Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tâm dịch thiếu đủ thứ nhưng tình người không bao giờ vơi'

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nhiều bác sĩ phải làm việc liên tục hơn 50 ngày khi dịch Covid-19 bùng phát.

6h, tiếng chuông báo thức từ điện thoại reo lên. Đó là lúc Nguyễn Hoàng Tùng - bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam - bắt đầu ngày làm việc.

Gần một tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Quảng Nam là nơi có số bệnh nhân nhiều thứ 2 ở Việt Nam. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam được chọn là cơ sở chữa trị các bệnh nhân Covid-19.

“Ban đầu, nhiều người xin nghỉ”

Đó là câu nói đầu tiên của bác sĩ Tùng khi bắt đầu buổi trò chuyện. Sau gần một tháng, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam trải qua nhiều cung bậc cảm xúc.

Bác sĩ Tùng kể: “Thời gian đầu, khi vừa nhận lệnh điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, mọi người ai cũng lo lắng. Nhiều nhân viên xin nghỉ việc luôn. Ai cũng có nỗi sợ trong lòng, sợ lây nhiễm, sợ mình trở thành nguồn lây cho gia đình. Áp lực từ công việc này khủng khiếp lắm”.

Làm việc trong phòng hồi sức nhiều năm, Nguyễn Hoàng Tùng cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng ban đầu. Người đàn ông này tự hỏi bản thân: “Mình từ bỏ thì phần trách nhiệm đó sẽ đặt lên vai ai?”. Sau đó, Tùng gọi điện thoại về cho gia đình, thông báo ngắn gọn tin tức và quyết định ở lại bệnh viện.

Mỗi ngày, nhóm y bác sĩ đều tranh thủ trò chuyện, hỏi han nhau tại những buổi họp giao ban. Họ chia sẻ câu chuyện của bản thân, cùng nhau gỡ rối các khúc mắc. “Chúng tôi đã quen với áp lực, tự tìm niềm vui cho mình và lạc quan hơn nhiều”, bác sĩ Tùng nói.

Benh vien Da khoa Trung uong Quang Nam anh 1

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đang điều trị cho 52 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 4 ca nặng. Ảnh: BVCC.

"Tình đồng đội, tình người không bao giờ vơi"

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam có 7 bác sĩ hồi sức cấp cứu, điều trị cho 52 bệnh nhân Covid-19. Theo đánh giá của PGS.TS Đặng Đức Nhu, chuyên viên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cơ sở y tế này thiếu 86 bác sĩ và 99 điều dưỡng để đảm bảo việc điều trị.

Không gian bệnh viện được ngăn thành 3 khu vực, chia lối đi riêng cho các nhóm. Lối cho người an toàn là vùng xanh. Khu vực vận chuyển bệnh nhân hoặc bác sĩ di chuyển là vùng vàng. Nơi điều trị cho bệnh nhân nặng, người dương tính với virus là vùng đỏ.

Thiếu thốn nhân sự, nhiều bác sĩ phải làm việc liên tục không nghỉ. Theo bác sĩ Tùng, TS.BS Lê Viết Nhiệm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, đã làm việc trong vùng đỏ hơn 50 ngày.

“Anh ấy túc trực ở khu điều trị bệnh nhân nặng từ đợt dịch lần thứ nhất đến nay. Nhớ gia đình lắm, nhưng anh bảo ‘ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai’. Vậy nên tình cảm anh đều gửi gắm qua những cuộc điện thoại ngắn với người thân. Sự hy sinh của anh Nhiệm là nguồn động lực cho các nhân viên y tế vượt nỗi sợ hãi ban đầu, tiếp tục cống hiến sức mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”, bác sĩ Tùng kể lại.

Mỗi ngày, các bác sĩ phải trực liên tục trong 12 giờ. Công việc của các điều dưỡng cũng rất vất vả khi phải chăm sóc cho bệnh nhân nằm tại chỗ. Việc bỏ bữa giữa chừng khi sức khỏe của bệnh nhân diễn biến xấu là chuyện thường gặp với bác sĩ Tùng.

Xong việc, bác sĩ này và các đồng nghiệp đều cố nán lại phòng bệnh theo dõi thêm. Có ngày đến nửa đêm, họ mới trở về phòng nghỉ. Các bác sĩ đều biết rằng mỗi lần vào khu điều trị là tốn một bộ quần áo bảo hộ. Do đó, họ ở lại lâu hơn để tiết kiệm trang thiết bị vật tư y tế.

Nhận thấy sự vất vả của các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nhiều người dân đã mang thực phẩm đến ủng hộ. Bác sĩ Tùng chia sẻ dù mệt mỏi, hàng trăm y bác sĩ vẫn luôn động viên nhau, tin tưởng vào cuộc chiến này. Khi bệnh nhân xuất viện, các bác sĩ đều tới tận giường để hỏi thăm và dặn dò biện pháp phòng dịch.

“Ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ có tình người không bao giờ vơi” - đó là lời tâm sự của Bác sĩ Tùng khi nói về những người đồng đội và công việc hiểm nguy họ đang làm.

Nguyễn Hoàng Tùng cùng rất nhiều các nhân viên y tế đã lựa chọn ở lại và kiên cường chiến đấu với dịch bệnh và cả nỗi sợ của bản thân. Bằng tinh thần lạc quan cùng kiến thức chuyên môn vững vàng, các y bác sĩ đang hết mình làm việc để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân. Đây cũng chính là thông điệp tích cực mà Zing và Comfort muốn lan tỏa tới cộng đồng: Sống lạc quan và cùng tin tưởng vào chiến thắng đang chờ phía trước.

ZingComfort đồng thực hiện chiến dịch "Sống lạc quan - Không chủ quan" nhằm lan tỏa năng lượng tích cực, cùng bạn đọc chung tay phòng dịch Covid-19.

Chứa chiết xuất vỏ cam và tràm trà 100% thiên nhiên, nước xả vải em bé Comfort Kháng Khuẩn Dịu Nhẹ được Viện Pasteur chứng nhận loại bỏ tới 99,9% vi khuẩn khi xả. Công thức chăm sóc sợi vải đặc biệt, giúp áo quần bé thoáng khí và thoát mồ hôi nhanh hơn. Sản phẩm được Bệnh viện Da liễu Trung Ương chứng nhận an toàn giúp mẹ hoàn toàn an tâm bảo vệ bé suốt ngày dài.

Để tìm hiểu thêm thông tin sản phẩm, độc giả xem chi tiết tại đây.

Thiên Nhan - Phan Châu Giang

Bạn có thể quan tâm