Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao lại là ‘This is America’?

“This is America” được chọn tại Grammy lần thứ 61 phải chăng vì ca khúc mang những ẩn ức thời đại, khó gọi tên, khó giải quyết.

Như nhiều năm nay, Grammy, giải thưởng danh giá nhất của Viện Hàn Lâm Thu âm Mỹ đã kết thúc trong tranh cãi. Những lựa chọn rất khó để thỏa đáng hoàn toàn, và khâu tổ chức cũng chẳng dễ chiều lòng được tất cả.

Nhưng Grammy lần thứ 61 được đánh giá là đã có những thay đổi cầu thị và tích cực, ít nhất là trong những lựa chọn tên chiến thắng. Trong đó, This is America với cú đúp Ca khúc của năm và Thu âm của năm là một xứng đáng, dù cũng gây không ít bất ngờ.

Childish Gambino, anh 1
This is America với cú đúp Ca khúc của năm và Thu âm của năm được đánh giá là xứng đáng.

Bất ngờ cho rap và nghệ sĩ da màu

Trong lễ trao giải Grammy vừa qua, Childish Gambino, chủ nhân của This is America không có mặt trên sân khấu nhận giải. Như nhiều nghệ sĩ khác, Childish Gambino cũng từ chối xuất hiện tại giải thưởng của Viện Hàn Lâm năm nay.

Bởi lẽ, Grammy từng bị cho là bạc bẽo với nghệ sĩ da màu. Dù được đề cử, nhiều người nghĩ cơ hội của Childish Gambino không cao, và This is America cũng rất khó được chọn.

“Một ca khúc rap ư, một nghệ sĩ da màu ư? Là không thể”. Nhưng kết quả chính thức lại là This is America. Dù thời gian gần đây, hip-hop/rap có dấu hiệu lên ngôi trên những bảng xếp hạng âm nhạc uy tín. Nhưng 2019, cũng là lần đầu tiên một ca khúc rap chiến thắng ở cả hai hạng mục quan trọng tại Grammy.

Có lẽ, đó là một bất ngờ cho chính các nghệ sĩ da màu, cộng đồng rap-hip-hop. Và tất nhiên, bất ngờ cho cả chính Childish Gambino khi nhiều người trước đó vẫn đồn đoán rằng rapper Drake, người đứng đầu danh sách đề cử giải Grammy 61 với 8 đề cử, sẽ đoạt giải, ít nhất là ở hạng mục Thu âm của năm.

Nhưng, có lý do để Childish Gambino với This is America được chọn, và là một chiến thắng không gây tranh cãi.

Childish Gambino, anh 2
Childish Gambino gửi gắm tinh thần phản kháng trong ca khúc của mình. Ảnh: Gettyimage.

Lý do “This is America” được lựa chọn

This is America gây tranh cãi ngay thời điểm ra mắt. Một ca khúc vốn không dễ nghe hay “nghe không dễ chịu” lại kèm với một MV cũng gai góc không kém. Nhưng càng nghe lại càng thấm, và đằng sau MV đầy bạo lực và gai góc lại là những thông điệp nhân văn, những ẩn ức xã hội đang tồn tại ở nước Mỹ, không dễ giãi bày.

Adele từng cho biết cô ấn tượng với ca khúc, trong khi Kanye West và nhiều nghệ sĩ khác cũng chia sẻ MV lên trang cá nhân. Phần nào cho thấy  This is America thuyết phục được cả giới trong nghề.

Ca khúc gửi gắm những thông điệp về vấn nạn bạo lực súng tại Mỹ, và vấn đề phân biệt chủng tộc, sự vô cảm của con người vốn vẫn tồn tại trong xã hội. Âm thanh “This is America” vang lên liên hồi, dồn dập, như một tiếng kêu, một sự lột tả chua xót. Tưởng lạnh lùng, dửng dưng nhưng càng nghe càng thấm.

This Is America của Childish Gambino mang trong mình tinh thần phản kháng, vốn xuất hiện trong nhiều ca khúc Mỹ của nhiều thập niên trước. Đủ gai góc, đủ đáng sợ nhưng cũng có chút gì đó hài hước để lay động con người, để giúp số đông nhìn lại trong xã hội Mỹ.

Xem MV, có rất nhiều chi tiết, nếu không để ý kỹ, công chúng có thể bỏ qua. Chỉ với 4 phút, MV phác họa cả một bức tranh xã hội, chuyện lớn, chuyện nhỏ đan xen vào nhau, nhiều chi tiết gây nhói lòng.

Trong đó, không thể không bàn đến là cảnh một vài người xung quanh bịt mặt dùng điện thoại trước những đau thương, mất mát của người khác. Như bao người khác, với họ, dường như điều quan trọng là phải đăng được những hình ảnh hoặc clip nóng trên mạng, chứ không có ý muốn giúp đỡ kẻ bị hại. Một hiện trạng xã hội, đáng buồn và đáng lên án.

Childish Gambino, anh 3
Lê Minh Sơn cho rằng nhạc Việt thiếu vắng những ca khúc có thông điệp xã hội.

Thiếu vắng ca khúc của thông điệp xã hội?

Kết quả của Grammy và câu chuyện về This is America có thể liên hệ với thị trường nhạc Việt. Nhiều chuyên gia từng chia sẻ rằng nhạc Việt đang rất thiếu vắng những ca khúc phản ánh, gửi gắm thông điệp xã hội.

Dạo một vòng nhạc Việt, không khó để khẳng định chủ yếu vẫn là những ca khúc tình yêu, day dứt, đau khổ. Những cảm xúc như thất tình, thương nhớ. Rất khó để bắt gặp được một ca khúc vừa hay vừa mang thông điệp thời sự xã hội, và được số đông yêu thích.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng bày tỏ với Zing.vn rằng “sống vờ thì nhạc cũng sẽ vờ”, có nghĩa rất nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay thiếu những quan sát xã hội để làm nên những ca khúc thời sự, cho màu nhạc Việt thêm đa sắc.

“Nhưng cũng không trách các bạn ấy được, đó không phải là sứ mệnh của các bạn ấy. Các bạn ấy mà sáng tác chuyện xã hội thì cũng nhạt như nước lã thôi, chẳng động chạm đến cái gì được đâu. Sống vờ thì nhạc cũng sẽ vờ”, anh nói.

Lê Minh Sơn từng có một ca khúc rất hay lấy tên như lời ru À í a, nói về việc người nông dân mất đất sẽ đi về đâu. "Bên cạnh làng tôi đất bán hết rồi/ Chỉ còn nho nhỏ nghĩa địa xa xa", đó thực quả là một ca khúc hay, nặng lòng và nhiều thông điệp. Nhưng rất tiếc, nhạc Việt không nhiều ca khúc như vậy.

Quang Đức

Bạn có thể quan tâm