Kết hôn mang đến lợi ích cho tài sản chung giữa các cặp đôi. |
Kết hôn có thể là con đường dẫn đến sự giàu có và thịnh vượng hơn cho các cặp đôi ở Mỹ, theo The Wall Street Journal.
Những người đã kết hôn có tài sản ròng lớn và có khả năng sở hữu nhà riêng hơn so với các cá nhân cùng độ tuổi nhưng chưa lập gia đình.
Vấn đề được đặt ra là vì sao các đôi chung sống mà chưa kết hôn lại vất vả hơn để gây dựng tài chính theo cùng cách so với các cặp đã cưới.
Sự chênh lệch
Tính đến năm 2019, giá trị tài sản ròng trung bình của các cặp đôi sống thử từ 25 đến 34 tuổi là 17.372 USD, chỉ bằng 1/4 so với mức 68.210 USD của các cặp vợ chồng cùng độ tuổi, theo dữ liệu từ Ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis (St. Louis Fed). Con số được thống kê với người độc thân là 7.341 USD.
Ana Kent, nhà nghiên cứu cấp cao tại St. Louis Fed, cho biết khoảng cách giàu nghèo giữa các đôi sống thử và các cặp vợ chồng lớn hơn mọi người vẫn nghĩ.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ các cặp đôi Mỹ chuyển đến sống cùng nhau đang trở nên cao hơn.
Tỷ lệ người trưởng thành kết hôn ở đất nước này giảm dần từ gần 60% vào những năm 1990 xuống dưới mức 50% vào năm 2019. Trong cùng khoảng thời gian, tỷ lệ người trưởng thành từ 18 đến 44 tuổi chuyển đến sống chung với bạn đời đã tăng lên 59%.
Andrew Cherlin, giáo sư xã hội học và chính sách công tại Đại học Johns Hopkins, người nghiên cứu về hôn nhân, cho biết nhiều cặp vợ chồng trẻ hiện nay xem hôn nhân như sự kiện “quan trọng bậc nhất”.
“Nếu bạn xây một mái vòm, viên đá ở góc là mảnh đầu tiên bạn đặt vào và viên đá ở chóp là mảnh cuối cùng. Điều này có nghĩa là mọi người xác định được rào cản kinh tế mà họ cần vượt qua trước khi kết hôn. Do đó, các cặp đôi thường có xu hướng đợi cho đến khi có công việc ổn định, sở hữu ôtô, thậm chí có thể là một ngôi nhà rồi mới kết hôn”, ông chia sẻ.
Nhiều cặp đôi thường đợi cho đến khi có công việc ổn định, sở hữu ôtô, thậm chí là nhà rồi mới kết hôn. |
Melissa Mowery (30 tuổi), Giám đốc truyền thông ở Asheville, Mỹ, hẹn hò với bạn trai 5 năm và chung sống gần 4 năm. Cả hai không hợp nhất tài chính, nhưng họ chia nhau chi phí thuê nhà và các hóa đơn khác. Mặc dù vậy, Mowery cho biết cô không thể hiểu được khoảng cách tài chính giữa mối quan hệ của mình và các cặp vợ chồng đã cưới.
“Chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền và chia nhỏ chi phí cho hầu hết khía cạnh trong cuộc sống. Tuy vậy, tôi vẫn không hiểu lý do các cặp vợ chồng đã kết hôn và chúng tôi vẫn có khoảng cách tài chính lớn như vậy”, Mowery cho hay.
Tăng tài sản
Ngoài những lợi ích về mặt pháp lý và thuế trong hôn nhân, nghiên cứu còn chỉ ra rằng sự an toàn về mặt tài chính và tư duy gắn bó của những người đã kết hôn cũng có thể là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự giàu có.
Bà Kent cho biết ngày càng có nhiều cặp vợ chồng góp tiền dưới hình thức chia sẻ tài khoản tiết kiệm hay cùng nhau đầu tư để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Các cặp sống thử ít có khả năng kết hợp tài chính và đầu tư hơn.
Emily Garbinsky, phó giáo sư ngành tiếp thị tại Đại học Cornell, người nghiên cứu hành vi tài chính của các cặp vợ chồng, cho biết có hai khoản thu nhập và kết hợp các khoản đầu tư để tối đa hóa lãi kép có thể làm tăng đáng kể nguồn tài chính của một cặp vợ chồng.
Nói theo cách đơn giản, những người đã kết hôn có khả năng đồng thuận về mặt tài chính hơn các cặp sống thử.
Các cặp vợ chồng cùng đầu tư tạo ra nguồn thu nhập lớn hơn. |
Những đôi đã kết hôn có khả năng đồng thuận cao hơn trong cuộc trò chuyện liên quan đến mục tiêu mà họ đặt ra cho tương lai tài chính của mình. Có lý do đặc biệt khiến họ quyết định kết hợp nguồn tài chính.
Giáo sư Garbinsky cho biết các cặp đôi sống thử có thể chưa sẵn sàng để hợp nhất tài chính. Thu nhập hay khoản tài chính riêng đảm bảo phần lớn cho mỗi cá nhân. Do đó việc chia sẻ chúng có thể khiến mọi người cảm thấy e ngại.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.