Sau nhiều năm suy giảm, tầng lớp trung lưu hiện nắm giữ tỷ trọng tài sản của Mỹ nhỏ hơn 1% dân số giàu nhất, theo Bloomberg.
60% hộ gia đình trung lưu của xứ cờ hoa tính theo thu nhập (thước đo mà các nhà kinh tế thường sử dụng làm định nghĩa về tầng lớp trung lưu) có tổng tài sản giảm xuống còn 26,6% của cải quốc gia tính đến tháng 6. Đây là mức thấp nhất trong dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang trong 3 thập kỷ.
Lần đầu tiên, giới siêu giàu có tỷ trọng lớn hơn, ở mức 27%.
Dữ liệu cho thấy sự xói mòn chậm chạp trong an ninh tài chính của tầng lớp trung lưu đã thúc đẩy sự bất bình của cử tri trong những năm gần đây. Điều đó tiếp tục diễn ra thông qua đại dịch Covid-19, bất chấp hàng nghìn tỷ USD cứu trợ của chính phủ.
1% dân số siêu giàu Mỹ có nhiều của cải hơn tầng lớp trung lưu cộng lại. Ảnh: The Guardian. |
Trong khi “tầng lớp trung lưu” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau, nhiều nhà kinh tế học sử dụng thu nhập để xác định nhóm này. 77,5 triệu gia đình thuộc 60% trung lưu kiếm được khoảng 27.000-141.000 USD/năm, dựa trên dữ liệu của Cục điều tra Dân số.
Tỷ trọng của nhóm này trong 3 loại tài sản chính (bất động sản, cổ phiếu và doanh nghiệp tư nhân) đã sụt giảm trong một thế hệ. Điều đó khiến cuộc sống của họ trở nên bấp bênh, với số dự trữ tài chính ít hơn đề phòng khi mất việc.
1% giàu nhất (khoảng 1,3 triệu gia đình trên tổng số gần 130 triệu hộ) kiếm được hơn 500.000 USD/năm. Sự tập trung của cải vào tay một phần nhỏ dân số là cốt lõi của những cuộc chiến chính trị lớn của đất nước.
Tổng thống Joe Biden đang tìm cách cứu trợ các gia đình lao động và trung lưu với gói 3,5 nghìn tỷ USD, bao gồm hỗ trợ chăm sóc trẻ em, giáo dục và sức khỏe, được chi trả bằng việc tăng thuế đối với các cá nhân có thu nhập cao.
Tổng thống Joe Biden đang tìm cách cứu trợ các gia đình lao động và trung lưu ở Mỹ trong đại dịch. Ảnh: Business Insider. |
Trong 30 năm qua, 10 điểm phần trăm sự giàu có của người Mỹ đã chuyển sang nhóm 20% có thu nhập cao nhất (hiện nắm giữ 70% tổng tài sản), dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy.
Các công nhân bị siết chặt về tài chính đã thúc đẩy sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống Donald Trump và phe dân túy trong đảng Cộng hòa.
Ở thế hệ trước, tầng lớp trung lưu nắm giữ hơn 44% tài sản bất động sản trong cả nước. Hiện, con số này giảm xuống còn 38%.
Đại dịch tạo ra sự bùng nổ về giá trị nhà ở đã mang lại lợi ích cho hầu hết người sở hữu bất động sản ngay từ đầu. Nó cũng dẫn đến giá thuê tăng vọt trong năm nay, khiến những người không đủ tiền mua một căn nhà bị ảnh hưởng. Vòng lặp tự cung, tự cấp tạo ra nhiều của cải hơn cho những người giàu hơn.
Lý do khác khiến sự giàu có của tầng lớp trung lưu bị xói mòn là những gia đình này nắm giữ phần nợ tiêu dùng không thế chấp quá lớn và ngày càng tăng, vốn thường đi kèm với lãi suất cao hơn.