Ngày 12/10, Netflix thông báo Squid Game chính thức vượt mốc 111 triệu lượt xem, trở thành series ra mắt thành công nhất từ trước tới nay của nền tảng phát hành nội dung trực tuyến này. Kỷ lục trước đó thuộc về Bridgerton với 86 triệu lượt xem trong tháng đầu tiên.
Squid Game là một bộ phim sinh tồn của Hàn Quốc, ở đó, những người tham gia phải trải qua 6 trò chơi gắn liền với tuổi thơ là Đèn xanh đèn đỏ, Tách kẹo, Kéo co, Bắn bi, Vượt cầu kính, Con mực.
Người chiến thắng sẽ nhận giải thưởng trị giá 45,6 tỷ won. Cái giá mà những người thất bại phải trả chính là mạng sống. Một ý tưởng bất thường gắn với những thứ đã trở nên quen thuộc, cộng với cảm giác nghẹt thở giữa hai thái cực sống - chết là một số yếu tố giúp bộ phim trở nên ăn khách. Bộ phim có mặt ở khắp nơi, trên mặt báo, các mạng xã hội, trong các chương trình giải trí và trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của các câu chuyện phiếm.
Bộ phim sinh tồn đứng đầu trên Netflix ở 70 quốc gia. Ảnh: Netflix. |
Nhưng sự phổ biến của bộ phim lại tiềm ẩn một nguy cơ khác, đó là đưa bộ phim đến với cả những đứa trẻ. Chúng có thể xem một mình hoặc thậm chí được phép xem cùng phụ huynh. Họ quên mất rằng độ tuổi khuyến cáo của mỗi bộ phim không phải là thứ luật lệ được đặt ra cho vui.
Độ tuổi nào phù hợp để xem phim?
Độ tuổi khuyến cáo cho Squid Game trên Netflix là TV-MA, nghĩa là nó chỉ dành cho người lớn.
Theo TV Guidelinee, TV-MA là “những chương trình được thiết kế đặc biệt cho người xem trưởng thành, do đó không phù hợp với trẻ em dưới 17 tuổi. Chương trình có thể có một trong những yếu tố sau: ngôn ngữ khiếm nhã, thô lỗ, các cảnh làm tình, hoặc hình ảnh bạo lực”.
Liệu một đứa trẻ 12 tuổi có thể xem bộ phim hay không?
“Những đứa trẻ bắt đầu xem Squid Game thường 9 hoặc 10 tuổi" - Laura Linn Knight, một chuyên gia giáo dục về nuôi dạy con và là cựu giáo viên tiểu học, trả lời trên chương trình Today của NBC. "Tôi cho rằng đó tuổi đó vẫn là độ tuổi không phù hợp".
Tại sao bộ phim không phù hợp với trẻ?
Bà Knight cho biết bởi vì phải đến tuổi 25, não bộ của con người mới phát triển hoàn thiện. Do đó, những hình ảnh bạo lực của Squid Game có thể là quá sức với một đứa trẻ.
"Không ít bậc cha mẹ cho rằng "con tôi có thể hiểu và tách bạch được hiện thực và những tưởng tượng của phim ảnh. Nhưng trẻ em không phân biệt được nhiều thứ như chúng ta nghĩ. Vì vậy, khi chúng ta cho trẻ tiếp xúc với những hình ảnh này và kỳ vọng chúng hành động như một người trưởng thành sẽ là một mong muốn phi lý" - bà Knight chia sẻ.
Tại sao Squid Game lại đáng sợ với trẻ em?
Trả lời Today, bà Knight cho biết yếu tố bạo lực được đưa vào một số hoạt động thường ngày của trẻ và điều đó có thể khiến Squid Game trở nên đặc biệt đáng sợ với trẻ em.
Các nhà làm phim đã sử dụng chính các trò chơi tuổi thơ làm nền cho các trò chơi sinh tử. Đó là những trò chơi mà trẻ con vẫn chơi ở sân trường cùng bạn bè. Nhưng trong Squid Game, nó lại gắn với những sắc thái khác: bạo lực và cái chết.
Ngoài ra, không phải đứa trẻ nào sau khi xem phim xong cũng dám chia sẻ với cha mẹ những điều mà chúng sợ bởi vẫn muốn được xem phim và có thể sợ bị trách phạt.
Nhưng con tôi vẫn nài nỉ được xem. Tôi phải làm gì?
Những đứa trẻ than khóc, giận dỗi cùng câu hỏi “tại sao con không được xem trong khi các bạn con lại được?”. Đây có lẽ là câu hỏi quen thuộc mà các bậc cha mẹ thường được nghe trong quá trình lớn lên cùng con cái.
Trẻ em có thể cảm thấy bị ra rìa khi mình không được làm những thứ mà bạn bè làm. Bà Knight nhấn mạnh đây chính là lúc các bậc cha mẹ có thể ngồi xuống và trò chuyện cùng con, là cơ hội tốt để trẻ hiểu bài học rằng mỗi gia đình đều có những lựa chọn khác nhau, lựa chọn của gia đình mình là gì và tại sao.
"OK, bố mẹ hiểu rằng đây là một vấn đề quan trọng đối với con. Các bạn của con đang xem Squid Game và con cũng muốn xem. Con biết gì về bộ phim nào?" - bà Knight gợi ý cho cha mẹ cách mở đầu cuộc trò chuyện.
Đó là cách để cha mẹ cho con biết rằng họ không khăng khăng giới hạn của mình mà đang mời đứa trẻ vào một cuộc đối thoại hai chiều để cha mẹ có thể hiểu con hơn và con cũng hiểu cha mẹ hơn.
Đây cũng là cách mà các bậc cha mẹ có thể tiếp cận các vấn đề khác cùng với con.
Cho trẻ em một cuộc trò chuyện cởi mở và ngang hàng là công cụ hữu ích mà các bậc cha mẹ nên học và áp dụng thường xuyên trong cuộc sống.
Trẻ em rất dễ bị ấn tượng, bắt chước và học theo vì vậy hãy đảm bảo rằng chúng có một môi trường an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần để phát triển và hoàn thiện lành mạnh.