Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài xế công nghệ: Không làm chỉ vì… '5 sao'

Thừa nhận “5 sao” là áp lực lớn đối với người làm nghề lái xe công nghệ, nhưng không vì vậy mà những tài xế Grab cho phép mình “làm màu” hay lừa dối khách hàng.

Là một trong những tài xế công nghệ được nhận lời khen thường xuyên từ khách, luôn nằm trong top tài xế được chấm sao cao, “bác tài” Lê Viết Mạnh (51 tuổi) và Nguyễn Bá Đạt (26 tuổi) đều tâm niệm: “Tài xế công nghệ là nghề làm dâu trăm họ. Phải luôn nhớ rằng khách hàng là ‘thượng đế’ và bản thân không đặt nặng việc chấm sao, cứ làm tốt công việc của mình là được”.

Áp lực “5 sao” giúp gia tăng chất lượng

Với Grab, mỗi chuyến đi sẽ được đánh giá theo thang điểm 1-5 sao dựa trên mức độ hài lòng của khách hàng. Khó ở chỗ không biết định nghĩa “sự hài lòng” như thế nào cho đúng. Không ít tài xế bộc bạch rằng họ phải nín chịu khi gặp một số khách hàng quá quắt vì sợ bị đánh giá thấp điểm và ảnh hưởng đến uy tín của hãng.

GrabCar anh 1
Grab cho phép người dùng đánh giá chất lượng tài xế qua mức sao 1-5.

Bác Lê Viết Mạnh (Đà Nẵng) kể: “Có nhiều trường hợp tôi phải xin lỗi, từ chối, khi khách mang động vật lên xe vì sợ một số khách hàng sau có thể bị dị ứng với lông chó mèo. Đôi khi không phục vụ được khách hàng cũng thấy buồn lắm, nhưng đành từ chối cuốc xe, dù biết không phải khách hàng nào cũng hiểu và chịu nghe mình giải thích. Gặp trường hợp vậy tài xế cũng cần chủ động cập nhật cho tổng đài biết tình huống để chia sẻ”.

Hay như trường hợp của anh Nguyễn Bá Đạt (TP.HCM), chạy xe đường dài giữa nắng hè 38-40 độ C nhưng vẫn phải tắt điều hòa, mở cửa kính vì khách bị say xe. “Mình đã chấp nhận làm nghề phục vụ rồi thì phải chiều khách, cố gắng đặt mình vào vị trí của khách để hiểu cảm giác của họ”, anh Đạt nói.

GrabCar anh 2
Tài xế Nguyễn Bá Đạt.

Làm tốt không chỉ vì… “5 sao”

Câu chuyện chiều khách phía trên chỉ là một trong rất nhiều thử thách của những người theo nghiệp cầm lái.                

Không dưới 5 lần nhận khen thưởng từ Grab, số lần trả lại đồ cho khách nhiều không đếm được, bác Lê Viết Mạnh là một trong những tài xế được đồng nghiệp ngưỡng mộ và khách hàng yêu mến.

Nói về “tay lái chuyên trả lại đồ”, bác Mạnh hào hứng kể lại kỷ niệm chở khách nước ngoài: “Cước phí là 64.000 đồng nhưng khách trả nhầm 700.000 đồng, tôi trả lại luôn. Già rồi nên không biết tiếng Anh, muốn nói cái gì lại phải nhờ Google dịch, tuy hơi mất thời gian nhưng trả lại tiền cho khách, giải thích được với họ thấy vui lắm”.

GrabCar anh 3
Khách hàng vui vẻ là niềm hạnh phúc của tài xế.

Niềm vui cầm lái có không ít nhưng cũng vô số lần những tài xế như bác Mạnh gặp phải tình huống “không nói nên lời”.

“Khách nhận đồ cảm ơn hoặc nhắn tin đến tổng đài làm mình rất hạnh phúc, cảm động. Nhưng cũng không ít người lúc hay tin thì mừng rỡ, đến khi nhận đồ lại đem theo nhiều người rồi kiểm tra từng chút một vì không tin tưởng khiến mình cảm thấy tự ái”, bác Mạnh trải lòng.

Buồn lòng là vậy nhưng bác Mạnh chưa từng nghĩ đến việc chuyển nghề hay từ bỏ Grab: “Đã làm tài xế thì không ai bỏ nghề được đâu. Một giờ, một ngày không chạy xe là thấy buồn bã”.

Bác Mạnh chia sẻ: “Danh hiệu, 5 sao hay khen thưởng không quan trọng bằng tình cảm ấm áp mình được nhận từ đồng nghiệp và hành khách. Mỗi ngày khách đi với mình đều thấy vui vẻ là hạnh phúc rồi”.

“Tài xế là nghề làm dâu trăm họ, luôn phải tiếp xúc với nhiều người mang tính cách khác nhau, vừa phải làm đúng nhiệm vụ vừa phải hài hòa với những đối tác, khách hàng của mình. Bởi vậy, phải luôn nhớ rằng khách hàng là ‘thượng đế’ và bản thân không đặt nặng việc chấm sao, cứ làm tốt công việc của mình là được”, bác Mạnh nói thêm.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm