Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đại học?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ trước quyết định gây sốt: dừng tuyển sinh của hơn 200 ngành đào tạo đại học.

Bộ không gây khó cho các trường

- Thưa Thứ trưởng, khi Bộ GD-ĐT quyết định dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo đại học năm 2014, dư luận nhìn nhận động thái này đáng ra phải được làm sớm hơn. Tại sao đến cuối năm 2013, Bộ mới có chỉ đạo quyết liệt như vậy?

- Năm 2010, Bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã cảnh báo 139 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ thuộc 55 cơ sở đào tạo thiếu giảng viên cơ hữu.

Hai năm sau, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 trường ĐH, viện, học viện không khắc phụ được tình trạng thiếu giảng viên.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga. (Ảnh: An Hoàng).

Năm 2012, Bộ tiếp tục rà soát các chuyên ngành Thạc sĩ và đã thông báo dừng tuyển sinh đối với 161 chuyên ngành không đủ giảng viên cơ hữu.

Năm 2013, Bộ rà soát các chuyên ngành đào tạo đại học và thông báo dừng tuyển sinh 207 ngành.

Trong năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các ngành bậc cao đẳng để xử lý những trường hợp thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng theo qui định.

Như vậy, Bộ đã đặt vấn đề rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của giáo dục ĐH từ hơn 3 năm nay nhưng đã làm từng bước một để các nhà trường có thời gian chuẩn bị bổ sung đội ngũ, không gây khó khăn lớn cho các nhà trường.

207 ngành đại học bị dừng tuyển sinh năm 2014

Ngày 25/1, Bộ GD-ĐT công bố kết quả rà soát ngành ĐH, CĐ trong trường đại học. Theo đó, dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ đại học do không đáp ứng các điều kiện quy định.

 

- Sự quyết liệt này có thể hiểu là Bộ GD-ĐT đang bắt đầu "trận đánh nâng chất lượng giáo dục ĐH" không, thưa Thứ trưởng? Có nghĩa Bộ GD-ĐT cũng đã thấy được thực trạng đào tạo ĐH hiện có quá nhiều vấn đề cần phải xốc lại?

- Quán triệt tinh thần Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ đã chuyển mô hình phát triển giáo dục ĐH từ chú trọng phát triển qui mô sang đảm bảo chất lượng.

Để thực hiện mô hình phát triển này, ngành đã chọn những bước đi thận trọng những rất quyết liệt: Đổi mới quản lý theo chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ; giao quyền tự chủ cho các nhà trường theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học; củng cố các hệ đào tạo không chính qui theo các thông tư 57, 55; rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo theo thông tư 38, 08; giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường...

Việc rà soát và dừng tuyển sinh các ngành đào tạo không còn đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng nằm trong kế hoạch tổng thể của Bộ nhằm nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Mỗi ngành phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ

- Thực tế khi quyết định được ban hàn, lãnh đạo một số trường cho rằng cách tính toán các điều kiện có nhầm lẫn dẫn đến việc dừng tuyển sinh bị oan. Đã từng làm lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng có chia sẻ gì với các trường? Nếu vì vấn đề chung "nâng chất lượng đào tạo" - Thứ trưởng có hy sinh quyền lợi trước mắt?

- Để có được quyết định mở ngành, các trường phải trải qua những bước kiểm tra rất nghiêm ngặt về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên qui định tại Thông tư 08.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai đào tạo, đội ngũ giảng viên có thể có những biến động như nghỉ hưu, chuyển công tác... và các trường thay thế vào đó bằng các giảng viên thỉnh giảng.

Nếu không có qui định cứng về đội ngũ giảng viên cơ hữu thì các trường sẽ sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là chính vì nhiều lý do: khó tuyển dụng được giảng viên trình độ cao; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có trình độ tiến sĩ rất công phu và tốn kém; cán bộ cơ hữu ít thì chi phí quỹ lương của đơn vị thấp...

Về toàn cục, việc làm này dẫn đến nguy cơ lực lượng giảng viên trong toàn hệ thống không phát triển theo yêu cầu đảm bảo chất lượng ngày một cao hơn.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học hiện nay, Bộ qui định mỗi một ngành phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng chuyên ngành làm giảng viên cơ hữu. Đây là qui định tối thiểu, không thể nào thấp hơn nữa.

- Bộ GD-ĐT có lường đến phản ứng của một số trường có quá nhiều ngành bị dừng tuyển sinh trong năm 2014?

- Trong các cuộc họp tổng kết năm học gần đây, Bộ đều quán triệt hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ về phương châm hành động đổi mới, siết chặt kỷ cương để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực tế, việc giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học, siết chặt liên kết đào tạo, qui định mới về đào tạo liên thông... để nâng cao chất lượng đào tạo đã được sự đồng tình của lãnh đạo các trường ĐH dù những chủ trương này có ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường.

Nay, nếu trong quá trình rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng, nếu ngành nào còn thiếu giảng viên buộc phải tạm dừng tuyển sinh, các trường cũng thấy đây là việc cần thiết phải làm, dù số lượng ngành phải dừng tuyển sinh nhiều hay ít.

Đợt rà soát vừa qua cho thấy có hơn 75% số trường ĐH đã làm rất tốt công tác phát triển giảng viên, vượt xa so với điều kiện mở ngành ban đầu.

Tuy nhiên, 25% số trường còn lại còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng cán bộ giảng dạy trình độ cao.

Những trường này cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quyết liệt hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.

Mở ngành không đồng nghĩa với trường được đào tạo vĩnh viễn

- Thứ trưởng có suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, khi Bộ GD-ĐT quyết định cho mở ngành đã thừa nhận đủ điều kiện để nhà trường có "giấy thông hành", nhưng sau một thời gian hoạt động bị dừng tuyển sinh thì không chỉ hiệu trưởng sốc mà những giảng viên đang giảng dạy những ngành đó cũng sẽ sốc nặng?

- Khi mở ngành, đương nhiên các trường phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tối thiểu qui định tại Thông tư 08.

Nếu các trường không phát triển thêm đội ngũ trong quá trình tuyển sinh, đào tạo thì điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ rất mong manh.

Chỉ cần một cán bộ cơ hữu có trình độ qui định vì lý do nào đó không tiếp tục công tác tại cơ sở đào tạo thì ngành này rơi vào tình trạng thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng.

Được phép mở ngành đào tạo không có nghĩa là trường được đào tạo "vĩnh viễn" ngành này mà phải luôn quan tâm đến việc đào tạo, tuyển dụng bổ sung đội ngũ, phát triển cơ sở vật chất để đảm bảo sự phát triển của ngành.

- Giả sử, sau thời hạn hai năm, nhà trường không đáp ứng đủ các điều kiện quy định, Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi quyết định mở ngành vĩnh viễn thì đội ngũ giảng viên sẽ xử lý thế nào? Họ sẽ không chuyển sang ngành khác....

- Lần này Bộ chỉ mới tạm dừng tuyển sinh các ngành thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng.

Trong vòng 2 năm tới, bất cứ khi nào trường bổ sung đủ đội ngũ giảng viên theo qui định thì sẽ được phép tuyển sinh trở lại. Quá thời hạn trên, quyết định cho phép mở ngành sẽ bị thu hồi.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, các trường cần xác định hoặc tuyển dụng đội ngũ bổ sung hoặc điều chuyển cán bộ sang các công tác khác. Đây thuộc quyền tự chủ quyết định của nhà trường.

"Không nghiêm thì khó đến đích an toàn"

- Thứ trưởng có tin tưởng sau thông điệp mạnh mẽ này, chất lượng giáo dục ĐH sẽ khác hay sẽ phải có những thông điệp mạnh mẽ hơn?

- Mục tiêu của đổi mới là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Việc siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa các hoạt động đào tạo mới chỉ là những việc làm ban đầu để uốn nắn các hoạt động đào tạo theo đúng qui định của pháp luật.

Việc quan trọng cần làm tiếp theo của giáo dục đại học là định hướng lại mục tiêu đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đó là chuyển từ cách tiếp cận cung cấp kiến thức cho người học là chủ yếu sang chú trọng phát huy năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân. Điều này đòi hỏi đổi mới căn bản từ tư duy, nhận thức đến phương pháp giảng dạy, quản lý đào tạo...

Do đó, những thông điệp tiếp theo của ngành sẽ mạnh mẽ hơn để đưa sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo đến thành công.

Tuy nhiên, những điều chỉnh, uốn nắn ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng.

Tương tự như người tham gia giao thông, nếu không chấp hành nghiêm luật đi đường thì dù đường đi đã vạch sẵn cũng khó đến đích an toàn.

- Thứ trưởng đã từng phát biểu về vấn đề phân tầng ĐH nhưng sẽ bắt đầu vào thời gian nào?

- Thực hiện Luật Giáo dục Đại học, hiện nay Bộ GD-DT đang dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH.

Luật cũng đã qui định rõ các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được chia thành các trường đại học theo định hướng nghiên cứu, các trường ĐH theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng theo định hướng thực hành nghề nghiệp.

Sau khi có các tiêu chí phân tầng, xếp hạng, điều kiện tối thiểu để mở ngành của các trường thuộc các tầng khác nhau cũng sẽ khác nhau.

Thực tế số lượng, chất lượng đội ngũ của các ngành sẽ là một trong những căn cứ để các tổ chức kiểm định chất lượng đánh giá xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/160456/tai-sao-dung-tuyen-sinh-hon-200-nganh-dai-hoc-.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm