Tình trạng này thường hay gặp ở người cao tuổi và trẻ em. Cần biết triệu chứng của tắc ruột cấp tính để phát hiện nhằm đến cơ sở y tế sớm, giúp cho việc xử trí kịp thời và các biện pháp cơ bản để phòng ngừa tắc ruột.
Đặc điểm lâm sàng
Trên thực tế, bã một số thức ăn có thể gây tắc ruột do ăn nhiều loại thức ăn có chất xơ như măng, mít, cam, quýt... hay quả có nhiều chất tanin như hồng giòn, hồng xiêm, sung, vả... với số lượng quá nhiều. Ở trẻ em, do ăn nhiều quả sim, quả ổi... cũng có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột.
Những loại thức ăn này thường kết dính lại thành cục ở trong lòng ruột không tiêu hóa được nên gây tắc ruột. Ngoài ra, tắc ruột cũng hay gặp ở người cao tuổi bị mất răng nên giảm sức nhai, người đã phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hoặc người mắc bệnh viêm tụy tạng mạn tính... làm khả năng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn bị giảm sút.
Tắc ruột cơ năng là quá trình phản ứng bệnh lý do màng bụng bị kích thích bằng cơ học, nhiệt học hoặc hóa học để làm giảm nhu động ruột. Những kích thích này làm nhu động ruột ngừng lại và ruột bị liệt, ngăn cản sự lưu thông các chất trong lòng ruột; hiện tượng liệt ruột này xuất hiện trong toàn bộ ống tiêu hóa.
Tắc ruột cấp tính do bã thức ăn rất nguy hiểm. Ảnh: Passe. |
Trong cơn đau quặn thận, do kích thích cơ học của sỏi vào niệu quản sẽ gây đau và truyền phản ứng sang vùng màng bụng cạnh đó để gây nên hiện tượng tắc ruột cơ năng biểu hiện triệu chứng trướng bụng, nôn, bí trung tiện và đại tiện. Đây là một rối loạn vì nhu động tiêu hóa bị chặn đứng lại do liệt hay co thắt ruột.
Tất cả quá trình viêm trong ổ bụng đều có thể gây tắc ruột cơ năng như viêm ruột thừa ở người cao tuổi, viêm túi mật, viêm tụy tạng cấp tính chảy máu, viêm màng bụng ruột thừa, thủng dạ dày, thủng ruột để muộn, áp-xe đường mật vỡ, viêm mủ vòi trứng, viêm ruột hoại tử, u nang buồng trứng xoắn để muộn...
Ngoài ra, tắc ruột cơ năng còn có thể do những nguyên nhân gián tiếp như viêm màng não, u não hoặc do thuốc, hóa chất điều trị chống bệnh ung thư.
Tắc ruột cơ học do hai nguyên nhân chính là ruột bị nút, bị bít lại do sự chèn ép từ ngoài ruột như dây chằng, khối u... hoặc do dị vật như giun, bã thức ăn, sỏi mật, khối u sùi trong lòng ruột, nút phân su... Cũng có thể do viêm nhiễm, dính ruột sau mổ hoặc do ung thư, teo ruột bẩm sinh...
Ruột bị tắc nghẽn cần được xử trí điều trị cấp cứu sớm vì mạc treo ruột và các cung mạch máu nuôi dưỡng ruột bị tổn thương để lâu sẽ dẫn đến ruột bị hoại tử như: xoắn ruột gồm một quai ruột xoắn vòng quanh một trục tạo nên bởi mạc treo, thoát vị nghẹt trong và ngoài.
Hiện tượng lồng ruột cấp tính cũng thường hay xảy ra ở một số đứa trẻ còn bú sữa. Như vậy, bã thức ăn là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tắc ruột cơ học, trong đó có trường hợp tắc ruột cấp tính cần phải được xử trí can thiệp điều trị phẫu thuật sớm để hạn chế các biến chứng trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng
Khi bị tắc ruột cấp tính, cần xác định rõ loại tắc ruột cơ năng hay tắc ruột cơ học, vị trí bị tắc, nguyên nhân và cơ chế gây tắc như bị nút, bịt hay nghẹt. Cần xem xét các biến đổi về thể dịch, tình trạng bệnh nhân để đánh giá và có hướng hồi sức, thời gian hồi sức và thời điểm xử trí phẫu thuật phù hợp.
Về lâm sàng, có 4 triệu chứng chính gồm đau, nôn, bí trung đại tiện là triệu chứng cơ năng và trướng bụng là triệu chứng thực thể.
Trên thực tế không phải bao giờ cũng có đầy đủ 4 triệu chứng này, nếu có đầy đủ triệu chứng thường là đã ở trong tình trạng quá muộn. Vì vậy cần phải thăm khám thật cẩn thận, tỉ mỉ và theo dõi chặt chẽ diễn biến khi chỉ ghi nhận được một vài triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ rệt.
Về triệu chứng cơ năng: đau là dấu hiệu chủ quan của bệnh nhân, khi khám có thể phát hiện được vùng đau. Cơn đau xuất hiện sớm, có thể xảy ra đột ngột và dữ dội; kéo dài khoảng 2-3 phút rồi giảm dần và sau một thời gian lại xuất hiện. Lúc đầu cơn đau thưa, sau đó cường độ ngày càng tăng và càng mau.
Điểm đau khu trú trên rốn, quanh rốn bên trái hoặc bên phải bụng, vùng chậu... sau đó lan tỏa nhanh chóng ra toàn bụng. Nôn là dấu hiệu khách quan, dễ xác định, nhưng có khi bệnh nhân không nôn mà chỉ buồn nôn. Chúng có thể xuất hiện sớm kèm với cơn đau do tăng nhu động và phản nhu động.
Các chất nôn lúc đầu là thức ăn, sau đến dịch mật, dịch tiêu hóa. Khi nôn sớm và nhiều là biểu hiện tắc ruột ở cao, thường xuất hiện tình trạng mất nước sớm. Khi nôn ra phân là tắc ruột đã để quá muộn và tắc ruột thấp có dấu hiệu nôn xuất hiện muộn; tình trạng nôn muộn thường đi kèm với triệu chứng trướng bụng.
Bí trung đại tiện thể hiện ngưng trệ lưu thông các chất trong lòng ruột, đây là triệu chứng lâm sàng quyết định để chẩn đoán tắc ruột nhưng lại khó xác định nhất vì là dấu hiệu chủ quan mà nhiều khi bệnh nhân không quan tâm đến.
Thực tế thường phát hiện ra dấu hiện này muộn vì trong những giờ đầu ruột co bóp đẩy hơi và phân ở dưới chỗ tắc ra, sau khi hết hẳn thì chất hơi và lỏng ở trên chỗ tắc không xuống được tiếp nên mới bị bí trung đại tiện.
Về triệu chứng thực thể: chủ yếu ghi nhận là triệu chứng trướng bụng được phát hiện bằng các phương pháp thăm khám trên lâm sàng như: nhìn, sờ, nắn, gõ, nghe, khám trực tràng... Ngoài ra bệnh lý tắc ruột còn được biểu hiện với các triệu chứng toàn thân và kết quả phát hiện trên phim chụp X-quang...
Để chẩn đoán xác định các trường hợp tắc ruột cơ học, trong đó có tắc ruột do bã thức ăn cần phải dựa vào những triệu chứng như đau bụng từng cơn, nôn, bí trung đại tiện, trướng bụng; đặc biệt khi kích thích thành bụng thấy nổi vành quai ruột, có hiện tượng rắn bò.
Trên hình ảnh của phim chụp X-quang phát hiện có bóng hơi, mức nước hoặc bóng hơi một quai ruột ở vùng đau dữ dội. Nếu nôn nhiều, bụng xẹp thì nghĩ đến trường hợp bị tắc ruột ở cao. Nếu buồn nôn hoặc nôn ít, bị trướng bụng nhiều có thể nghĩ đến bị tắc ruột ở phần thấp.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị tắc ruột cấp tính trước hết cần phải làm xẹp ruột cũng như điều chỉnh nước và chất điện giải bằng phương pháp hút liên tục ống tiêu hóa, truyền dịch; khi nào toàn thể trạng của bệnh nhân khá lên mới được phẫu thuật.
Như vậy, riêng trường hợp bị nghẹt ruột là phải hồi sức nhanh, vừa hút liên tục vừa truyền dịch rồi phẫu thuật sớm để tránh tổn thương không hồi phục ở ruột dẫn đến hoại tử ruột, phải cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử.
Còn tất cả các trường hợp tắc ruột cơ học khác, trong đó có tắc ruột do bã thức ăn, đều cần một thời gian hồi sức trước phẫu thuật, trung bình từ 3-4 giờ nhưng không được kéo dài quá 4-5 giờ.
Phòng bệnh tắc ruột cấp tính tích cực nhất là không để bị tắc ruột xảy ra biến chứng, trên thực tế nhờ biện pháp phẫu thuật tắc ruột kịp thời nên đã giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Tất cả mọi người khi có triệu chứng đau bụng và nôn cần đến ngay cơ sở y tế để khám ngay, nhất là đối với những bệnh nhân trước đây có phẫu thuật bụng.
Đối với bệnh nhân thoát vị, phòng bệnh chủ động bằng cách phẫu thuật khi thuận lợi nhất lúc chưa bị nghẹt. Trên lâm sàng, tắc ruột là hội chứng ngoại khoa thường gặp và tắc ruột sau phẫu thuật có thể chiếm tỉ lệ 50% số trường hợp biến chứng sau mổ.
Vì vậy việc phòng bệnh tập trung vào việc điều trị thoát vị khi chưa nghẹt và điều trị viêm ruột thừa sớm; khi phẫu thuật phải thực hiện động tác nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật, bảo đảm vô trùng khi mở bụng.
Đối với tắc ruột cơ học do bã thức ăn, cần chọn các loại thức ăn dễ tiêu hóa; không nên dùng thức ăn có nhiều chất xơ, chất tanin của những thực phẩm hoa quả đã được nêu trên với số lượng quá nhiều. Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải xử trí can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật để lấy khối bã thức ăn ra mới khỏi được, vì vậy cần thận trong trong việc ăn uống.