật sự không hợp với tôi. Tôi không bao giờ ăn thịt động vật như kiểu chó, khỉ… Kể cả thịt chim thì cũng là rất ít.

- Có vẻ như họa sỹ Thành Phong hướng nhiều hơn đến sự thanh thản, tránh sát sinh. Vậy anh có hay lên chùa không?

- Đúng là tôi hướng mình nhiều hơn đến sự thanh thản, tránh xô bồ, bon chen. Tuy nhiên tôi rất ít lên chùa. Tôi chưa bao giờ lên chùa để cầu khấn mà phần lớn là để tìm kiếm sự thanh tịnh. Nhưng bản thân mỗi người đều có thể tìm thấy sự thanh tịnh đó trong tâm hồn mình. Tôi khá là thích Osho (nhà thần bí và bậc thầy tâm linh người Ấn Độ).

Sở thích lúc rảnh rỗi của Phong là ngủ

- Anh thích những triết lý của Osho?

- Tôi thích Osho và những điều ông viết gần như là một sự thức tỉnh. Tôi thích nhất là quan niệm về sự trưởng thành của Osho. Trưởng thành từ trong tâm thức và nhận thức. Chúng ta nhiều khi lớn về mặt thể xác nhưng không trưởng thành. Quan niệm trưởng thành của Osho khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

- Nhưng hình như tôi thấy họa sỹ thì thường là những người để cho cảm xúc lấn, họ không quá lý trí đến vậy?

- Như thế là bạn đang chịu ảnh hưởng của phim ảnh. Bởi vì trên phim ảnh người ta xây dựng một khuôn mẫu về họa sỹ là phải thế này thế nọ: tóc dài, móng tay đầy màu vẽ, ăn mặc lúc nào cũng lôi tha lôi thôi… Hoặc là những gã nhặt lá đá lon. Nhưng tôi xin khẳng định tôi không thuộc tuýp trên. Tôi nghĩ mình là người khá thực tế, lý trí và biết cân bằng bản thân.

- Thực tế ở đây có nghĩa là gì?

- Thực tế ở đây là không quá ảo vọng về những gì mình theo đuổi. Ngày xưa khi còn học trong trường, tôi thấy một vài người mà tranh của họ bán được vài chục nghìn đô la Mỹ. Tôi thấy họ sống giàu sang, sung sướng, vương giả như vậy thì cũng mơ một ngày nào đó mình được như vậy. Nhưng rồi tôi thấy thật ra ngoài tài năng thì còn cần yếu tố may mắn nữa. Tôi không còn đặt nặng điều đó nữa. Tôi thấy mình sống nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, thanh thản hơn.

Giờ tôi chỉ cần được sống với công việc mình yêu thích, tự do vẽ tranh còn hơn là cứ gò bó, ép buộc mình phải giàu, phải thành công như thế hay là thế nào cả.

- Nhưng như thế có phải chăng là anh đang đánh mất dần động lực phấn đấu của bản thân?

- Không, tôi vẫn luôn làm hết sức mình, chỉ là tôi không còn nhìn vào những thứ phù phiếm và lấy đó làm mục đích của đời mình mà thôi. Tôi được làm cái tôi yêu thích là tốt rồi. Tôi tận dụng thời gian của tôi, đam mê vẽ và những thứ còn lại thì tôi không thể quyết định được. Cho nên cứ sống như vậy cho thanh thản. Nếu mình không kỳ vọng quá nhiều thì cũng sẽ không thất vọng.

- Anh theo nghiệp vẽ là đam mê cá nhân hay là do định hướng?

- Thật ra tôi cũng là con  nhà nòi. Bố mẹ tôi đều là giảng viên của trường Mỹ thuật. Từ bé thì tôi cũng đã rất thích vẽ rồi. Và có lẽ nó cứ ngấm dần vào máu tôi niềm đam mê yêu thích tranh. Tôi cứ thế lớn lên, học cấp 2, cấp 3 sau này thi vào đại học thì chưa bao giờ tôi phải lăn tăn rằng tôi sẽ học trường nào khác ngoài trường Mỹ thuật. Tôi luôn nghĩ Mỹ thuật là sự lựa chọn số 1.

- Bố mẹ có bao giờ khen anh vẽ không?

- Không. Bố mẹ tôi hầu như rất ít khi khen tôi vẽ.

- Quan niệm trong cuộc sống của anh? Anh hướng tới điều gì nhất?

- Tôi nghĩ tôi sống để hướng tới sự trưởng thành. Tất cả những trải nghiệm của tôi đều để tôi trưởng thành hơn về tâm thức, nhận thức. Tôi coi đó là hạnh phúc.

“Tôi trân trọng những lời chê có chuyên môn”

- Khi theo nghề họa sỹ, anh gặp phải những khó khăn gì?

- Khó khăn nhiều chứ! Khó khăn đầu tiên là mình có sống được bằng nghề hay không? Như bạn bè của tôi, họ có ba hướng chính để đi. Một là có thể chuyển sang làm ngành thiết kế nội thất, nhiều tiền hơn và không còn phải sống quá bấp bênh như họa sỹ. Hai là học lên cao học và ba là đi dạy vẽ. Sống được bằng việc bán tranh là chuyện không hề đơn giản gì.

- Những công việc đầu tiên mà anh làm khi bắt đầu nghề họa sỹ là gì?

- Tôi vẽ minh họa cho các báo, tạp chí, vừa có thêm thu nhập lại vừa có thêm kinh nghiệm. Tôi làm thêm từ khi tôi là sinh viên năm nhất đại học và kinh nghiệm từ đó được trau dồi lên hàng ngày.

- Những lúc đầu mới vẽ chắc chắn là anh cũng bị chê. Lúc đó anh có buồn không?

- Thật ra thì tôi không buồn về việc bị chê. Đôi khi tôi bực bội vì cách họ chê. Ví dụ như là họ nói quá gay gắt, đến mức không cần thiết. Chứ còn tôi là một người có chuyên môn, chỉ cần chê đúng, chỉ đúng lỗi thì tôi đã biết rồi.

- Thế với bộ truyện “Sát thủ đầu mưng mủ” thì sao? Người khen cũng lắm mà kẻ chê cũng cực kỳ nhiều, những lúc như thế anh phản ứng ra sao?

- Có buồn nhưng thời gian đó không kéo dài. Tôi có bạn bè thân quen bên cạnh động viên và khuyến khích mình rất nhiều nên tôi vượt qua rất nhanh. Tầm một tuần là tôi vượt qua được hết mọi chuyện, đứng ngoài vòng khen chê.

- Anh nghĩ sao về những lời khen chê mà họ dành cho mình?

- Về những lời chê thì tôi luôn tiếp thu vì tôi tự thấy mình một người ham học hỏi và biết lắng nghe. Nếu như họ chê đúng, chê dựa trên tinh thần muốn đóng góp, xây dựng thì tôi hoàn toàn ủng hộ việc chê, thậm chí tôi còn cảm ơn họ nữa. Nhưng đằng này, họ chê rất khiếm nhã, nói những câu chẳng có chút chuyên môn nào, lí lẽ không có mà cứ ném đá rất vô căn cứ theo kiểu tâm lý đám đông, a dua thì tôi thực sự chẳng thèm để tâm đến. Tôi quên rất nhanh.

Còn với những lời khen thì tôi cảm ơn họ. Nhưng tôi cũng không hề đánh giá cao những người vì khen tôi, thích tôi một cách mù quáng mà lao vào "ném đá", chửi bới lại những người chê tôi. Nếu họ thích tôi không có căn cứ, chỉ thích vì một số người trong cộng đồng mạng thích tôi thì vẫn là tâm lý a dua. Ngay giờ phút này họ có thể thích tôi nhưng phút sau chính những con người ấy họ lại có thể quay ra chê tôi ngay lập tức và chê cũng vô căn cứ.

Tóm lại thì tôi thích những lời khen chê có lý do, có căn cứ và lý lẽ xác đáng. Như thế thì tôi phục hơn và cảm thấy bản thân mình cũng học hỏi được nhiều hơn.

- Hình như lo ngại lớn nhất của người ta là giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ trong cuốn truyện đó, làm đánh mất sự trong sáng của tiếng Việt?

- Đúng là lo lắng đó cũng có căn cứ. Song tôi chỉ muốn chia sẻ là tôi không bịa ra tất cả những thành ngữ trong đó. Đó là những thứ có sẵn, luôn được nhắc đi nhắc lại, được thấy rất nhiều trong đời sống và tôi chỉ có nhiệm vụ là ghi chép lại nó, chọn lọc nó ra thành cuốn sách mà thôi.

Tôi chơi với rất nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, từ trẻ cho đến già, thậm chí 60, 70 tuổi tôi lại càng thích chơi. Ngôn ngữ trong Sát thủ đầu mưng mủ không chỉ có giới trẻ mà ngay những người già cũng rất thích nhưng còn tùy ngữ cảnh mà họ sử dụng nó mà thôi.

Tôi lấy ví dụ như thành ngữ: Trăm lời anh nói không bằng làn khói a còng. Ngày xưa thì đã lưu truyền câu: Trăm lời anh nói không bằng làn khói Honda. Bạn thử tưởng tượng thời bao cấp, người ta ăn tem phiếu và đi xe đạp mà có người đi xe Honda thì đó là một sự sành điệu khủng khiếp. Thế nên mới có thành ngữ này trong đời sống và tôi chỉ có nhiệm vụ ghi chép lại nó thôi.

Ngôn ngữ là thứ cần được cập nhật, đổi mới. Hiện nay nói những từ này trong đời sống hoặc trên mạng có thể được coi là sành điệu nhưng đến một lúc nào đó sẽ thành lạc hậu. Cái gì cũng cần đổi mới để tránh lạc hậu, kể cả ngôn ngữ. Đó là quy luật tất yếu của đời sống.

- Vậy dự định sắp tới của Thành Phong là gì?

- Mùa thu này mình sẽ ra một cuốn sách minh họa, nội dung, đề tài nó như thế nào thì mình sẽ nói chi tiết hơn khi nào chắn chắn. Còn gần nhất thì mình sắp có triển lãm trưng bày cùng một vài người bạn ở Trung tâm văn hóa Pháp.

Đặng Nhung

Theo Infonet

Đặng Nhung

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm