CDC khuyến nghị người dân tiêm phòng trước khi đi du lịch nước ngoài. Ảnh: Shutterstock. |
Thông báo được đưa ra khi các ca bệnh sởi đồng loạt gia tăng ở Mỹ và các khu vực phổ biến với khách du lịch Mỹ, đặc biệt là châu Âu.
Sởi là bệnh nhiễm do virus gây ra, rất dễ lây lan và có thể dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi, xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.
CDC khuyến nghị người dân tiêm phòng đầy đủ
Thông báo mới khuyến khích mọi người tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi, đặc biệt khi có kế hoạch đi du lịch quốc tế. Các bác sĩ và nhân viên y tế công cộng cũng khuyến nghị người dân nên nhận thức rõ nguy cơ mắc bệnh sởi và các hậu quả có thể xảy ra.
Thông báo được đưa ra vào thời điểm các ca bệnh sởi đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vài thập kỷ trở lại đây. Năm 2000, bệnh sởi được tuyên bố bị loại bỏ khỏi Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 2019, gần 1.300 trường hợp đã được chẩn đoán trên 31 tiểu bang - tất cả đều xảy ra khi bệnh nhân đi du lịch nước ngoài.
Từ đầu năm cho đến nay, Mỹ có 16 trường hợp mắc bệnh sởi được phát hiện, trong đó 14 trường hợp liên quan đến các chuyến du lịch nước ngoài. CDC ước tính năm nay, số người Mỹ có kế hoạch đi du lịch quốc tế gấp đôi so với năm ngoái.
Bệnh sởi đang gia tăng ở các điểm du lịch nổi tiếng trong những năm gần đây. Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc bệnh lớn nhất với 73.536 ca, được ghi nhận từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2023. Trong khi đó, WHO đã tuyên bố vào tháng 1, tháng 2 năm nay, số ca mắc bệnh ở châu Âu đã vượt quá cùng kỳ năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận có tỷ lệ mắc bệnh cao, các nước Anh, Áo. Serbia cũng có số ca nhiễm gia tăng.
Những nơi tập trung đông người như bảo tàng, điểm du lịch, nhà hàng làm tăng nguy cơ truyền nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc di chuyển đến các khu vực có số lượng lây nhiễm cao hay xuất phát từ đó đi các nơi cũng tiềm ẩn rủi ro.
Tiến sĩ David Berger, bác sĩ nhi khoa, người sáng lập công ty giáo dục sức khỏe ở Tampa, Florida, chia sẻ với Healthline: “Khi du lịch, thời gian mọi người ở trên máy bay và xe buýt tăng lên, những không gian kín này thường chứa virus lây bệnh’’.
Hầu hết trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh: Pexels. |
Tại sao các ca mắc bệnh sởi đang gia tăng?
Giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 khiến gần 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới bị chậm tiêm vaccine sởi lần đầu hoặc lần hai, dẫn đến miễn dịch xã hội với bệnh suy yếu. Lệnh giãn cách xã hội giúp các ca mắc bệnh sởi ở Mỹ giảm vào năm 2020, 2021 (giảm xuống lần lượt là 13 và 49 ca mắc). Nhưng khi cuộc sống trở lại bình thường, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng gia tăng.
Tiến sĩ Michael Chang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở trẻ em của UTHealth Houston và Bệnh viện Children’s Memorial Hermann, cho biết một yếu tố tiềm ẩn khác liên quan đến việc cha mẹ ngày càng cẩn trọng, do dự với vaccine dẫn đến tình trạng trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Các chuyên gia cho rằng những bài đăng có nội dung chống tiêm chủng lan truyền trên mạng xã hội có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm phòng sởi giảm.
Tiến sĩ Brian Labus, trợ lý giáo sư tại trường Y tế Công cộng, Đại học Nevada Las Vegas, lưu ý việc thiếu nhận thức về căn bệnh này cũng có thể dẫn đến giảm tỷ lệ tiêm chủng. Ông nói nhiều phụ huynh không cho con tiêm phòng vì nghĩ bệnh hiếm xảy ra ở Mỹ.
Những điều cần biết về tiêm phòng bệnh sởi
Nhưng thực tế, việc tiêm phòng rất quan trọng trong ngăn ngừa sự lây truyền và loại bỏ bệnh sởi.
Tiến sĩ Michael Chang chia sẻ: “Chúng ta cần tỷ lệ tiêm vaccine cao (trên 94-95%) để duy trì khả năng miễn dịch của cộng đồng. Thậm chí, chỉ cần 10 người dễ bị nhiễm sởi, dịch bệnh cũng có thể bùng phát’’.
Vaccine sởi, quai bị và rubella (MMR) thường được tiêm hai liều ở độ tuổi khi trẻ còn nhỏ. Theo tiến sĩ Ilan Shapiro, bác sĩ nhi khoa tại Dịch vụ Y tế AltaMed, Los Angeles, trẻ cần được tiêm phòng sởi khi 12-15 tháng tuổi. Liều tiêm thứ 2 vào giai đoạn 4-6 tuổi. Việc này rất quan trọng để hình thành khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, tiến sĩ Michael Chang cho rằng nếu du lịch tới khu vực có dịch sởi, trẻ nên được tiêm phòng sớm hơn, khoảng lúc 6-11 tháng tuổi. Sau hai liều, vaccine có hiệu quả 97%, mức độ bảo vệ của nó vẫn cao trong nhiều năm sau.
Hiện tại, vaccine sởi gần như có tác dụng với tất cả chủng sởi đang lưu hành. Ngoài ra, theo chuyên gia, tác dụng phụ của nó rất thấp, phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm, sốt (<15%), phát ban (5%). Nếu bị sốt khoảng một tuần sau khi tiêm chủng, cơn sốt thường chỉ kéo dài1-2 ngày. Sốt co giật hiếm khi xảy ra, nó thường là triệu chứng khi trẻ nhiễm sởi.
Nên tiêm vắc xin sởi đầu tiên khi trẻ được 12-15 tháng. Ảnh: Shutterstock. |
Ảnh hưởng của bệnh sởi
Tiến sĩ Brian Labus nhấn mạnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Theo CDC, một người mắc bệnh sởi có thể lây nhiễm cho 9/10 người không được tiêm chủng ngừa bệnh.
Bệnh sởi lây truyền giữa qua các giọt hô hấp khi người mắc sởi nói, hát, ho. Chúng có thể tồn tại trong không khí hàng giờ.
Tiến sĩ Michael Chang cho biết căn bệnh này xuất hiện triệu chứng ở khoảng 90% trẻ mắc bệnh. Có thể mất đến hai tuần, bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng.
Các triệu chứng ban đầu ở cả người lớn và trẻ em đều như nhau và giống cảm lạnh và cúm, bao gồm sốt cao, sổ mũi, viêm kết mạc, ho, đau họng. Phát ban của bệnh sởi xuất hiện sau 3-7 ngày kể từ khi người bệnh có những dấu hiệu đầu tiên.
Tiến sĩ David Berger cho biết: "Bệnh thường bắt đầu trên mặt và chân tóc dưới dạng những đốm đỏ phẳng, sau đó lan xuống dưới. Đôi khi, những vết sưng nhỏ nổi lên trên những nốt đỏ phẳng. Một dấu hiệu cụ thể khác của bệnh sởi là 'Đốm Koplik' - những đốm trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ thường thấy ở bên trong má".
Nếu trẻ có triệu chứng của bệnh sởi, cha mẹ cần cho con ở nhà. Trường hợp mắc bệnh sởi nghiêm trọng cần phải nhập viện. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.