Cắt và vắt chanh là một việc làm quen thuộc với rất nhiều người. Hành động tưởng chừng vô hại ấy nếu thực hiện dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến bạn có nguy cơ bỏng nghiêm trọng.
Adam Levy, 52 tuổi, đến từ bang Minnesota (Mỹ), chuẩn bị bữa tiệc ngoài trời mừng lễ tốt nghiệp của cô con gái. Nhiều giờ sau khi cắt, vắt chanh chuẩn bị cho món cá nướng, bàn tay của Levy xuất hiện những vết phồng rộp, với các dấu hiệu đau rát, chóng mặt và buồn nôn.
Bàn tay ông Levy bị bỏng độ 2 chỉ vì cắt và vắt chanh ngoài trời nắng. Ảnh: Caters Clips. |
Hai ngày sau, Levy đến bệnh viện và được cho biết bị bỏng độ 2.Thủ phạm chính là furanocoumarin, một chất trong các loại trái cây có múi như chanh, bưởi. Tình trạng của Levy được gọi là phytophotodermatitis, một chứng viêm da nhiễm độc do người bệnh tiếp xúc với những hóa chất nhạy cảm ánh sáng dưới tác động của tia cực tím.
Trong trường hợp của Levy, furanocoumarin có trong nước cốt chanh là một chất tăng nhạy cảm ánh sáng, nó khiến vùng da tiếp xúc hấp thụ tia cực tím trong ánh sáng mặt trời dẫn đến bỏng.
Theo bác sĩ Joshua Zeichner, Bệnh viện Mount Sinai, New York (Mỹ), các axit trong quả chanh và trái cây có múi có khả năng tẩy sạch tế bào chết trên da, khiến da bị mỏng hơn. Vì vậy, bác sĩ Zeichner khuyên mọi người không nên ra ngoài nắng sau khi tẩy rửa bằng chanh.
Cũng như những vết cháy nắng thông thường, bạn sẽ không nhận thấy ngay lập tức, nhưng chỉ vài giờ sau đó, làn da của bạn bắt đầu nổi đỏ, đau rát và phồng rộp. Trong trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần sử dụng thuốc chống viêm để giảm bớt sự khó chịu. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như Levy, các bác sĩ sẽ điều trị bằng steroid và thuốc kháng histamine.
Khi vết bỏng đã lành, da sẽ xuất hiện những đốm màu nâu không gây đau đớn. Chúng có thể tồn tại hàng tuần, hàng tháng thậm chí lâu hơn.
Theo các bác sĩ, để ngăn ngừa bỏng do chanh và trái cây có múi, bạn không nên cắt, hoặc ép nước bên ngoài ánh nắng và đeo găng tay khi chế biến. Sau khi xong nên rửa tay sạch sẽ với nước.